Ngày 0: Nhận email "Cô ơi, cho con vào thực tập ở resort của cô với. Con thấy mô hình của cô quá hay. Con tốt nghiệp ĐH x hệ chính quy, làm nhiều công ty nhưng không thấy phù hợp. Con nhận ra mission của con là du lịch nên con sẽ theo con đường này. Con sẽ bắt đầu từ vị trí thấp nhất và nhất định con sẽ khởi nghiệp giống như thế ở quê hương, con sẽ làm chủ một resort mang tên mình". Tui thấy khẩu hiệu quá hay nên Ok, và bạn xuống liền đêm đó.
Ngày 1: 10h sáng mới ngủ dậy. Đứng trước gốc cây bâng khuâng, bạn nói cô cho con nghỉ mệt 1 ngày vì jetlag (dù đi xe đò, cùng múi giờ GMT +7, chỉ khác tỉnh, thôi kệ, tụi nhỏ giờ ít thể dục thể thao).
Ngày 2: Ra vô chụp hình mọi góc độ, từ bên nhà hàng tới chú bảo vệ. Tới giờ ăn vô ăn, người ta dọn xong thì sà xuống ăn như chim bồ câu. Ăn xong thì bay lên, cũng như chim bồ câu.
Ăn xong ra đứng gốc cây, nói trời nóng quá. Tui tới hỏi sao không phụ mọi người dọn rửa, bạn nói đang rèn óc quan sát. Tui nghĩ chắc mới làm chưa quen, nên không nói gì. Nhưng các bạn khác thấy khó chịu.
Ngày 3: Ra chụp seo-phi rùi vô ngồi cầm điện thoại nhắn tin liên tục. Xong thì ngồi ôm laptop. Tui tới hỏi thì nói chụp xong phải xử lý hình ảnh và viết thu hoạch. Gửi báo cáo cho ma ma, pa pa và em iu.
Ngày 4: Tui giao việc làm đầu tiên, tập bưng bê phục vụ khu nhà hàng. Ra vô được 10 lần thì nói mỏi, mặt mũi nhăn nhó. Bưng chén nước mắm dầm ớt, vấp dây điện, đổ hết vô người khách. Tui kêu vô họp, khóc nói cô thông cảm, xưa giờ ở nhà, cha mẹ con làm hết, sau này lên ĐH thì sống trọ chung với 1 con bồ xấu xấu cho nó hầu hạ. Con bồ làm hết. Con ân hận lắm, vì giờ nhìn lại, sắp 30 tuổi rồi mà chưa có thành tựu. Con không rõ lý do gì mà con không thành công, cô biết không? Tui lắc đầu, nói để vài ngày làm việc để cô xem đã.
Ngày 5: Bố trí vô phụ bếp. Rửa chén dĩa, mặt mũi nặng nhẹ vì không quen làm. Bếp trưởng lên gặp tui ý kiến, nói hem nhận cậu này. Bể chén hết trơn, lương em không đủ đền.
Ngày 6: Cho ra quầy tiếp tân. Trêu ghẹo bỡn cợt với các bạn nữ, thả thính (động từ mới nghĩa là rải thính dụ cá ăn). Tui mời vô họp, nói 3 cái "con thầy- vợ bạn - gái cơ quan" này đại kỵ, yêu đương chỗ làm việc là tuyệt đối không được vì ảnh hưởng đến năng suất lao động. Tui phân tích một hồi bạn đồng ý, nhưng ra quầy lại tiếp tục chứng minh "mình là một kẻ đào hoa phong lưu đa tình". Khách vô gặp tui ý kiến nói tiếp tân gì nói cười rất to rồi còn ăn xoài xanh trong giờ làm.
Ngày 7: Lên phòng kinh doanh thực tập. Trưởng phòng kêu ghi daily to-do list, ghi được 2 dòng rồi ngáp. Ngồi mở cửa sổ chát zalo, skype, facebook,... Dặn không được làm việc riêng trong giờ làm, bạn dạ.
Cuối giờ chiều, hỏi lại việc trong to-do list vẫn chưa hoàn thành cái nào. Hỏi lý do không làm, bạn im lặng. "Im lặng là đặc sản của em". Trưởng phòng bắt họp tới khuya, kiểm điểm hành vi, hứa không tái phạm. Bạn buồn, đăng stt trên FB mấy câu triết lý "đời là, thành công là, chúng ta phải, chúng ta hãy...".
Ngày 8: Vẫn thực tập phòng kinh doanh. Vẫn không ghi to-do list, nói mới miễn cưỡng ghi, mặt mũi thấy bắt đầu bất mãn. Tiếp tục chờ trưởng phòng ra ngoài là bật cửa sổ chat. Thấy vô thì luống cuống tắt. Giao 10 việc, đọc qua rồi để đó 9, làm 1. Không làm liền, không trả lời liền, không rõ tại sao. Trưởng phòng Kinh doanh lên gặp tui nói trả lại, không nhận.
Các bạn khác vô méc là anh này tò mò kinh khủng. Cứ đu theo hỏi chủ resort này mấy người, bà đó có chồng con thế nào, ông đại gia đó có rót vốn vô đây phải không. Phòng này 2 thằng ở chung phòng chắc là gay, phòng kia 2 con ở chung, chắc les. Phòng 201 bà lớn tuổi ở với thằng kia còn trẻ thì chắc hẳn máy bay và phi công, rình coi thử phải không. Còn 301 thì ông kia già ở với con nhỏ còn trẻ, mặc áo 2 dây đích thị là gái bao. Ánh mắt kỳ thị, soi mói dù người ta có đúng như mình suy diễn không thì không rõ. Mà có đúng thì cũng có ảnh hưởng gì đến mình. Đầu óc nhiều chuyện một cách vô văn hoá, không rõ cần biết các thông tin đó để làm gì, thuộc nhóm đám đông bình dân ưa thọc mạch và buôn chuyện, tui thấy hơi ớn ớn.
Ngày 9: Ít khách. Cả resort kể cả tui là chủ, cùng nhau ra nhổ cỏ, trồng rau, trồng hoa. Bạn ra làm được 1h 30 phút, giải lao 2 lần, xong vô xin phép tui về lại thành phố vì lý do gia đình. Mọi người nói nó làm biếng nên bỏ về chứ gia đình gì. Về vẫn đăng stt là đã thực tập xong, học được rất nhiều, sẽ làm chủ 1 resort lớn và doanh nghiệp tỷ đô trong tương lai.
Kết luận:
Từ lúc bài về resort giữa ruộng đồng của tui đăng lên, cả trăm độc giả trẻ cả nước đến xin thực tập để copy mô hình về triển khai. Ban đầu ai cũng hào hứng và quyết tâm cao độ, nói hay lắm. Nhưng 1 tuần là chạy mất dép hết. Nội dung "that's why you go away" giống tui miêu tả. Để lại đống tài sản như trong hình. Nói gì thì nói, người mà không có thành tựu gì trong đời, ắt phải có cái gì đó trong đầu họ cản trở.
Chủ resort XYZ, Tiền Giang
“Chào dượng
Con là T.A, năm nay 25 tuổi, độ tuổi chông chênh nhất của đời người. Ở lứa tuổi này, người ta mới đủ trưởng thành để biết cuộc đời mình ra sao, nhưng cũng bàng hoàng nhận ra hiện tại có quá nhiều lối rẽ. Rẽ trái, phải hay đi thẳng bây giờ?
Con vốn là một học sinh chuyên Anh ở một trường cấp 3 nổi tiếng, sau đó con vào một ĐH và theo học chuyên ngành ngoại thương. Khi ra trường, con thi đậu vào một chương trình quản trị viên tập sự của một công ty đa quốc gia. Họ cho con 2 năm rèn luyện ở mọi phòng ban, nhằm đào tạo cán bộ quản lý sau này. Họ đào tạo vô cùng tốt, nhiều bài học vô cùng hay. Các sếp đến từ các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh,…với lịch sử cơ chế thị trường hàng trăm năm, nên chiêu trò của họ cũng lắm. Người tiêu dùng một quốc gia nông nghiệp mới đi lên như nước mình, chỉ biết rơi vào vòng xoáy của các chương trình quảng cáo PR hát hò của họ. Chỉ biết dốc hầu bao để mua và mua. Lương tháng của công nhân nhà máy ở mình chỉ có 4-5 triệu chứ sẵn sàng bỏ nửa tháng lương mua mấy sản phẩm công ty con, dù không phải là hàng hoá thiết yếu.
Tình cờ con đọc sách của dượng, cuốn Trên đường băng, đầu tháng 9 năm ngoái. Có một câu dượng viết mà làm con bàng hoàng, đó là sinh viên ngoại thương tức được đào tạo xuất nhập khẩu, ra trường không làm xuất khẩu giúp người dân mình bán hàng Made in Vietnam với giá cao, mà cứ lao vô các phòng marketing các công ty nước ngoài để nhận lương tháng mấy trăm đô. Mà đúng thế thật, con học xuất nhập khẩu, cũng bill tàu, cũng thư tín dụng, cũng vận tải này nọ…nhưng quên hết. Nước mình tới 70% là nông dân, nông sản làm ra cứ đổ đống, hoặc lũ lượt chờ ở cửa khẩu Tân Thanh, điệp khúc được mùa mất giá, vì đầu ra không ổn định. Suy nghĩ điều này khiến con day dứt mãi. Lớp con học xong, các bạn phần lớn đi làm tài chính ngân hàng kiểm toán, marketing, dạy tiếng Anh, đi làm sale cho các hãng tàu, còn lại đi du học lên thạc sĩ. Tụi con được đào tạo để trở thành cán bộ XNK mà sinh viên tốt nghiệp phần lớn làm trái nghề hết dượng ơi. Con thấy thật là lãng phí…
Hai năm qua, con thật sự là trải qua một công việc mà bạn bè thì mơ ước, nhưng con thì thấy thật tẻ nhạt. Hàng ngày lên văn phòng ngồi họp hành với sếp Tây sếp Tàu, các buổi uống rượu trong các khách sạn 5 sao với đối tác với hoá đơn cả chục triệu, các buổi tập huấn ở nước ngoài gọi là team building chứ thật ra là đi du lịch, xài tiền…. Nhiều lúc con nghĩ đến những cô gái chàng trai trong các công xưởng hầm hập nắng, tăng ca ngày đêm, tháng cầm 5 triệu bạc và vui mừng khôn xiết, sao con thấy chạnh lòng. Rồi con đi các tỉnh chơi, thấy bà con hái thanh long cho bò ăn, cà chua đổ đống, điều tiêu xơ xác tiêu điều, cà phê bao bao chất cao ngất…chỉ vì phụ thuộc vài thương lái bán cho các thành phố lớn và xuất tiểu ngạch qua Trung Quốc. Một bác nông dân ở Di Linh nói với con sao mấy cô học cao hiểu rộng, tiếng Tây tiếng Tàu rành rẽ vậy mà không giúp tụi tui xuất khẩu hàng. Tụi tui là nông dân ít chữ, một nắng hai sương, cắm mặt vô đất làm ra những cái này, nhưng giờ không biết bán cho ai. Tụi tui biết là thế giới ngoài kia rộng lớn, người ta mua nhiều, nhưng không dám đi. Tiếng không biết, thủ tục không rành, quê mùa như vậy sao đi được mấy cô ơi…
Sau chuyến đi Di Linh đó, con về suy nghĩ để chọn một lối rẽ khác. Ngày con nhận được thông báo là chương trình tập sự kết thúc, được vô phòng marketing làm với mức lương cao hơn…thì cũng là ngày con thông báo xin nghỉ việc. Mấy sếp ngạc nhiên lắm, vì thấy con đủ năng lực, cống hiến trong 2 năm đó hết mình, đóng góp khá nhiều cho công ty. Các sếp chỉ cho con thấy gương thành đạt của thế hệ các anh chị các khoá trước đang làm cho các tập đoàn đa quốc gia, ai cũng có xe hơi, chung cư cao cấp, ăn mặc sành điệu…Nhưng con không thấy đam mê như vậy nữa. Con muốn xuất khẩu nông sản và giúp bà con nông dân, đồng thời tạo dựng một cơ sở vững chắc để mình nghỉ hưu khi tuổi bước qua 40. Con nghĩ đã đến bên kia con dốc của khả năng lao động, mình nên đầu tư có một mức thu nhập ổn định, chứ tóc bạc rồi mà phải vật lộn với báo cáo, giờ bấm thẻ, ăn trưa vội vã vào làm, chiều tối 9-10h giờ đêm còn ở văn phòng bàn bạc kế hoạch này kế hoạch kia, tung cái này ra tung cái kia ra, rồi đi nhậu đi nhảy với các agency (công ty quảng cáo) nói chuyện ca sĩ diễn viên…sao con thấy mệt quá. Nhường lại cho đàn em nó làm, mình chỉ tham gia quản lý, hoặc khởi nghiệp, hoặc đi dạy, hoặc nghỉ hưu, rong chơi chăm lo gia đình. 20 năm quần quật cho công ty nước ngoài, nghỉ hưu ở tuổi 44-45 là được rồi dượng ơi. Bữa nhậu đó con nói hết tâm tư của mình. Sau khi nghe con nói, ông sếp người Ấn Độ trầm ngâm không nói gì, còn ông sếp Mỹ thì nâng ly lên chúc mừng con, ổng nói đó là sự trưởng thành về tư duy của mày rồi đó. Chỉ có chị sếp người Việt, sau khi uống 1 hồi, chị bắt đầu xỉn và khóc khi con đề cập đến sứ mạng (mission) của cuộc đời. Chị nói chị từng có suy nghĩ như vậy, nhưng vòng xoáy cơm áo gạo tiền không cho phép chị dứt bỏ công việc hiện tại để theo giấc mơ. Chị còn 2 đứa con đang học trường quốc tế với mấy trăm triệu đồng/năm, còn cha mẹ già phải chăm sóc, còn mấy cái chung cư trả góp…Chị không dám khởi nghiệp vì quen với tháp ngà ở đây, giờ lăn lộn từ đầu cũng khó. Và quan trọng, chị không dám từ bỏ thu nhập ổn định hiện tại để mạo hiểm…
Thế là con nghỉ, đi phỏng vấn nhiều nơi, toàn công ty thương mại xuất khẩu nông sản. Con đậu vào một Văn phòng đại diện của nước ngoài ở quận 1, nhưng không làm. Vì làm ở văn phòng trên phố, cái mình biết chỉ là phần ngọn. Con quyết định xuống một tỉnh miền Tây làm cho một công ty xuất khẩu nông sản, bắt đầu từ con số không tròn trĩnh. Ai cũng nói con khùng. Ba mẹ con cũng nghĩ con bị thần kinh nặng. Bạn trai con cũng nói con đi là ảnh bỏ, ảnh không thể rời xa Sài Gòn, ảnh nói đã bỏ quê lên đây học rồi thì có điên mới trở về quê, huống hồ gì đi tỉnh khác. Ảnh nói “có nhà lầu ở quê cũng không bằng ngồi lê ở phố”, dù ngột ngạt chen lấn nhưng mình tranh thủ, chen lấn với người ta, chờ thời. Mấy đứa ở thành phố thật ra cũng là thế hệ thứ 2, thứ 3, ông bà cha mẹ nó ngày xưa cũng lên bon chen, mình giờ cũng bon chen để cho con cái trở thành dân thành phố. Bạn trai con ảnh ra trường 3 năm rồi, lương cũng có mấy triệu, chả có tương lai gì nhưng kiên quyết không đi tỉnh khác hay ra ngoại ô, có đổi công việc cũng xoay vòng ở trung tâm quận 1 để “chờ thời”. Con thì không rõ là thời gì nên quyết tâm đi. Kệ, bỏ hết. Con biết con đường trở thành doanh nhân là con đường cô độc, mấy ai hiểu mình. Con lặng lẽ đón xe xuống dưới đó, thuê nhà gần công ty và bắt đầu một cuộc sống mới.
Hàng ngày, con đọc tài liệu hướng dẫn nông dân trồng xoài, trồng nhãn, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, rau củ quả…. theo tiêu chuẩn GlobalGAP và ký hợp đồng bao tiêu. Con tiếp các đối tác nước ngoài sang mua hàng, dắt nó đi ăn uống, hỏi cho ra lẽ quy chuẩn hàng đủ tiêu chuẩn vô siêu thị Âu Mỹ Nhật Trung Đông. Rồi con làm chứng từ xuất nhập khẩu, lên phòng thương mại xin giấy chứng nhận xuất xứ, giấy khử trùng này nọ. Con tham gia coi việc xử lý sơ chế đóng gói, đã nắm được bí mật vì sao nông sản để cả tháng trên tàu đi sang tới nước ngoài vẫn không bị chín rục hay hư hỏng…Con còn theo cả mấy anh tài xế xe container chở hàng lên cảng Sài gòn để xuất khẩu, ai cũng nhìn con ái ngại vì thân gái dặm trường mà bản lĩnh quá, người ta tưởng con phóng viên không đó dượng. Con lao vô làm thủ tục xuất, rành rẽ 6 câu chỉ trong có 3 tháng thui. Làm việc dưới tỉnh, nhiều lúc cũng buồn, cũng nhớ Sài Gòn quay quắt. Sài Gòn là nơi con học ĐH, đã quá quen thuộc với hàng cây góc phố quán cà phê và bao nhiêu bè bạn. Nhưng con suy nghĩ lại, mình ủ mưu làm một cái gì đó lớn lao, một tập đoàn xuất khẩu nông sản của riêng mình, mình phải bắt đầu từ dưới bưng biền, từ cánh đồng, từ nhà máy, từ một cô công nhân xếp loại đóng gói. Chứ nào có ai làm chủ nhà máy mà bước ra từ bàn phím và cao ốc máy lạnh bao giờ?
Con mới trở về từ một hội chợ nông sản lớn ở châu Âu. Con bận áo dài, đội nón lá, nói tiếng Anh thành thạo và vui vẻ như hình ảnh của Dượng ở London á. Con gặp ai cũng tươi cười, nói “welcome to Vietnam”. Một tuần ở bển, con không nói tiếng Việt luôn, toàn hẹn gặp khách Tây để tiếp thị. Ăn sáng cũng hẹn tiếp khách, sau đó ra gian hàng, ăn trưa cũng hẹn khách, rồi quay lại gian hàng, ăn tối hẹn 2-3 khách luôn. Con về khách sạn lúc 1h đêm, may mà thành phố lớn ở châu Âu 1h sáng cũng như 1h chiều, vẫn nhộn nhịp. Con chốt được 10 hợp đồng, mức cao nhất mà công ty con làm được xưa nay ở một kỳ hội chợ. Tự dưng, con nể mình quá cơ, sao ở đâu ra một đứa con gái vừa giỏi lại vừa xinh đệp (cái này con bị lây từ dượng, dượng cắt đoạn này kẻo con bị ném đá).
Bữa nay con rảnh, đang ngồi quán chờ khách xuống đây ăn trưa, mà khách bị kẹt xe ở cao tốc Trung Lương nên con mới có thời gian viết như vầy á. Nếu có đăng bài con lên thì dượng chỉ viết tắt tên con thôi nhé. Dặn các bạn là nếu có đọc thư này thì hãy như con, hãy xách giỏ tung tẩy ra thế giới như con, hãy giúp bà con nông dân mình bán xoài, vú sữa, thanh long để lấy đô la như con.
Và cuối thư, con xin cám ơn hai cuốn sách và cái page của dượng. Có dượng, con đã tìm đúng mission của cuộc đời mình. Có dượng, tuổi 25 của con đã không còn chông chênh”.
Hôm nay là ngày 9 tháng 9 âm lịch, còn gọi là Tết Trùng Cửu (重九) hoặc Tết Trùng Dương (重阳), tiếng Anh là Double Ninth Festival. Đây được xem là ngày của “Lễ tìm cơ hội cho người trẻ” vì nó liên quan đến một điển tích rất nổi tiếng, trí thức các nước phương Đông ai cũng rành. Đó là câu chuyện Thời lai phong tống Đằng Vương Các.
Người tài thì trong thiên hạ nhiều vô kể, nhưng người có được thành tựu, thực hiện được ước mơ thì lại ít ỏi vô cùng. May mắn, phúc phần nhất của 1 đời người chính là cơ hội được trao. Cơ hội không tự đến, ai muốn có thì phải chủ động tạo ra.
Nếu chưa bao giờ hiến máu, hãy hiến (3 ngày sau khi hiến đừng vận động mạnh như đá bóng hay tập gym, sau đó sẽ bình thường trở lại). Hiến máu rất tốt cho cơ thể mình và tạo mình có 1 profile tốt với vũ trụ. Máu bị siêu vi B không hiến được thì mình đi hiến tạng. Người hào sảng phóng khoáng, vô vi với cơ thể sinh học của mình, không tiếc nuối gì thì mọi thứ với họ sẽ rất nhẹ nhàng.
Ngoài hiến máu, hiến tạng, hiến công hiến sức, cái khó nhất của con người là hiến tiền. “Về cơ bản, tuyệt đại đa số con người đều tham, đều muốn tư hữu”– Lão Tử đã nói với học trò như thế, để biết cách điều chỉnh các mối quan hệ nhân sinh.
Do vậy, 1 người đưa tiền cho người khác, không mong hồi đáp, thì đã chiến thắng được lòng tham. Và khi cho đi, họ đã chủ động tạo ra may mắn. May mắn hay cơ hội không có rành rành ra trước mắt, người hẹp hòi ngu muội sẽ mắng ngay, vì chưa thấy gì đã thấy mất tiền trước, ngu và điên mới chịu mất như thế.
Hệ “thấy rồi mới tin” sẽ không có nhiều cơ hội, vì còn chứa trong lòng sự nghi ngờ, cốt yếu là do sợ mất, nên cơ hội tới là chần chừ, sợ hãi, nghĩ đi nghĩ lại và cuối cùng nói thôi.
Còn người thuộc hệ “tin rồi sẽ thấy” thì dại khờ lúc đầu, nhưng hậu vận lại hanh thông. Người ta nói, “thánh nhân đãi kẻ khù khờ”, nhưng người đời dạy khôn nhau chứ không mấy ai dạy khù khờ cả.
Ai hoàn toàn không có cơ hội nào? Người ích kỷ.
Người ích kỷ sẽ luôn đau khổ, vì cứ sợ mất, nhất là tiền bạc, nên người ta không tin tưởng để trao cơ hội. Chưa kể, cơ hội của người khác đều bị họ phá hỏng vì chút tham vặt vãnh, góc nhìn nhỏ hẹp, cái tôi to đùng. Người ích kỷ lại hay đố kỵ, hay ghen ghét, hay tức tối vì thấy người ta hơn.
Người tầm cỡ họ luôn nói với nhau là “Đừng bao giờ đầu tư vào người nghĩ nhiều về chi phí, về tiền bạc”. Vì hễ một người không chịu mất tiền, thì mãi mãi chẳng bao giờ có thể làm ra tiền. Câu cá cũng phải tốn mồi câu. Mồi lớn thì mới câu cá lớn. Không mồi mà đòi có cá thì chỉ là ước mơ.
Nghĩ về được/mất nhiều thì dẫn đến không tin người. Nghĩ về được/mất nhiều thì sẽ không có thời gian nghĩ ra ý tưởng và triển khai để có thành tựu. Và thấy ai chơi không đẹp, ai không dám rút tiền ra thì người ta không muốn kết giao, không muốn đầu tư, không muốn dây vào. Người xài tiền chắc quá thì làm ăn rất khó. Và người thân bạn bè cũng khó mà nhờ cậy khi cần. Họ không muốn cho đi.
Thời lai phong tống Đằng Vương Các
Ngày xưa, có một anh thanh niên mới 15 tuổi tên là Vương Bột, soái ca ngời ngời, thông tuệ, ăn nói xuất sắc, hiểu được những điều phức tạp và biến thành đơn giản, nếu có cơ hội, sẽ cống hiến tốt cho đời. Thế nhưng xuất thân từ dân thường, anh đợi mãi đợi mãi mà vẫn chưa có dịp thi thố tài năng.
Thế rồi 1 bữa nọ, chàng nghe tin là ở Đằng Vương Các có 1 buổi thi làm thơ, từ chỗ chàng đến chỗ đó tới mấy trăm dặm, trong khi chỉ có 2-3 ngày nữa tới bữa thi. Chàng nghĩ thôi, lại vuột mất 1 cơ hội, bỗng dưng có 1 ông già xuất hiện, nói cứ chuẩn bị sửa soạn hành lý và lên thuyền đi, nếu đã tha thiết muốn, muốn đến tột cùng thì “nhân thiên đều giúp”.
Chàng thoạt không tin nhưng nghĩ lại, nếu vẫn có chút không tin như thế thì thành người tầm thường mất. Cứ tin và làm theo đi, bất quá thì tới trễ hoặc quay về thôi. Thế là chàng lên thuyền, ai dè lúc đó có ngọn gió Trùng Cửu nổi lên (ngày 9/9 âm lịch), gió mạnh thổi thuyền đi với tốc độ tàu cao tốc bây giờ. Thế là chàng đến được Đằng Vương Các để thi, vang danh thiên hạ. Vương Bột sau này chết ở Nghệ An (lúc đó nước ta còn Bắc thuộc, anh đi châu Hoan thăm cha và bị đắm thuyền do bão số 7, nha khí tượng dự báo sai).
Người sau dùng câu “Thời lai phong tống Đằng Vương Các” để nói về cơ hội cho người trẻ, “thời lai” là đến thời, “phong tống” là gió hộ tống đi.
Không ai biết thật sự thế giới bên kia là có hay không, nhưng lịch sử hàng ngàn năm của các nền văn minh lớn đã có sự trùng hợp, rất thú vị cho người nghiên cứu văn hoá. Các nước thuộc văn hoá Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Hàn Quốc...có câu chuyện về Thập Điện Diêm Vương, câu chuyện dễ thương chứ không rùng rợn gì đâu.
Nhiều truyền thuyết lắm, cái này khác cái kia chút nên đừng cãi nhau. Tựu trung điểm chung là vầy. Con người sống trên quả đất, ngắn ngủi chỉ có vài chục năm, sau đó thể xác biến thành tro bụi, nhưng linh hồn vẫn còn, trừ một số người tu hành đắc đạo (đạo nào cũng được, miễn tu nghiêm túc thì đều bay về thiên đường) còn lại linh hồn người bình thường sẽ phải xuống địa ngục. Tổng thống tỷ phú hay dân nghèo, đẹp xấu gì cũng xuống dưới xếp hàng như nhau. Dưới đó, có một cái gương tên là Nghiệt Kính Đài, nhìn vào màn hình sẽ thấy lại mình từ lúc sinh ra như thước phim quay chậm (cần thì bấm nút fwd cho tua nhanh). Lúc sống, ai ai cũng có đội ngũ âm binh vây quanh mình (mình không nhận ra đâu), nếu mình làm việc tốt việc thiện thì gặp lúc nguy hiểm, đội ngũ âm binh này sẽ ra tay đỡ mình liền (ví dụ trong tích tắc gặp tai nạn nhưng chỉ chậm 1 giây hoặc nhanh 1 giây sẽ không bị, cái này là do các vong hồn hỗ trợ), không cho mình chết. Khi mình hứa hẹn gì với ai, các âm binh cũng ghi chép lại, mình mà không thực hiện, bội ước thì các âm bình sẽ cho là "nói dối", "không trung thực", sẽ ghi sổ và trừ điểm dần, khiến mình không may mắn, làm ăn không được, sống không hạnh phúc, xui xẻo, cúng cũng không hết được vì các âm binh thực chất không có ăn được đâu mà cúng. Tự mình biết làm gì để có may mắn rồi há.
Các linh hồn sẽ luân chuyển qua các tầng địa ngục, ai từng làm điều xấu xa thì sẽ bị hình phạt, ai làm việc thiện thì pass, tới địa ngục thứ 10, Thập Điện Chuyển Luân Vương, vào khu Phong Đô để đầu thai trở về dương thế. Có linh hồn sẽ đầu thai thành người Mỹ cao to sinh ra ở New York, hoặc thành người Lào hiền lành, sinh ở Pakse, thành người xinh đẹp giỏi giang khoẻ mạnh hay xấu xí khờ căm khờ đục bệnh lên bệnh xuống là tuỳ phúc đức họ cho đi lúc họ sống. Ai ác thì thành con chuột con cóc con gà...hoặc ác quá thì không được đầu thai. Dân tộc nào răn dạy nhau thực hành nhân ái văn minh hào sảng thì tương lai của dân tộc đó toàn tinh hoa tinh tú đầu thai ra đời, rất xán lạn tươi đẹp.
Để qua khu Phong Đô và ngồi trong phòng chờ (sảnh departure hall) chờ đầu thai, mỗi linh hồn sẽ qua cầu Nại Hà, bắc qua sông Vong Xuyên (not Long Xuyên River in An Giang province). Dưới sông toàn rắn độc và những linh hồn buồn bã sân hận. Các vong nhìn thấy cái cầu và sông này thì sợ quá, bèn hỏi nhau "nại hà, nại hà" (tức "đi sao mày?"). Cầu Nại Hà có 3 tầng, tầng trên khô ráo, tầng giữa âm u còn tầng dưới thì vô cùng trơn trượt. Tầng trên cùng dành cho người có tấm lòng thơm thảo, mấy chục năm ở dương thế họ không tư lợi mấy cho bản thân, thương người nhiều, cứ có là cho đi, có là giúp người, trời cao đất dày ghi chép hết, nên đi qua dễ dàng. Tầng giữa khó đi hơn 1 chút, dành cho nhóm người khôn lanh, vun vén cá nhân mình trong lúc sống, không cho đi nhưng cũng không hại ai. Còn tầng dưới cùng là dành cho người tâm địa xấu, nói dối, tham lam, tư lợi, hại người để mình có lợi lộc,...Linh hồn đi 2 tầng dưới sẽ dễ bị rơi xuống sông, 1000 năm sau mới được đầu thai lại.
Ngay trước cầu có một bà già tên là Mạnh Bà, sẽ đưa một chén canh, ai uống thì mới được qua cầu. Canh này là canh nước mắt của mình lúc còn sống được bà thu gom lại, ai lúc dương thế khóc quá khóc thì có 1 chén to đùng (grande size), ai ít khóc thì có chút éc (small size), không có topping trân châu đường đen gì. Chén canh này sẽ giúp xoá sạch bộ nhớ, format lại, không nhớ gì kiếp trước nữa. Vì quên hết quá khứ nên khi ra đời, mắt trong veo, em bé lẫn con gà con, đều trong veo.
Nhưng không phải ai cũng chấp nhận uống chén canh Mạnh Bà, vì họ KHÔNG CHỊU QUÊN, họ coi mặt lại người mình thương yêu nhất hoặc coi lại cho được người mình ghét nhất (hoặc tò mò muốn coi mặt ai đó quá thì cũng không uống). Vong nào không uống thì sẽ xuống sông Vong Xuyên ngâm mình, chờ người kia đi qua cầu. Đã chọn nằm dưới sông để coi mặt thì 1000 năm sau mới được lên bờ và đầu thai. 1000 năm dưới dòng Vọng Xuyên, vong sẽ chứng kiến người mà muốn coi mặt đi qua đi lại cả chục lần (nhưng họ không nhìn thấy vong, kiếp người chỉ trăm năm, nên nó đi qua, đầu thai, chết, rồi lại đi qua, đầu thai, chết).
Xưa có một cặp kia yêu lắm, nguyện không lìa xa. Hai người thường nói với nhau, "khi qua cầu Nại Hà cũng không uống canh Mạnh Bà, kiếp sau còn nhớ, kiếp sau còn mãi đi tìm". Anh chồng chết trước, chị vợ ở vậy thủ tiết chờ. Linh hồn anh chồng khi tới gặp Mạnh Bà, tha thiết muốn Mạnh Bà giúp cho luân hồi trở về tìm gặp lại người vợ cũ, mà khổ nỗi không uống thì không thể qua cầu. Anh chồng đầu thai, lớn lên, khi cỡ 20 tuổi, một lần đi ngang qua nhà cũ thì lúc đó chị vợ đi ra, nhìn thấy liền hét lên "chàng đến tìm ta rồi", rồi xỉu nằm sải lai dưới đất. Chàng thanh niên thấy tự dưng có bà lão tới trước mặt mình nói lời yêu đương rồi nằm dài vậy, sợ quá bỏ chạy mất (vì không muốn mang tiếng là phi công trẻ lái máy bay bà già). Chị vợ buồn quá chết, xuống gặp Mạnh Bà, tha thiết muốn nhìn lại mặt người chồng cũ. Mạnh Bà lại xúc động, bảo là "thằng này đợt này lên đó ăn chơi quậy phá lắm, không tập thể dục thể thao gì, không ăn uống healthy, không hào sảng giúp người cho đi để tăng thọ gì hết, nên nàng chờ đi, 20 năm thì gặp, nó 40 tuổi là die à". Mạnh Bà cho phép nàng ở trên bờ, ngày ngày nhổ cỏ mọc dưới những tán hoa Bỉ Ngạn. Đúng hai mươi năm sau, anh chồng lại chết lần nữa, xuống đi ngang qua. Chị vợ đang bứt cỏ thì vứt cỏ, lao tới ôm chầm. Anh chồng không nói không rằng, gỡ tay nàng ra, ráo hoảnh uống cạn chén canh, đi qua cầu và ngồi chờ đầu thai tiếp. Nàng ngỡ ngàng, Mạnh Bà nói, con hãy quên quá khứ, hãy uống chén canh này đi rồi đi qua cầu Nại Hà mà đầu thai lại. Chuyện ở dương thế, tiền tài danh vọng ái tình, tất cả đều là phù vân. Lúc còn sống, enjoy được cái gì thì enjoy, vui vẻ được với ai thì vui vẻ, thương yêu ai được thì thương yêu, giúp ai được thì giúp, mơ ước làm gì cho đời thì cố mà triển khai đi, chớ có chần chừ hay không dám làm vì cái chết có thể ập đến bất cứ lúc nào. Con biết không, ai ước mơ dang dở thì dáng vong sẽ xấu (đại đa số ước mơ dang dở nên có thành ngữ "xấu như ma"). Con cũng đừng làm đau khổ, khiến người khác rơi nước mắt nhiều, chén canh large size húp hoài sao hết. Còn chết rồi, là GAME OVER. Làm gì có ai hẹn được ở kiếp sau, chưa ai kiếp sau làm được ước mơ kiếp trước vì húp canh của tui xong, qua cầu rồi thì không còn nhớ kiếp trước mình khát khao cái gì. So far, no one (đoạn này bà lão nói chêm tiếng Anh vì bà có thời gian làm cho công ty nước ngoài).
Nàng hiểu ra, liền uống cạn, đi qua cầu, ngồi cạnh anh chồng cũ nhưng không ai nhớ ai. Bên kia bờ sông Vong Xuyên, hoa Bỉ Ngạn vẫn đỏ rực rỡ.