Articles by "Tony"


Năm 1970, 70% dân số Hàn Quốc vẫn sống ở nông thôn, trong đó 80% sống trong nhà vách đất, dùng đèn dầu, đường làng nhỏ hẹp 1-2m thậm chí xe bò xe ngựa không qua lại được. Họ không có các công trình vệ sinh, y tế, văn hóa. Tình trạng đói ăn, thất học tràn lan. Trong năm này, phong trào LÀNG MỚI, tiếng Hàn là “Saemaul undong” ra đời. Chỉ đúng 10 năm, nông thôn Hàn Quốc khởi sắc, tươi đẹp không thua kém gì nông thôn ở các nước phát triển. 

Đầu tiên là họ xây dựng hệ thống giao thông. Đường làng nhỏ hẹp bằng đất sẽ được bê tông hoá hoặc trải nhựa, thường là mở đường mới cho thẳng chứ không theo đường cũ. Nhà nước tài trợ 25%, nhân dân đóng góp 50% và 25% dân làng tự đi vay vốn để làm đường. Mọi đường nông thôn được xây theo quy định, bề rộng tối thiểu phải 8m, chia 2 làn để xe tải và xe container có thể vào làng chở nông sản. Nhà cửa 2 bên đường cũng phải xây lùi vào cách mép đường tối thiểu 10m để có thể chứa 1 xe tải nhỏ vận chuyển nông sản, và cũng là quỹ đất dụ trữ để đường làng sau này có mở rộng được, không cần phải đền bù giải toả. Mọi ngôi nhà trong ngõ nhỏ đều phải hiến đất bắt buộc để mở rộng đường đi, đảm bảo xe tải vào tận từng nhà, từng thôn bản. Người dân sẽ họp lại, xem thế mạnh của vùng mình là gì, nuôi được con gì và trồng được cây gì, ai sẽ là người đứng ra trồng và nuôi, ai sẽ phụ trách chế biến và tìm đầu ra. Hầu như làng nào cũng có 1 nhà máy chế biến nhỏ để xử lý nông sản của vùng. Người có đầu óc trong làng được nhân dân hùn vốn và được nhà nước cho vay vốn không lãi suất để mở xưởng. Những doanh nghiệp lớn về làng xây nhà máy chế biển được làng cấp đất miễn phí và thuế địa phương cho miễn thuế thu nhập, lãi được hưởng trọn. Nhà nước đầu tư hạ tầng ở nông thôn, vì ở thành phố lớn, các tập đoàn bất động sản sẽ tự động đầu tư để bán được nhà đất, dân cũng tự động kéo lên đó sống và trở thành người mua, không cần nhà nước can thiệp hay hỗ trợ, nhà nước không cần đầu tư ở thành phố nữa. 

Ngoài ra, những tiện ích như chi nhánh ngân hàng, cửa hàng tiện ích, cây xăng dầu, trạm y tế, bưu điện, quán cà phê, siêu thị mini, trung tâm ngoại ngữ, trung tâm ca múa hát nhạc kịch, sân bóng và nhà thi đấu thể thao đa năng,....đều được quy hoạch trên đất công của làng để tạo thành 1 nơi tập trung đến mua sắm, vui chơi, không khác gì ở phố. Điểm đặc biệt là những nơi có khả năng đông người đến, họ đều dự trữ 1 quỹ đất rất rộng làm bãi đỗ xe, để mỗi người lái 1 chiếc xe ô tô đến thì vẫn có chỗ đậu, hộ gia đình 4 người thì họ đoán sẽ có ít nhất 2 chiếc. Về nghề nghiệp thì người dân có thể chọn bên cung ứng nguyên liệu hoặc làm công nhân chế biến nông sản hoặc ai lanh lợi thì chọn phần lo thương mại đầu ra, tham gia vào công ty thương mại trong làng để kinh doanh nông sản. 

Nhờ phong trào Làng Mới (Saemaul undong), nông thôn Hàn Quốc hiện này vô cùng tươi đẹp. Rất nhiều bạn trẻ rời Seoul về các làng quê sinh sống, mở các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp về tin học, gia công và xuất khẩu phần mềm, vốn chỉ cần 2 yếu tố là đường truyền internet mạnh và con người giỏi. Nhiều văn phòng đã được xây dựng giữa những làng quê, có sân vườn rất đẹp để cà phê họp hành, thay vì trên những toà cao ốc trung tâm thành phố như cũ. 
Mọi thứ đều đã đổi thay.

1. Ông lão lại thở dài. Mấy năm nay, cửa hàng pha lê của ông không bán được cái nào vì nằm trên đỉnh con dốc. Mỗi ngày, ông thầm nghĩ, chả có ai leo lên đây chỉ để mua bình, nếu là mình thì mình cũng không. Mình đã già rồi, chẳng còn thời gian để đổi nghề nữa. Một buổi sáng nọ, có chàng thanh niên ngoại quốc (Santiago, chàng chăn cừu) xuất hiện trước cửa hàng với dáng vẻ gầy đói. Santiago vào gặp ông, với lời cam kết là “con sẽ lau chùi toàn bộ cửa hàng, đổi lại một bữa ăn”. Ông chủ bảo không cần, vì có ai mua đâu mà phải dọn dẹp cho đẹp chứ. Nhưng ông nhớ lời kinh Quran là “phải cho người ăn xin 1 bữa cơm”, nên ông đồng ý, “dù sao thì phải cho nó ăn”.

Sau khi lau chùi sạch sẽ, bỗng dưng có khách đến xem. Rồi có người mua đầu tiên sau nhiều năm, điều kỳ lạ nhất với ông chủ tiệm. Cứ thế, ngày ngày, có khách hay không có khách, Santiago vẫn cần mẫn lau sàn nhà, trần nhà, mặt trước mặt sau, lau từng mm kệ hàng, kể cả nhà vệ sinh để khách vào xin đi nhờ. Santiago chỉ đứng, không ngồi, vì “đã làm bán hàng, tiếp tân thì không được ngồi như khách”. Rồi cửa hàng làm ăn phát đạt, dưới phố người ta thấy ai mang bình pha lê xuống thì lặn lội leo lên đồi để mua. Khi khách lên dốc và thở vì mệt, Santiago bèn đề xuất ông chủ cho mở quầy bán trà. Cứ thế, tiền vào tấp nập. Ông chủ cửa hàng nói, đúng là người tài, nó vào 1 năm đã khiến mọi thứ thay đổi hết. Nó có sự sạch sẽ và ngăn nắp trong não. 

Đó là nội dung 1 chương trong tác phẩm “Nhà giả kim”. Chỗ làm đẹp tươi hay bẩn thỉu nhếch nhác, đó là do óc quan sát và khả năng quán xuyến của người quản lý. Những ngôi nhà mà mình đi ngang qua thấy lúc nào cũng có hoa nở, thì chủ nhân ắt hẳn rất có đầu óc và chịu khó, vì không phải lúc nào cũng có thể thuê người làm. Singapore, Thuỵ Sĩ, Đức, Anh, Nhật,…đường phố của họ sạch sẽ kinh khủng, dù thành phố lớn hay nhỏ đều rất sạch. Ngược lại là các nước Nam Á như Ấn Độ, Bangladesh, các nước Đông Nam Á còn lại,…khu trung tâm nhất vẫn “rác đầy miệng cống”, vì người dân không biết sạch sẽ để làm gì, “quét xong lại có rác”. Đại loại như “ăn xong vẫn lại đói, nên thôi khỏi ăn”.

Đến một nhà, dù đang nghèo, nhưng sạch sẽ, thì do người sống ở đó rất ngăn nắp, có triết học rất sâu, trước sau gì cũng giàu có. Vào phòng 1 người trẻ, trai cũng như gái, thấy sạch sẽ tinh tươm, thì tương lai tiền đồ rất xán lạn. Biết để chọn bạn chọn vợ chọn chồng, chớ có lấy người dơ dáy luộm thuộm, khổ 1 đời vì hầu hạ, bệnh tật suốt vì vi khuẩn đầy nhà.

Vào một văn phòng, nhà xưởng….thấy sắp xếp khoa học, hợp lý, thơm tho thì phong thuỷ và trình quản lý ở đó rất tốt, rất nên hợp tác làm ăn. Tới một khách sạn nhà hàng cửa hiệu hay trung tâm thương mại, thấy gián bò lổm ngổm, váng nhện giăng giăng, trai gái cười cợt bông tình…việc đóng cửa sẽ rất sớm. Vì đơn giản là người quản lý ở đó không thấy đó là rác, là bẩn, là kiêng kỵ ở chốn làm ăn.

2. Nếu thấy bế tắc về đường đi, chán chường vì mong ước cá nhân không đạt được, hãy nghĩ đến chuyện thay đổi não trạng. Có cái gì đó đã sai sai.

Ví dụ thử thay đổi cho may mắn hơn. Bắt đầu bằng những việc cho đi như gửi dăm ba triệu cho quỹ từ thiện nào đó bạn thích, hiến tí máu ở BV đa khoa tỉnh. Đổi kiểu tóc, bỏ quần áo cũ đi, thay đổi chỗ ngủ, thậm chí dọn đến địa phương khác sinh sống (nếu ở 1 nơi nào đó cỡ 5 năm mà không thấy sự nghiệp gì như mình mong muốn là mình không hợp nơi đó), phải dọn dẹp chỗ ở và chỗ làm, sạch sẽ từng mm, từng ngóc ngách, kẹt cửa, trần, sàn, nhà vệ sinh….sau bắt đầu làm đẹp và làm thơm nó. Mặc ấm rồi tới mặc đep. Ăn no rồi thì tới ăn ngon. Đủ ăn đủ mặc rồi thì nghĩ đến văn hoá nghệ thuật. Có da có thịt rồi thì bắt đầu chỉnh đốn body. Chiều cao thì có thể do di truyền nhưng cân nặng thì chắc chắn là do lối sống. Một người có cơ thể cân đối là một người kỷ luật. 

Ở chỗ ở hay chỗ làm, cắm những bình hoa tươi, trồng những chậu cây cảnh để học cách chăm sóc những sinh vật sống, những cuốn sách văn học, những bức tranh trừu tượng, mở nhạc cổ điển, nước hoa thoang thoảng….và bạn đã thay đổi phong thuỷ của mình. Vì ai có đầu óc thì mới sắp xếp logic được, có đầu óc mới biết quán xuyến và chỉ người khác làm. Có đầu óc mới có gu tinh tế, mới biết thế nào là khoa học, là hợp lý, là đẹp, là sạch, là thơm, là tốt….

3. Một người mà chỗ ngủ bề bộn như chuồng gia súc, chỗ làm thì nhếch nhác như bãi rác, dẫu có vạn vạn trí khôn, làu làu kinh sử, thiên văn địa lý rành rọt hay quan hệ, vốn chống lưng dày cỡ nào rồi cũng sẽ phá sản. Một người có mùi hôi hôi, người lúc nào cũng bẩn bẩn, xuề xoà với việc ăn và mặc của mình thì cũng không thể làm ra tiền, không thể có thành tựu, không thể quản lý hay lãnh đạo người khác được. Chắc chắn 100%. 

Chẳng cần hỏi ngày sinh tháng đẻ gì, vì cùng 1 giây 1 khắc đó, có vạn vạn đứa trẻ ra đời trên khắp thế giới, tử vi trong sách chẳng thế giống nhau. Tử vi số mạng 1 người là do cá nhân người đó quyết định. Cứ ở chung với 1 người trẻ 1 thời gian, sẽ biết tương lai của họ. Cha mẹ cũng có thể nhìn thấy tử vi lá số của đứa con mình, thông qua cách chúng quán xuyến chỗ ở, chỗ học, chỗ làm, chỗ vui chơi.

4. Cuối tuần là lúc dọn dẹp nhà cửa, sạch và thơm. Còn ai muốn xem về tâm linh huyền học thật, thì xem bạn dưới còm. Hiếm hoi 1 bạn đủ trình để hiểu.

Tui rất tò mò chuyện các nước đang hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp của họ như thế nào, xã hội họ khuyên bảo giới trẻ nên lập nghiệp ngành nghề ra sao. Nhờ những người bạn cũ lúc quen bên Mỹ mà tui có dịp sang Hàn Quốc để hóng hớt. Bạn tui, cô Kim kể, trường con gái của cô học có những buổi gọi là "career orientation day", mời những người thành công nhất trong địa phương đó tới chia sẻ (chứ không có nhóm tư vấn viên diễn giả nói tào lao, bản thân họ có ra gì đâu mà suốt ngày đi khuyên bảo, khuyên xong giới trẻ mong ước cầm micro nói tào lao giống họ hết, coi như hại tương lai đất nước, ác chứ không thiện. Cẩn thận trong việc mời người chia sẻ hướng nghiệp, không phải thấy học hàm học vị, viết hay nói giỏi là tốt đâu, phải coi thành tựu cụ thể của họ). 


Cô Kim nói, ai cũng khuyên học sinh - sinh viên - giới trẻ Hàn Quốc nên hướng tới việc CHỌN NGHỀ GÌ ĐÓ ĐỂ CÓ THỂ chuyển đô la về nước. Nếu là bác sĩ, học hệ đào tạo tiếng Anh hoặc 1 ngoại ngữ nữa, khám bệnh cho nước ngoài, biến Hàn Quốc thành trung tâm chữa bệnh, người ta sẽ mang tiền tới. Nếu là du lịch, cũng sẽ xuất khẩu nụ cười để lấy đô la, mời khách tới Hàn Quốc chơi, kể chuyện hài hước cho họ mua đồ. Hàng hoá trong nước, làm gì cũng đủ chuẩn để xuất khẩu, phải hướng đến thị trường 7-8 tỷ dân chứ không phải chỉ quanh quẩn có mấy chục triệu người Hàn. Một cọng hành cũng phải biến thành kim chi và xuất khẩu. Nơi đất đai xấu, gần biển thì làm nhà máy công nghiệp, xuất khẩu máy móc thiết bị hoá chất dệt nhuộm điện tử... Chọn học kỹ thuật, học kỹ sư thì phải chế tạo ra máy móc để xuất khẩu. Học kinh tế thì tìm Sp gì đó của Hàn Quốc mang ra chào thế giới bên ngoài, tìm mối tìm mang, phải sale giỏi cho việc làm trong nước thật nhiều. Làm giáo viên cũng phải xuất khẩu, đi nước ngoài dạy, dạy cho người nước ngoài. Đá bóng phải tập luyện sao đó để xuất khẩu sang thi đấu giải ngoại hạng Anh. Làm ca sĩ cũng phải xuất khẩu giọng hát, lập ban nhạc và cho đi tiếp thị khắp nơi, nhảy múa chuyên nghiệp để lấy đô la về, không có hát trong nước không thôi. Làm phim cũng vậy, làm là để xuất khẩu sang các rạp các nước chứ không phải mỗi dân Hàn coi, có mấy chục triệu dân, coi sao được tỷ đô. Làm IT phải làm phần mềm xuất khẩu, đưa lên App cho cả thế giới tải về. 


Và bạn nếu thấy tài năng mình chỉ ở mức tầm tầm, nên sang các nước đang phát triển thấp hơn Hàn Quốc, sẽ có cơ hội làm quản lý. Sống ở các nước đó, thấy họ thiếu cái gì thì về Hàn Quốc mang sang cung cấp. Đầu óc phải lớn, tư duy toàn cầu, không có giới hạn địa lý. Không làm nhỏ, không làm tiểu nông tiểu thương tiểu tiết tiểu xảo gì hết. Làm là làm cho nó hùng hồn. Mất thì làm lại. 


Đó là những điều tui nghe thấy trong định hướng nghề nghiệp cho giới trẻ Hàn Quốc. Các bạn có thể áp dụng cho bản thân mình. Mọi thứ nên xuất khẩu, sức lao động, nụ cười, hàng hoá, chất xám,....thì nước mình sẽ phồn vinh. Dùng sức lực trí tuệ để buôn nhà đất, quánh chứng khoán, quánh đề, mua vé số, buôn qua bán lại trong nước thì cũng như việc chia tiền trong sòng bài thôi, ván này đứa kia thắng đứa nọ thua, rồi ván tiếp thì đứa nọ thắng đứa kia lại thua, xong zero-game, tức tổng giá trị của sòng bài đó không đổi, chẳng có gì hay ho cả. Đứa thắng thấy vui là vui ngắn hạn, rồi sẽ mất lại mấy hồi. Đứa thua tìm cách gỡ, mà cũng chỉ giật được tiền của người chơi cùng, trí tuệ là để đấu với thế giới bên ngoài, ép sao đó cho nó nhập khẩu được hàng Made in Vietnam của mình thì mới gọi là giỏi. Tương tự nhập khẩu cũng thế, tiền đi chứ không có tiền về. Làm xuất khẩu (hàng hoá, dịch vụ, du lịch...) hay hơn, ích lợi cho đất nước hơn. 

Nên khơi dòng tiền về. Đó là cách duy nhất làm nền kinh tế phình to ra.


*Cứ một bạn trẻ về quê hương xây nhà máy thì cả nước đồng lòng chúc mừng họ, dù xa lạ nhưng đều là đồng bào của mình cả. Ai giàu cũng tốt, phải phấn đấu để có thể bắt kịp các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Trong 4 dân tộc cầm đũa thì mỗi chúng ta là lẹt đẹt, đi quá chậm phía sau. 


Cách đây mấy năm, đợt nghỉ hè, tui đi châu Âu với 1 đoàn du lịch, có nhà chị Q. Chị Q dắt 2 đứa con đi chơi, nhóc đầu học cỡ lớp 9 còn nhóc sau học tiểu học, tên Phổ. Cậu lớn tên gì không rõ, còn cậu nhỏ thì cả đoàn ai cũng ấn tượng. Chuyến bay đêm (chuyến đi lẫn chuyến về), khi cả máy bay đang vật vạ ngủ thì đèn chỗ ghế cậu Phổ vẫn sáng. Tui đi toilet nhìn vào thì thấy cậu đang ngồi viết chữ tiếng Hán, rồi đọc sách, rồi viết viết vẽ vẽ. Tiếp viên thấy khoái nên khẽ khàng đi ngang, đưa ly nước, đưa cái bánh. Khi xuống sân bay trung chuyển và đợi lên máy bay kế tiếp, trong khi mọi người kể các bạn nhỏ trang lứa đang tìm sóng wifi để chat và chơi game thì cậu đi vòng vèo hết các ngóc ngách trong sân bay, chụp lại những chữ tiếng Anh mà cậu không biết, để dành tra từ học sau. Người lúc nào cũng vận động và đầy năng lượng. 

Chị Q nói thằng này ham hiểu biết, thèm chữ thèm nghĩa, ham thể dục thể thao, tự dưng nó vậy chứ chị chẳng có bí quyết gì. Thằng anh nó thì lười, anh chị la hét, phải ép buộc học, 10 chữ tiếng Anh dò lại 10 chữ, ráng trả bài xong là mừng rỡ chạy đi mất, kêu đọc sách thì nói dài, nhờ tóm tắt lại chứ không đọc. Chở đi học đủ các trung tâm đủ môn ngoại ngữ đến cờ vua tới nhạc cụ đến võ thuật bơi lội..., tốn không biết bao nhiêu tiền mà học không được là không được. Còn Phổ thì anh chị chưa bao giờ nhắc nhở, "nó biết sạch bách tất cả những gì nó đọc được"-chị Q nói. Ở trường, thầy cô nó chỉ hỏi khi các bạn khác trong lớp tịt hết không ai biết, dù hỏi cái gì nó cũng giơ tay. Phong trào nào nó cũng tham gia, cái gì nó cũng biết chơi. Vì quá ham hiểu biết nên mọi thứ đều mày mò tự học. 

Ở châu Âu, lúc đoàn ghé nhà hàng Trung Hoa, cậu đọc vanh vách thực đơn bằng tiếng Trung trên đó, giao tiếp với các phục vụ (là du học sinh Trung Quốc) một cách thành thạo. Một số chữ không biết thì cậu nhờ anh phục vụ giải thích lại, rồi cậu cẩn thận chụp lại mặt chữ để tra, để học. Khi vào quán Tây thì cậu nói tiếng Anh không khác gì người bản xứ, trong khi thằng anh thì cứ ấp a ấp úng, đi mua cà phê hoặc gì đó đều lôi thằng em theo, kêu trả giá giùm tao, hỏi giùm tao. Trong đoàn cũng có mấy con nhà khác, cũng con nhà khá giả và học đủ trường quốc tế Tây Tàu, nhưng không ai được như cậu Phổ. Tại những điểm tham quan, khi hướng dẫn viên nói về các di tích hay lịch sử, cậu mở điện thoại thu âm để nghe lại. Có lần đang ở trong một nhà thờ cổ, đang dịch thì chú hướng dẫn viên Việt Nam bị Tào Tháo rượt, phải vô nhà vệ sinh, cả đoàn ngoài này đang ngơ ngác thì cậu Phổ nói với cô hướng dẫn viên nước ngoài là cô cứ nói đi, để cậu dịch cho cả đoàn nghe. Một cậu nhóc nhỏ xíu đứng nói lưu loát mà phục lăn, cả đoàn yêu mến kinh khủng. Ngày cuối, cả đoàn đi shopping mua đủ thứ thì cậu thấy đứng đắm đuối trong hiệu sách, lục tìm sách quý. Khi hỏi sao con có trí nhớ tốt vậy, cậu nói "cũng quên nhiều, nhưng quên là con lập tức tra lại để nhớ". Tui hỏi sao con chăm chỉ vậy, thì cậu nói Genghis Khan (Thành Cát Tư Hãn) có nói với các cháu của ông là, "tư chất tốt là do trời sinh, nếu may mắn có được thì phải chăm chỉ gấp nhiều lần người thường để có thể bá chủ thiên hạ. Mình phải làm trùm 1 cái gì đó chú ạ". 

Bẵng mấy năm, nãy thấy nick chị Q sáng đèn. Tui hỏi thì chị nói cháu Phổ vừa thi xong cấp, tiếng Anh có IELTS 8.0 từ lớp 11 nên quy ra 10 điểm thi rồi, nhưng cậu vẫn đăng ký thi tiếng Trung để cho vui, suýt tuyệt đối. Các môn khác cũng cao ngất. Nó đã được ĐH Zurich nhận vào từ đầu năm, học bổng toàn phần, nên xong bằng cấp 3 là đi. Tui xin hình 2 anh em, chị Q gửi cho coi xong nhắn. Chị nói chán lắm em ơi, thằng anh sống bản năng, vô kỷ luật, mê ăn mê game mê chơi không à. Anh chị để dành sẵn tiền nó đi du học mà có cái IELTS 6.0 không thi nổi em, cuối cùng cũng đâu có trường nào bên kia nhận. Đành phải học cái ĐH quản trị kinh doanh khỉ nợ gì đấy ở VN này, xong xin việc lèo tèo lương không ăn thua, giờ suốt ngày nằm trong phòng quánh tiền ảo chứng khoán chứ không đi làm, coi máy tính điện thoại cả ngày nên mắt bị bệnh khô giác mạc, nhìn gà hoá cuốc, lái xe ra đường ban đêm suýt gây tai nạn. Phòng ốc nó bẩn thỉu lộn xộn, chung quy là do lười, anh chị rất lo lắng cho tương lai của nó nhưng riêng nó thì không. Chán, chị chẳng muốn nói đến. Hai anh em một trời một vực. Ngoại ngữ, tri thức hiểu biết, hay sự cân đối cơ thể là phải do cá nhân thực hiện chứ tiền nào mua được em. Chị đâu có so sánh, con đứa nào chẳng thương, chỉ là nói cái kết quả hay hậu quả gì cũng có nguyên nhân nội tại. Ai đó không được như bản thân họ mong muốn là 100% do mình. 

Còn cậu Phổ, tui hỏi, chị Q nói, trời ơi, nếu đẻ được 1 thằng như nó, thì đau mấy chị cũng đẻ nữa. Nó làm ra tiền từ lớp 8 rồi em ơi, dạy học cho trẻ con cả xóm và dạy online tiếng Việt cho người nước ngoài, tiền nhiều lắm. Nó tự động làm mọi thứ, phòng ngủ nó không cho giúp việc vào dọn, nó tự giặt giũ và dọn dẹp, luôn đẹp như khách sạn 5 sao. Nhà chị có điều kiện, du học tự túc cũng được nhưng nó nói thôi mẹ để tiền lo cho anh, con tự lo được. 

Nhìn bức hình chị gửi, thấy cùng mẹ cùng cha cùng huyết thống, cùng một mái nhà mà sao khác biệt quá. Bên cạnh thằng anh tối om tối sầm (do lối sống kém kỷ luật và lười biếng mà thành), thì cậu em cao to cân đối, mặt mũi sáng trưng như nam thần Hy Lạp. Chiều cao thì có thể do gene, nhưng sự cân đối cơ thể của 1 người, sự thông thạo ngoại ngữ của 1 người là chắc chắn là do khổ luyện.

Nhiều người trong chúng ta có những giấc mơ lớn lao lúc còn nhỏ. Những giấc mơ đoạt giải Nobel, những giấc mơ làm soái làm tướng, kinh bang tế thế, lưu lại sử xanh ngàn đời rằng đã từng có 1 người tên ....đã xuất hiện từ năm....(năm mình sinh) đến năm....(năm mình mất). Nhưng rồi cơm áo gạo tiền, những nhu cầu tư hữu xuất hiện, nhỏ rồi to dần, khiến đại đa số quên mất những giấc mơ lớn lao ấy. Xếp xó trong 1 góc của ký ức, họ lao vào cuộc sống thường nhật, chọn cái tầm thường chỉ để có tiền. Giữa lý tưởng ước mơ và lợi ích kinh tế, họ sẽ chọn lợi ích kinh tế để mưu sinh, để làm giàu. 

Rồi 1 ngày, người ta nhận ra là mình chỉ có thể mượn được thể xác này trong 1 khoảng thời gian ngắn nữa thôi. Vũ trụ tỷ tỷ năm, sự sống trên trái đất triệu triệu năm, quãng thời gian mình lưu lại trên trần thế, chỉ là 1 cái chớp mắt ngắn ngủi. 

Muốn sống lại ước mơ, muốn quay lại lý tưởng thì thời gian đã không kịp nữa rồi. Và cũng không từ bỏ được cái đang an toàn, cái tiện nghi, cái sung sướng, trừ người có chữ dũng. Họ tặc lưỡi bảo, thôi ước mơ ấy gửi vào con cháu. Mà mỗi người là 1 thế giới, ước mơ của ai người ấy thực hiện, chứ sao đợi người khác làm cho mình? 

Vì lòng tham chi phối hầu hết thời gian 1 người sống, nên ước mơ lưu vào sử sách, để lại thành tựu cho đời không mấy ai đạt được. Đa số sẽ chết vô danh, trong gia phả con cháu chỉ nhớ được 1 vài người có tên tuổi, có thành tựu, còn lại không ai biết đó là ai. Họ đến và đi như 1 cơn gió thoảng, dù có người sống dai cả trăm năm.
1. Ngày đầu vào lớp môn Triết ở ĐH bên Mỹ, thầy giáo ra đề bài "hãy viết 1 di chúc". Cả nhóm ngơ ngác vì chưa bao giờ nghĩ đến đề tài kỳ quái này. Có sinh viên TQ còn từ chối làm vì sợ xui, nhưng thầy nói "tui đã viết từ năm 20 tuổi, nay đã 70 và vẫn chạy xe đi thỉnh giảng khắp, chưa thấy xui xẻo gì, đời toàn may mắn". Ông nói, các bạn phải nghĩ đến việc viết di chúc cho ngày đó, để tránh mọi rắc rối mình có thể gây ra cho người còn sống, lưu lại tiếng thơm muôn thuở, và trong di chúc ấy, bạn sẽ để lại quà gì cho thế hệ mai sau, hỡi những mái đầu tinh hoa? Cái chết có thể đến bất cứ lúc nào với bất cứ ai, một cách khách quan mà nói, chúng ta không nên sợ hãi mà phải chuẩn bị thật tốt. Ai trong chúng ta, cũng chỉ 100 năm là hữu hạn đời người. Biết mà sống có thành tựu. Biết mà để lại legacy (di sản, không chỉ về vật chất). Đề tài "ngày qua đời" cũng được nhiều nhà tuyển dụng cũng như nhiều ĐH lớn đánh giá sự lựa chọn của các ứng viên, ví dụ câu hỏi "Nếu bạn chỉ còn 24h nữa tồn tại, bạn sẽ làm gì? Nếu chỉ còn 1 ngày nữa là tận thế, bạn sẽ làm gì?". Có năm, đề thi ban Triết của Tú Tài Pháp còn ra câu này cho học sinh toàn nước Pháp tốt nghiệp trung học.

"Nếu chỉ còn một ngày để sống. Người đưa tôi về đến quê nhà. Để tôi thăm làng xưa nguồn cội. Cho tôi mơ, mơ tiếng mẹ cha. Nếu chỉ còn một ngày để sống. Làm sao ta trả ơn cuộc đời. Làm sao ta đền đáp bao người. Nâng ta lên qua bước đời chênh vênh. Nếu chỉ còn một ngày để sống Làm sao ta chuộc hết lỗi lầm. Làm sao ta thanh thản tâm hồn. Xuôi đôi tay đi giữa hừng đông". Bài hát này khi xuất hiện đã gây tiếng vang và được nhiều người yêu mến. Phút cuối, người ta lại mơ về quê nhà, gần cha gần mẹ. Phút cuối, người ta lại muốn trả ơn người. Phút cuối, người ta lại ân hận về những lỗi lầm. Phút cuối, người ta muốn thanh thản về lương tâm, mắt khép, môi cười, đôi tay xếp xuôi mãn nguyện đi về phía mặt trời. Và nhiều người không cần phải chờ phút cuối và tiếc nuối. Họ chọn đi về phía quê hương trong những ngày còn sống. Họ chọn một cuộc đời hào sảng cho đi để không phải nói 2 chữ giá như. Họ không tham lam để không phải chảy nước mắt sám hối vào giây phút sinh ly tử biệt.

2. Người phương Đông thấy cấm kỵ khi nói về cái chết, vì sợ xui. Nhưng vẫn có những người vượt lên sự mê tín ấy một cách khách quan mà đề cập đến nó. Nhiều nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ....cũng thường nói về cái đích cuối cùng của đời mình. Kỳ lạ thay, những người này, lại không có chết sớm (dù họ rất thích uống rượu, hút thuốc, thức khuya, sống không theo trật tự nào). Nguyên nhân chính của sự thọ này chính là, khi con người nhận ra cái mốc cuối là cái chết, sẽ sống rất tử tế và trân quý cuộc đời. Họ quý giá mạng sống và sự trải nghiệm hơn tất cả tiền bạc, của cải, danh vọng.....từ đó khắc chế được lòng tham, sự sân hận, sự mê muội quyền lực và danh tiếng. Ai rồi cũng chết, cái vật chất mình ham muốn tột độ 10 năm trước, giờ nghĩ lại rất buồn cười. Nó có thể chỉ là sự viển vông với người ít tài, hoặc khi đạt được ước mơ cũng là lúc khó thấy chán nản nhất với người có năng lực. Vui chỉ vài giây, rồi lại thấy không thoả mãn nữa. Hạnh phúc, luôn nằm trong quá trình đi tìm kiếm và chinh phục chứ không phải là sở hữu, càng tham của người thì càng thấy vô nghĩa khi đạt được, vì trong thâm tâm mình biết đó không phải của mình. Khi nghĩ đến ngày cuối cuộc đời, người ta cũng sẽ sống tốt hơn, biết ăn uống healthy, biết vận động thể dục thể thao cho cơ thể khoẻ mạnh mà thọ thêm 1 chút, biết cho đi và hào sảng để khi mình lìa đời, trên miệng thế gian còn lại là tiếng thơm. Người ta "vô cùng thương tiếc" một cách thật lòng chứ không phải chỉ là 1 câu sáo rỗng trên cáo phó điếu văn.
"Đường nào dìu tôi đi đến cơn say. Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời. Dù thật lệ rơi, lòng không buồn mấy. Giật mình tỉnh ra, ồ nắng lên rồi!" (Bên Đời Hiu Quạnh-Trịnh Công Sơn). "Thôi thì thôi để mặc mây trôi. Ôm trăng đánh giấc bên đồi dạ lan. Thôi thì thôi, chỉ là phù vân. Thôi thì thôi nhé, có ngần ấy thôi. Mai ta chết dưới cội đào. Khóc ta xin nhỏ lệ vào thiên thu" (Đưa em tìm động hoa vàng, nhạc: Phạm Duy - thơ: Phạm Thiên Thư). Phạm Duy cũng nổi tiếng với bài "Nếu một mai em có qua đời", bạn thử nghe 1 lần với giọng ca Nguyên Thảo, rất hay. 

3. Biết một ngày mình sẽ qua đời, thì những ngày còn sống sẽ không lãng phí vô chuyện không đâu, và nhất là, phải sống trung trinh tử tế, lấy nhân cách làm di sản cho con cho cháu cho người thân. Làm sao đó để khi trăm năm, họ nhắc lại tên mình, với sự yêu mến và kính trọng. Câu thành ngữ này học sinh nước ngoài thường học thuộc lòng, bạn có thể in ra để trên bàn làm việc "When you were born, everyone around you was smiling and you were crying. Let's live a meaningful life so when you die, everyone around you is crying while you are smiling" (Khi bạn sinh ra, bạn oa oa cất tiếng khóc chào đời còn mọi người xung quanh cười rạng rỡ nhìn ngắm bạn. Hãy sống sao cho khi bạn qua đời, mọi người nhìn ngắm bạn và khóc thương trong khi bạn thanh thản mỉm cười).
Đoá hoa nào cũng bắt đầu từ hạt giống rồi nẩy mầm, thành cây, thành hoa, rồi trở về với đất. Đến nhân gian một lần, hãy toả hương và rực rỡ.

Theo Tony Buổi sáng

Hôm bữa 1 team khóc với tui, nói bị 1 bà chị xinh đẹp lừa trăm triệu. Bà chị này ngon ngọt, nói chị hâm mộ các em, lấy cái gác nhà chị làm kho chứa hàng chứ không cần thuê kho ở thành phố, hàng hoá chị sẽ phụ bán, được cái nào sẽ chuyển vô cho các em ngay. Cả team thấy ngon, ngày chị gọi điện tâm sự cả mấy cuộc, nên tin tưởng rất mực. Xong 1 năm tổng kết, kiểm tra thì thấy tiền còn nợ 100 triệu, hỏi thì chị nói chị bán hết rồi nhưng không biết đã tiêu xài vào việc gì, các em cứ thư thư cho chị, khi nào có chị trả. Rồi 3 năm trôi qua, nhắn tin vẫn cứ thư thư. 

Nhiều bạn ra làm ăn nhưng một thời gian thì cụt vốn (quản lý kém thì cái quần cũng cụt chứ không mỗi vốn). Cái này qua thực tế làm ăn cỡ chục năm thì sẽ tự rút ra, hoặc con nhà buôn bán người Hoa chẳng hạn, từ nhỏ theo cha mẹ làm ăn, cha mẹ sẽ chỉ. Trường quản trị kinh doanh, thầy cô có kinh doanh bao giờ đâu, có ôm hàng có áp lực bao giờ đâu mà biết mà chỉ. 

Một ví dụ nhỏ là ký gửi hàng, cứ tưởng siêu thị hay cửa hàng ngon mà ký gửi vào, nhưng gặp người có máu tham thì mình sẽ bị chiếm dụng vốn. Họ bán xong rồi nhưng nói dối là chưa, để neo tiền lại. Thể loại văn học này trong xã hội nhiều lắm, không biết được, phải qua thực tế kiểm nghiệm chứ không phải thấy họ đăng bài nói chuyện đạo lý đạo đức mà tưởng họ cũng làm được như họ nói, thật ra đạo lý ấy chỉ là ước mơ của họ thôi. Đụng tới tiền là não họ bật qua chế độ "tham lam mode" và lúc đó, họ chỉ còn nghĩ có mỗi bản thân gia đình họ, còn của người khác thì mặc kệ. Họ được ông bà cha mẹ họ dạy như thế từ nhỏ, cho rằng như vậy là khôn, con nên cư xử vậy với người đời. Đứa tham là do cha mẹ tham mà di truyền lại, chứ gia đình đàng hoàng tử tế, người ta uốn nắn từ bé, không để vậy đâu nhen. Mỗi cha mẹ là 1 tấm gương cho con cháu noi theo (gặp 1 người đàng hoàng tử tế hay tham lam bất nghĩa là biết ngay cha mẹ họ thuộc thể loại văn học gì liền). Bạn nào có con nên sống chính trực tử tế ngay thẳng, đừng di truyền cái này cho tụi nhỏ tội nghiệp, về sau bị xã hội khinh bỉ, ngóc đầu lên không được. 

Có cửa hàng không dám bán hết, chừa lại 1 ít bày ra đó, mình đi ngang ghé kiểm thì họ nói chưa bán được, hàng còn đầy kia, cần thì lấy về đi. Họ thao túng tâm lý để mình ngại, không dám ép để đòi nợ. Nếu mình thẳng thừng lấy về thì tình cảm 2 bên cũng tan vỡ. Mấy bà chủ cửa hàng, khi thấy mình tới ôm hàng về là liếc hứ ken két. 

Việc ký gửi hàng cũng không tạo áp lực cho đại lý, vì chỉ khi họ ra tiền để nhập rồi thì mới tìm cách đẩy ra để thu tiền về. Còn ký gửi, ra được thì tốt, không thì chẳng sao. Nhưng trong thị trường áp lực lớn, nhiều đối thủ cạnh tranh, họ ký gửi còn mình kêu khách trả trước, ĐL nó hem chịu. Vậy phải làm sao? Cái này tui biết, để chỉ cho. 

À thêm vụ tập trung bán cho đại lý chuyên kinh doanh on-line, nhóm này đại đa số là những người khá giả, hoặc đang có việc này làm thêm việc bán hàng cho vui, chứ không có dấn thân hết sức. Thấy mày khởi nghiệp ở nông thôn, tao thích quá nên tao bán giúp, sáng nay ngủ dậy, tao tự dưng thấy hết thích mày rồi. Nghỉ nhen. Tao là nữ hoàng cà giựt cà thọt mày không biết à? 

Có chị kéo băng keo rột rẹt cả đêm chồng ngủ không được, chồng chửi rồi chị nghỉ ngang, hàng đang làm để nhà chị ăn, để nhà chị để uống, không bán buôn gì nữa nha mấy em. Rồi chưa kể nhóm này làm tùm lum thứ, cái gì có lãi là làm. Khác với người bán ở dưới phố, họ mở cửa hàng rồi không có nghỉ ngang hông được. Thêm vụ mood (tâm trạng) cứ như là cái quần dây thun lỏng, cứ tụt lên tuột xuống hoài, mình phải truyền cảm hứng cho họ miết. Họ không áp lực cơm áo gạo tiền và không xem đó là việc chính, trong khi doanh nghiệp mình, ngưng bán hàng là chết ngắc. 

1. Cách giải quyết ra sao, vui lòng xem hồi sau sẽ rõ. Kinh doanh thương trường là môn tổng hợp của giải toán, logic, khoa học hành vi, tâm lý học. Kinh doanh giống như quánh cờ, nhức đầu nhưng rất thú vị. Thua ván này bày ván khác chơi tiếp. 

2. Chỉ phát cho fan cứng ngắc. Cứng ngắc hoặc chết ngắc, chọn cái nào. Lai còm se gộng gãi, giờ tui đi hạc, chiều về tui coi, ai còm lai se sẽ đưa vô fan cứng.

Theo FB Ăn trưa cùng Tony 

. Không biết các bạn có bao giờ nghĩ về những người thành đạt ở mọi lĩnh vực, coi thử họ có 1 điểm chung nhất là gì không? Các bạn ạ, đó là sự tự tin. Một đứa trẻ nói năng tự tin, phong thái tự tin thì ai cũng thấy nể, thấy yên tâm. Nhóm trẻ tự tin, nếu may mắn gặp được những cha mẹ hay thầy cô có tầm vóc, khuyến khích làm lớn, nghĩ lớn, sẽ khiến chúng thăng hoa, còn ngược lại thì thúi hẻo, đời buồn như con chuồn chuồn (người nghĩ nhỏ, nghĩ lặt vặt thì lại ưa tìm cách kéo nó xuống cho giống họ để thoả mãn cái tôi). Một dân tộc khi có tỷ lệ người tự tin lớn trong xã hội thì sẽ tự cường. Riêng lĩnh vực kinh tế, người không tự tin thì không thể làm ăn. Nó không phải là kiến thức sách vở hay kinh nghiệm truyền nhau, mà chính là phong thái. Mà phong thái của một người, thì hoặc tự sinh (trời cho) hoặc chọn sống kiểu vậy. 

Anh A, khi vào công ty giao nhiệm vụ quản lý kinh doanh, anh được cấp điện thoại, sim, email,...và công ty có quy định nếu rời đi thì phải bàn giao lại. Trong quá trình làm, anh sinh ra lòng tham, mở một công ty tương tự ngành nghề cho vợ đứng tên, hễ khách công ty liên lạc thì anh bắn tin cho vợ giao hàng, hòng lấy lợi riêng cho gia đình. Công ty phát giác, anh bị sa thải. Khi công ty yêu cầu bàn giao ĐT, Sim, Email, fanpage... cho người mới thì anh tìm cách nấn ná không giao, liên tục trốn nghe điện thoại và lánh mặt. Anh cố giữ cái cũ, kỳ thực là do anh thiếu tự tin. Anh không tin vào năng lực bản thân nên không dám buông, sợ không làm lại được, không có lại được (vì những cái đó không phải do anh tự làm ra). Chính vì không tự tin nên anh không thể chơi đẹp.....cuối cùng lại tắc tị về lối đi, vì người ta đồn nhau, tiếng lành đồn xa nhưng tiếng xấu thì còn xa gấp vạn lần. Người không tự tin nghĩ phải thủ chặt, đấu tranh để lấy phần hơn, khôn cho mình trước đã. Vì lý do này nên người kém tự tin không có đồng đội, không có quý nhân giúp đỡ, không thể có một cuộc đời như họ mong ước. Dù bạn có thông minh, lanh lợi, kiến thức nhiều, học hành nhiều, quan hệ tốt... cỡ nào đi nữa, tất cả đều vô nghĩa khi thiếu sự tự tin! 

. Đặc trưng của người tự tin là họ ít sợ mất, tiến tới đẳng cấp cao hơn là không sợ mất. Họ TIN vào năng lực bản thân. Mất rồi làm lại. Họ lựa chọn 1 lối sống rất cao thượng mà người ta gọi là chơi đẹp. Đẹp lắm. Ly hôn ư, cho hết vợ cũ, cái quần rách ra đường, làm lại từ đầu. Hùn hạp làm ăn thất bại ư, cho hết đối tác, mình tay trắng gầy dựng lại cơ nghiệp khác. Thi rớt, học lại, thi lại, chọn đường khác đu, có chết đâu mà. Làm gì với ai họ cũng đều chọn chịu thiệt. Họ cho đi sạch sẽ vì tự tin rằng mình sẽ làm lại được từ con số 0. Họ toát ra được 1 khí chất rất riêng, hay lắm, nhìn là muốn chơi cùng thôi. Và quý nhân xuất hiện, dẫn dắt họ lên tầm cao mới. 

Mất - được luôn là bài toán của mỗi người phải giải. Có những cá nhân có đầu óc tốt, hiểu được - mất của đời người nên họ sống rất phong lưu. Sự xởi lởi, hào phóng, hào sảng... không thể diễn xuất hay nghe ai đó hô hào mà bắt chước. Nó tự nhiên xuất phát từ một tấm lòng nghĩa khí trung trinh và một trái tim đầy ắp yêu thương. LÀ MỘT SỰ LỰA CHỌN. Tao sống vậy đó, chơi đẹp vậy đó, chơi sang vậy đó. Họ là số ít, không phải đại trà. Bạn thấy trong xã hội rất ít người sang trọng quý phái đẳng cấp cao thượng, trong khi đầy ắp kẻ hung dữ, hơn thua, sân si, tính toán từng đồng, vật vã giành giật nhau....Đầy ắp. Đầy đường. Đầy mạng. 

Nếu bạn muốn biến mơ ước gì đó của bạn thành hiện thực, bạn phải tự tin và phóng khoáng. Mua cái gì từ người nghèo khổ, từ những người trẻ tuổi thì trả giá làm gì, cho họ có tiền với. Họ làm để có chút mưu sinh, có chút tích luỹ, chứ có phải trở thành nhà tài phiệt ôm đất tỷ tỷ đô đâu. Đi sai luật giao thông thì bị phạt, chỉ có mất tiền thôi, đâu có gì mà sợ hãi hay xin xỏ năn nỉ hay nhờ quan hệ để không bị mất tiền, người hành xử vậy thì hãy còn tham vặt. Sai thì vui vẻ trả giá, nhất là tiền bạc. Mình sai mà, chịu mất thôi, làm lại cái khác. 

Đi đâu người ta phục vụ mình, cũng gửi dăm ba chục đô tiền tip tiền boa, khá hơn thì gửi người ta vài ba trăm đô. Công người ra dẫn mình đi, nếu không có họ, mình có nhìn thấy cái mới đó đâu. Dùng 1 dịch vụ 1 sản phẩm, thấy không ưng thì thôi, không mua lại nữa, đừng lên mạng bốc phốt kể lể đòi đền bù, thấy hèn hèn kém sang vì hãy còn tham vặt. Phải có sự biết ơn và dùng tiền để thể hiện. Luôn có quà trong người, gặp nhau thì tặng. Thơm thảo như bát nước đầy. Phải chi trước, cho đi trước. Cho đi càng bạo thì sẽ thu được càng nhiều về sau!

Người tự tin đọc bài này sẽ tin. Và ngược lại.

---------------------------------

*Ai thấy mình tự tin thì còm việc đã làm, việc đang làm ở đây. Tui coi ai chơi đẹp sẽ gieo duyên cho gặp người cần thiết phải gặp trong đời, để xã hội đẹp hơn.

1. Ai giàu có, tui đều thấy có 2 đặc điểm nổi bật là (1) đầu óc lanh lợi, (2) tác phong nhanh nhẹn. Hãy đi Singapore để thấy đại đa số người dân nước này rất lanh lợi, nên rất giàu. Các bạn phải tận mắt quan sát, mới có thể về nước, tự điều chỉnh hành vi của mình. Đi mới thấy nhà ống lô nhô, phân lô bán nền, hẻm nhỏ ngõ nhỏ cần phải dẹp bỏ, đập bỏ cả khu phố lộn xộn để xây thành 1 chung cư và công viên khang trang. Sẽ chấp nhận từ bỏ sự tiện lợi nhưng lộn xộn của xe máy, đi phương tiện công cộng, chấp nhận đi bộ nhiều. Sẽ thôi chen ngang khi xếp hàng, bóp còi khi lái xe, cười nói to nơi công cộng. Sẽ thấy việc bán buôn vỉa hè, tiểu ngoài đường, khạc nhổ, xả rác xuống đất, xuống sông, giành vô thang máy, không xếp hàng nơi công cộng, không chịu đi bộ, chụp hình người khác mà không xin phép, vô quán cà phê nhìn người này người kia soi mói, quan tâm đời tư, va chạm nhau thì giận dữ la hét đánh đấm, bốc phốt hạ nhục nhau, …là lối sống chưa có văn minh và còn quá rảnh. 

Nước ta chưa hề có thành phố. Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng… chỉ là các thị trấn khổng lồ. Giống Băng Cốc, Manila, Jakarta. Nếu muốn xem một thành phố, mình có thể đến New York, London, Paris, Thượng Hải, Seoul, Quảng Châu, Hongkong, Dubai... Cả Đông Nam Á, chỉ có mỗi Singapore là thành phố đúng nghĩa thôi. Mình là người Việt Nam, Singapore cho qua dưới 1 tháng du lịch không cần xin visa. Biết tiếng Anh thì tự đi. Hem biết thì mua tua. Nhưng phải chấp nhận là đi bộ rất nhiều, đại đa số người mình 1 phát leo xe máy nên sang chỉ 1 buổi là than thở mỏi chân. Họ đi bộ cả chục km 1 ngày, lên lầu xuống lầu, lên cầu vượt xuống cầu vượt, nối trạm xe buýt này sang trạm tàu điện kia. Ai không quen đi bộ thì đừng đi Singapore, sẽ chê bai và khóc lóc đòi về.

Phần lớn người Sing đi lại bằng phương tiện công cộng. Mọi con đường dù to dù nhỏ đều có lane riêng của xe buýt, ghi chữ BUS ONLY. Vỉa hè có mái che cho người đi bộ từ bến vô các toà nhà. Xe buýt hưởng mọi đặc quyền ưu tiên trong giao thông là dấu hiệu nhận biết một thành phố. Khi bạn muốn trở thành cư dân đô thị, bạn phải nắm bản đồ, thời gian biểu của các tuyến xe buýt, tàu điện. Quản lý các thành phố trên thế giới thường sang Singapore, đi lang thang mọi ngóc ngách, chụp hình, làm báo cáo để trở về quy hoạch cho thành phố của họ.

2. Công sở cty ở Sing mở từ 9-10h sáng đến khuya, ai hết việc mới về. Ở Marina Bay, nhìn sang bên kia, bạn sẽ thấy nhiều cao ốc sáng đèn cả đêm. Đừng ngạc nhiên nếu bạn bè hẹn mình đi cà phê hay uống bia lúc 11h tối, vì giờ đó nó mới xong việc. Lương lao động phổ thông được trả theo giờ, ví dụ 8-12SGD/h nếu bưng phở. Ở Sing, làm gì cũng phải thiệt nhanh, bưng ra xong chạy vô bưng tô khác liền, ai đi chậm sẽ bị chủ xô té ngã dập mặt vô tô phở. Lúc không có khách, nhân viên phải nhìn ngó khắp, lau chùi từng mm bàn ghế, kính, toilet, …TUYỆT ĐỐI KHÔNG ĐƯỢC NGỒI mà không làm gì hoặc ôm ĐT. Nếu mặt mũi nhăn nhó cau có thì cũng bị chủ đuổi. Cuối ngày nó kêu mình lại trả tiền rồi nói “you are very good but not suitable in here lah”. Người về hưu ở Sing cũng đi làm, đừng ngạc nhiên khi thấy toàn người già làm nghề quét dọn. Một số người già vì mưu sinh, một số khác thì làm cho vui, giúp thành phố họ thêm sạch sẽ.

Nhân viên ở các công sở nếu mò cả buổi chưa xong cái báo cáo sẽ bị sếp xô té dập mặt vào màn hình máy tính. Sếp giao việc sẽ không bao giờ có câu “làm sớm nha em”. Sớm là bao lâu, nói ngây nois ngô vậy thì nhân viên nó khinh á. Giao việc, giao luôn deadline (mốc) hoàn thành. Ví dụ “các cửa hàng bán Smartphone ở Orchard Road, 3h45 chiều thứ 6 nộp”, không nói tiếng nào nữa. Nhân viên tự triển. Tự hiểu là báo cáo sẽ có tên cửa hàng, chủ cửa hàng, giờ mở cửa đóng cửa, doanh số trung bình, đang bán loại ĐT gì, giá cả, nguồn hàng, khả năng hợp tác với hãng mình…chứ không có chuyện đứng ẹo 1 bên hỏi “thưa sếp báo cáo gồm những cái gì ạ”. Nếu mình hỏi như vậy, sẽ bị quánh giá là “thiếu i-ốt”. Sếp đang cầm ly cà phê trên tay, nghe mình hỏi mấy câu “ngu dưới mức bình thường này” sẽ tạt thẳng ly cà phê vào mặt cho chừa cái thói ít động não. Làm thế nào có được thông tin cho báo cáo đó thì tự suy nghĩ, nghĩ không ra thì qua Mỹ làm, nhé. Phải soáng tộ. Không có chuyện 1 tuần trôi qua mà không có kết quả gì. Báo cáo cuối tuần mà đứa nào ghi “xin báo cáo là tuần này, em không có gì mới, mọi thứ y chang tuần trước” thì bye em. 

Nhân viên thực tập hoặc thử việc, đầu óc phải lanh lợi, tay chân phải hoạt bát mới được giữ lại. Ngày xưa, sinh viên quốc tế được vay vốn, ở lại làm 3 năm trả nợ. Tuy nhiên, gần đây nhiều bạn vẫn cứ nợ hoài vì không ai nhận do chậm chạp lề mề, nên chương trình cũng dẹp. Hãy nhìn người quét dọn ở sân bay Changi, họ vừa đi vừa chạy, liếc nhìn chỗ nào bẩn là lao tới hút bụi hay nhặt rác lên liền, không hề tò mò nhìn người khác. Ông lái xe buýt hop-on hop-off thì đeo microphone, tay cầm vô lăng miệng thuyết minh cho khách, không cần hướng dẫn viên du lịch. Cả đất nước vừa đi vừa chạy từ mờ sáng đến khuya. Dù chỉ có 5.5 triệu dân, nhưng họ đã làm ra tài sản gần 400 tỷ đô, (mình 99 triệu dân và tài sản chỉ có 360 tỷ, số liệu World Bank 2021). Do vậy, mình qua Sing bây giờ mình chơi, thì coi như mình sống thọ tới mấy trăm tuổi. Sing bây giờ chính là Việt Nam năm 2100, vì mình đi sau, thu nhập bình quân hiện giờ đang bằng nước bạn mấy chục năm trước. Sẽ tới lúc tươi đẹp như họ. Chỉ tiếc là người mình làm việc chậm quá, tốc độ chút nữa thì hay, với lại tò mò cá nhân nhau nhiều quá, đầu óc quan tâm chuyện tào lao nhiều nên năng suất lao động thấp. Các nước nghèo như Bangladesh, Philippines, Indonesia, Campuchia, Lào....đều làm việc chậm. Người Israel, Dubai, UAE, Qatar, Hàn, Trung Quốc đại lục, Đài, Hongkong,...tuy không tốc độ bằng người Singapore nhưng cũng rất nhanh so với phần còn lại của châu Á. Ngay cả ở nước nghèo nhất thế giới, người nhanh nhẹn tư duy lẫn tác phong đều giàu có. Mỗi cá nhân cần thay đổi chính mình. 

P.S: Chi tiết xô dập mặt vô tô phở hay tạt ly cà phê là hư cấu cho dễ nhớ chứ người ta không rảnh mà xô hay tạt đâu, mình chậm là họ cám ơn rồi mời đi liền à. Họ thậm chí không bực mình hay tranh cãi, ngoài đường lẫn trên mạng, vì thấy tốn thời gian. Họ quý từng phút làm việc để kiếm tiền và khẳng định mình.

Ai thấy phù hợp thì lưu lại hoặc tag cho ai đó đọc cho năng suất lao động tốt hơn heng. Mình bắt chước người Singapore đi, thấy ai tranh chấp, tranh cãi, bàn luận....thì out khỏi group liền, lo làm lo ăn, không có thời gian. Không nên vớ vẩn.



Đêm trung thu trăng sáng vằng vặc, trời trong veo tinh khiết, gió nhẹ thổi xao xác 2 hàng cây phong ven bờ sông dưới chân núi Mã Yên. Quan thượng đại phu Bá Nha, một văn nhân nho nhã nhưng cũng kiêu hãnh bậc nhất trong thiên hạ, cho lệnh quân sĩ cắm thuyền để nghỉ ngơi. Trước khung cảnh thiên nhiên tuyệt diệu, Bá Nha sai lính đốt trầm hương và lấy đàn ra dạo vài khúc (trầm hương là loại gỗ có mùi thơm độc đáo, người giàu Á Đông như Trung Hoa Nhật Bản Ả Rập....thường mua từ Việt Nam để xông cung điện). Bá Nha vừa đàn vài khúc thì dây đàn bị đứt, biết là có kẻ nghe trộm tiếng đàn thần tiên, liền thảng thốt giật mình, cất tiếng hỏi ai là người trên bờ đang nghe lén? Trên bờ liền có tiếng đáp lại, ý tôi là tiều phu gánh củi, đang trên đường trên núi về nhà, nghe tiếng đàn hay quá thì dừng lại. Bá Nha phật lòng, cho rằng tiều phu quê mùa dốt nát, sao dám lén nghe tiếng đàn của bậc tao nhân mặc khách. Người trên bờ liền đáp, người xưa nói, trong ấp có 10 nhà thì sẽ tìm được 1 nhà tử tế, trong đám đệ tử 10 người thì ắt tìm được 1 đệ tử tuyệt đối trung tín, hễ có người có ngón đàn tuyệt diệu thì cũng sẽ có người có đôi tai tuyệt kỹ trong thiên hạ mà thẩm thấu được. Bá Nha thấy ân hận vì lỡ lời, bèn mời người tiều phu ấy xuống thuyền, đàm đạo.
Bá Nha vẫn chưa vội hỏi tên tuổi quê quán, chỉ nói chuyện âm nhạc. Ông hỏi gì thì người tiều phu kia đều đáp rành rẽ. Bá Nha đánh 1 đoạn nhạc và trong lòng nghĩ về núi, người kia liền nói, lòng đại phu đang nghĩ về những đỉnh núi cao vời vợi. Bá Nha gảy một khúc khác về sông nước, người kia liền nói, ơ kìa, mênh mông sóng nước. Bá Nha thấy làm lạ vì cuối cùng cũng tìm được 1 người tri âm, tức hiểu được thanh âm của mình. Ông đi khắp thiên hạ, chỉ có 1 người duy nhất hiểu được tiếng đàn và tiếng lòng của ông. Bèn hỏi rõ, người tiều phu liền thưa mình là Tử Kỳ, nhỏ hơn Bá Nha 10 tuổi, học hành xong nhưng sự nghiệp xin gác lại, vì cha mẹ chàng quen sống nơi sơn cước, cũng đã gần đất xa trời. Tử Kỳ đành phải ở nhà, làm nông chăm sóc cha mẹ, hy sinh ước mơ hành tẩu giang hồ vùng vẫy tứ phương. Bá Nha mời cơm Tử Kỳ, hai người đối ẩm (uống rượu) với nhau cho tới sáng, nói chuyện tâm đầu ý hợp, người này nói ra nửa lời thì người kia đã hiểu nguyên câu, Bá Nha và Tử Kỳ đàn hương quỳ lạy kết nghĩa anh em. Trời gần sáng, Tử Kỳ chia tay anh về lại nhà, còn Bá Nha chia tay em về lại kinh đô. Trước khi chia tay, Bá Nha tặng cho Tử Kỳ 2 thỏi vàng, bảo về gửi cho bá mẫu và bá phụ. Tử Kỳ không nỡ từ chối. Hai người hẹn giờ này năm sau, cũng vào dịp Trung Thu, Bá Nha lại đến và hàn huyên.
Một năm sau. Cũng vào đêm Trung Thu, thuyền quan đại phu Bá Nha lại đến bến sông xưa. Bá Nha không thấy Tử Kỳ đến, bèn ngồi đánh đàn chờ sáng mai lên núi hỏi thăm tin tức. Tiếng đàn trở nên ai oán buồn não, Bá Nha giật mình, chắc có điềm gì không lành với người em kết nghĩa. Sáng sớm, Bá Nha đi theo con đường mòn về phía núi thì gặp một lão già đang chống gậy, bèn hỏi nhà Từ Kỳ. Ai dè ông lão chính là cha của Tử Kỳ và kể rằng Tử Kỳ đã qua đời do lâm trọng bệnh, trước khi ra đi còn dặn cha là chôn cất mình dưới chân núi Mã Yên để trọn tình đạo nghĩa với quan đại phu. Nghe xong thì Bá Nha khóc to, theo cha đến mộ Tử Kỳ, Bá Nha gảy 1 khúc tiễn biệt. Bỗng mây đen kéo đến, gió thổi ầm ầm, hoà với tiếng đàn thành một khúc rất bi thương, khi đàn xong thì mây cũng vừa tan, gió cũng vừa tạnh. Bá Nha cầm cây đàn quý giá của mình đập vào phiến đá trước mộ, những phím vàng rơi lả tả. Ông lão giật mình, hỏi cớ sự thì Bá Nha đáp, đã không còn người có thể hiểu thấu tiếng đàn của con. Hết người tri âm, thì đàn quý cỡ nào cũng không còn ý nghĩa, vừa rồi là lần cuối đôi tay này so phím dây đàn. Bá Nha lạy tạ ông lão, bảo bây giờ lên kinh kỳ, làm xong việc vua giao sẽ từ quan, sẽ về đây rước ba mẹ Tử Kỳ đi chăm sóc nuôi dưỡng.
[1] Tích trên để giải thích từ "tri âm, 知音“. Trong truyện Kiều, nỗi lòng nàng Kiều khi nàng không biết trong thiên hạ, có ai thấu hiểu nàng chăng, thì Nguyễn Du viết
Vui là vui gượng kẻo là
Ai tri âm đó, mặn mà với ai!
[2] Theo cổ nhân phương Đông, 3 may mắn nhất trong đời 1 người đàn ông tài giỏi, có sự nghiệp lẫy lừng, giúp đỡ muôn người trong thiên hạ,
  • Có đạo đức trong sáng, lòng thánh thiện tuyệt đối, được người thầy tài hoa dẫn dắt.
  • Có trách nhiệm và tìm được người vợ thiện lương, tức chỉ chuyên tâm chăm lo chuyện gia đình, đứng ngoài vòng danh lợi, chuyện làm ăn, công danh của chồng.
  • Có được 1 người bạn tri âm, tri kỷ


Đầu những năm 2000, tui đang ở Hongkong miệt mài học việc. Hongkong lúc đó cũng như Việt Nam thời điểm này, sau thời gian phát triển thì có một nhóm người chuyển sang cả ngày nói chuyện đạo lý như bảo vệ môi trường, nói không với nhựa, nói không với hoá chất, sống thuần tự nhiên, chữa bệnh cũng tự ngồi thiền cho tự khỏi chứ không uống thuốc. Họ đi làm cũng đi bộ vì nói không với xăng dầu. Tui vô nhóm này sinh hoạt vào chiều cuối tuần vì thấy hay hay. Nhưng thầy tui thì la tui, ổng nói mấy người này thuộc dạng a kind of extremism, 1 dạng cực đoan, cái gì cũng có cái tốt, cái xấu, nên cân bằng. Nghe lời thầy nên tui lên hội xin nghỉ. Bữa đó, hội làm bánh để tới trung thu (tuần sau) thì đi tặng các viện dưỡng lão nghèo (bên đó có viện dưỡng lão cho người giàu, trả tiền như khách sạn bệnh viện 5 sao và viện dưỡng lão cho người nghèo, nhà nước và nhà hảo tâm tài trợ), và gửi cho trẻ em những làng nghèo bên phía đại lục. Tui không đi vì đã rút.
Đêm trung thu ở Hongkong vui nhộn lắm, nhất là khu Victoria Park. Về tắm rửa chuẩn bị ngủ thì ĐT ting ting, trưởng nhóm kêu đi họp khẩn (ở Hongkong người ta sống về đêm, có thể gặp nhau bất cứ lúc nào). Tui không đi vì không còn trong nhóm. Sáng hôm sau, lên công ty ngồi cà phê đọc báo thì thấy hình ảnh nhóm từ thiện này lên trang nhất, bánh trung thu của họ tặng gây ngộ độc hàng loạt, nhiều cụ già đi cấp cứu, một số nguy kịch. Các trẻ em ở làng bên đại lục cũng tiêu chảy, ói mửa, nhập viện. Sau điều tra mới biết là vì trong bánh do không bỏ chất bảo quản, không có chất gì có thể ức chế vi khuẩn, nấm mốc, nấm men. Đậu phộng nấu xong mà để cả tuần xong mới đem ăn, thường trong đó sẽ tự lên mốc gì độc lắm, nếu có chất bảo quản như Sorbic hay Benzoate thì mới ức chế được. Tui ngồi bần thần cả buổi, ngồi làm việc mà tay run run. Chiều đó, thầy tui chỉ nói vậy, tụi mày tưởng là thiện mà thật ra là ác, thiện không đúng chỗ, thiện sai phương pháp, ai hiểu biết nhỏ nhoi mà còn cực đoan thì hại mình hại người còn nhiều hơn. Chất bảo quản thực phẩm, người ta phát minh ra là để sử dụng, miễn trong liều lượng hợp lý thì nó sẽ phân huỷ theo hạn sử dụng trên nhãn. Tức hết hạn thì chất bảo quản giảm xuống bằng 0, bắt đầu sinh khí, sinh nấm, sinh vi khuẩn. Tụi mày đừng có tào lao nữa. Có tặng người ta thì lấy loại bánh có nhãn mác bao bì, nhà máy này nọ. Handmade thì mày tự ăn đi, đừng bán, đừng tặng. Đã ra thị trường, mua bán cho tặng người khác là phải đầy đủ chất bảo quản chuyên cho thực phẩm, tiệt trùng cẩn thận, có nhãn mác bao bì đăng ký công bố đàng hoàng.
2. Năm 2007, tui sang Hà Lan học nông nghiệp ngắn hạn, qua nhà bạn chơi thấy cây táo trước nhà đầy trái, rụng đầy gốc thì tui hái, đem vô rửa sạch để trên bàn, tui nói cái này ngon nhen, không phân không thuốc, trồng tự nhiên. Anh Maik bạn tui nói, oh, cái này không ăn được, nó không được trồng hay xử lý để ăn, có thể có vi khuẩn, có sâu, có nấm, chim trời mang mầm bệnh. Táo để ăn phải trồng ở farm, có quy trình nhật ký ghi chép việc sử dụng thuốc, dùng phân, cách ly thời gian sao cho hết phân hết thuốc, rồi rửa sục trong nước có pha hoá chất bảo quản, có chiếu xạ để chết giòi bọ, có máy phân loại để loại bỏ trái xấu. Còn ai giàu thì ăn trái cây hữu cơ, organic, phải dùng tay bọc màng từng trái từ lúc nhỏ, hoặc trong nhà kính kín mít, khi hái xong cũng phải rửa sạch sẽ, soi rọi từng trái, quy trình nghiêm ngặt, nhân công rất đông, giá đắt gấp chục lần. Còn lại, mày thấy đó, cam táo lê đầy vườn, ra nhiều trái decor cho đẹp, rụng cho đẹp, chứ không phải để ăn.
Sau sang Mỹ, Nhật, Israel, Ý..., đi trên đường phố, tui thấy những cây cam cây lựu sai quả nhưng không ai hái. Tui có nhiều bạn là những chủ farm lớn, họ nuôi gà là cho vui, khách tới không có bắt thịt, khi ăn thì vô siêu thị mua trứng mua gà đã tiệt trùng xếp trong khay. Những con vật trong tự nhiên họ cũng không ăn, họ nói trong tự nhiên như thế thì bao nhiêu vi khuẩn vi sinh mình không biết được. Qua đây tui đãi, họ hỏi from nature or from farming, nghe from farming thì mới ăn. Tui thấy cũng hợp lý.
* Cây nhà lá vườn, là để cho đẹp, chứ người các nước phát triển họ không ăn. Mình cũng đến lúc nghĩ lại chuyện này. Ăn uống nên lấy nông sản từ farm uy tín, phân phối trong các siêu thị hay cửa hàng lớn, có chuẩn VietGap GlobalGap, nguồn gốc truy xuất được. Nông nghiệp manh mún, nhỏ xíu, hộ gia đình sẽ từ từ không phù hợp nữa, cây lá vườn nhà đâu có tốt như mình nghĩ. Trồng trọt cạnh nhà thì không nên xịt thuốc sâu, vì nó không tốt cho người ở gần đó. Chỉ có các farm lớn, xa nơi dân cư thì mới áp dụng. Ai chuyên thì cho chuyên và làm lớn luôn. Mổ thịt tự phát thì máu động vật sẽ ra nguồn nước rất nguy hiểm, nên để cái này cho các lò mổ chuyên nghiệp họ làm, có kiểm soát kỹ chất thải, rửa clorin xong đóng hộp bảo quản lạnh an toàn. Nuôi con này con kia để giết ăn vào đám giỗ hay lễ Tết, cũng đã đến lúc phải nghĩ lại. Tiêu thụ nông sản thương mại sẽ giúp các farm mở rộng quy mô lên hướng hiện đại và chuyên nghiệp. Nhiều người sẽ rút lui khỏi nông nghiệp để dồn đất, dồn sức cho người khác làm nông nghiệp lớn như các nước.
Bớt ăn những thứ trong tự nhiên như thú rừng, cá sông, cá biển, tôm biển,.... muốn ăn con gì thì ấp nhân tạo rồi nuôi để làm thực phẩm. Sẽ an toàn hơn cho mình.
Với lại, sống phải cân bằng các quan điểm, đừng có thái cực, cực đoan. Như ở VN lúc này, cái cũ cái mới đan xen. Nhưng xã hội mình sẽ giàu có, phồn vinh, văn minh, VN sẽ thành 1 nước công nghiệp phát triển OECD, lúc đó, chúng ta sẽ dễ dàng tiếp nhận quan niệm mới.


Kỳ thi cao khảo (高考) là kỳ thi khốc liệt nhất thế giới, vì nó thay đổi vận mệnh cho bao nhiêu người trẻ. Ngoài 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ Văn (tiếng Trung) và ngoại ngữ, thì học sinh được tự chọn khối xã hội (文科) hoặc tự nhiên (理科). Năm lớp 10 thì học giống nhau hết, nhưng lớp 11 thì bắt đầu phân ban ra, ai theo khối nào thì sẽ tách lớp học chương trình phù hợp. Giáo viên sẽ ghi trên bảng, từ ngày học hôm đó còn cách kỳ thi cao khảo bao nhiêu ngày. Số ngày càng ngắn thì áp lực học càng tăng lên. 

Trong điều kiện giáo dục đại trà cho 1 số lượng học sinh rất lớn (mỗi năm có hơn 10 triệu học sinh thi tú tài), cho nên Trung Quốc thường tích hợp môn tiếng Trung vào môn Ngữ Văn, nhằm 2 mục đích là (1) sử dụng ngôn ngữ thành thạo phục vụ công việc sau này, và (2) nuôi dưỡng tâm hồn cho học sinh. Học văn có 2 hướng, một là sử dụng ngôn ngữ tốt phục vụ công việc (bác sĩ cũng phải nói rõ ràng, nhà khoa học cũng phải viết 1 đề cương nghiên cứu logic, nghề gì cũng cần nói đúng, viết đúng), và cái thứ 2 là người có năng khiếu văn chương, thì sẽ nói hay viết hay. Họ có 5 học phần văn bắt buộc trong 3 năm cấp 3, và 1 học phần tự chọn. Có thể tóm tắt các chương trình trong 5 học phần bắt buộc môn Ngữ Văn (tiếng Trung) của họ như sau: 

- Văn chương hiện đại

- Văn chương cổ đại

- Thơ hiện đại

- Thơ cổ đại. 

- Cách viết tin tức và phóng sự

- Viết bài phát biểu trước đám đông

- Cách viết tin tức và phóng sự

- Đọc và phân tích tiểu thuyết 

- Thơ Đường

- Cách viết công trình khoa học, ngôn ngữ khoa học tự nhiên. 

- Cách viết tiểu luận, bài báo trong khoa học xã hội

- Phân tích phim truyền hình Trung Quốc kinh điển

- Phân tích phim điện ảnh nước ngoài kinh điển. 

Phần tự chọn (1 học phần dành cho người muốn đi sâu vào văn chương hoặc khoa học xã hội sau này):

- Cách viết thơ, bình thơ, cảm thơ.

- Cách viết truyện, bình truyện, cảm truyện. 

Khi thi cao khảo ngoài đề thi toàn quốc, thì còn có đề địa phương (một số nơi ra đề riêng như Bắc Kinh, Thiên Tân,....), thường thì khó hơn nên học sinh yếu ở đó có thể đến tỉnh khác thi đề toàn quốc cho dễ. Môn văn ra đề họ không có yêu cầu phân tích tác phẩm cụ thể nào, không có đoán đề hay trúng tủ gì cả. Các tác phẩm học ở trường chỉ là ví dụ minh hoạ cách cảm thụ văn học hoặc cách sử dụng ngôn ngữ. Còn vào kỳ thi, sẽ hoàn toàn là đề mở, tự do nêu ý kiến. Trường Y khoa hay trường kỹ thuật, cũng đều dựa trên học sinh giỏi Toán, Văn, Ngoại Ngữ và điểm ban tự nhiên mà tuyển sinh, trường xịn sau đó còn có vòng gọi điện phỏng vấn để xem tâm lý của cá nhân rồi mới nhận. Họ thường yêu cầu điểm tối thiểu với từng môn, không nhận học sinh học lệch. Người học lệch sẽ méo mó trong tư duy, sau này làm việc không tốt. 

Ví dụ về 1 đề thi Ngữ Văn (tiếng Trung) năm nay (họ đưa ra 3-4 chọn lựa).

" Tạp chí Văn học dự định mở chuyên mục mới “Hoa nở trên giấy”. Anh/chị hãy chọn một phân cảnh có liên quan đến hoa lá cỏ trong một tác phẩm Văn học kinh điển nào đó, rồi viết một đoạn văn ngắn dựa trên cảm nhận của bản thân. Yêu cầu: Nêu được tên tác phẩm, phù hợp với nội dung tác phẩm; hợp lý, rõ ràng, ngôn ngữ ngắn gọn, dễ hiểu”. 

Hoặc

"Thổi tắt đèn của người khác không làm bạn sáng hơn, cản đường người khác không làm bạn tiến xa hơn. Một bông hoa nở không phải là mùa xuân, trăm bông hoa cùng nở mới là vườn xuân. Nếu trên đời này, chỉ có một loài hoa nở, dù đẹp đến đâu cũng là đơn điệu". Hãy viết một bài Văn dựa trên ngữ liệu trên. Yêu cầu: Thí sinh lựa chọn góc độ phù hợp, chọn dàn ý, thể văn rõ ràng, tự đặt tiêu đề; không được sao chép, không để lộ thông cá nhân, bài viết không dưới 800 từ.

Hoặc 

Viết 1 bài thơ hoặc văn diễn cảm chủ đề "Tim đập nhanh như vậy". 


Có lần mình đi Ireland, sang nhà bạn chơi, ăn tối xong thì tráng miệng với táo. Mình hỏi táo ở đây ngon không thì một chị nói, trừ "apple of discord" ra thì táo nào ở đây cũng ngon. Rồi cả đám phá lên cười, mình cười theo nhưng hơi gượng vì chưa hiểu Apple of Discord nghĩa là gì. Một chú lớn tuổi ở đó thấy vậy thì nói cái này là trong thần thoại Hy Lạp. Mình chợt nhớ đến câu chuyện "quả táo bất hoà" vì đã đọc thần thoại Hy Lạp từ hồi cấp 1, say mê đến nỗi bị cô thủ thư nhốt mấy lần (cô ấy ra ngoài đi chợ nên cô khoá cửa ngoài luôn), chỉ là chưa biết từ này trong tiếng Anh. Thôi thì kể lại cho người chưa biết nha, vì cái này ra quốc tế, hầu như ai cũng biết.
 
Hôm đó, thiên đình Olympus nhộn nhịp vì là đám cưới của anh hùng Peleus và nữ thần Thetis. Mọi vị thần đều được mời tham dự, trừ Eris (nữ thần bất hoà). Không mời nhưng Eris vẫn đến, trước khi bỏ đi thì thả 1 quả táo vàng có ghi dòng chữ "tặng người đẹp nhất" rồi cho lăn trên bàn. Mọi người tranh nhau mình là người đẹp nhất. Cuối cùng chỉ còn có 3 nữ thần vô vòng chung kết, đó là Hera, nữ thần hôn nhân, cũng là vợ của Zeus (sách dịch gọi là thần Dớt, cai quản thế giới thần thánh và loài người); thứ 2 là Athena, nữ thần kiến thức trí tuệ và thứ 3 là Vệ Nữ Aphrodite, nữ thần của tình yêu và sắc đẹp. Thường trong xã hội, tranh chấp sẽ xảy ra giữa quyền lực, tiền bạc, kiến thức và tình cảm. Hera thì quyền lực và giàu có nhất, Athena thì khôn ngoan cái gì cũng biết, còn Aphrodite thì dùng tình cảm, sắc đẹp và nhục dục khuynh đảo tất cả. Cuối cùng các thần không biết ai là người xứng đáng nhất với quả táo vàng, nên nhờ Zeus phân xử. Thần Zeus cũng khôn, nếu nói vợ mình thì người ta bảo là thiên vị, nhưng nếu nói 2 cô kia thì coi như bầm mắt với Hera. Zeus liền chuyền bóng, bảo thần Hermes đi tìm anh chàng Paris để phân xử. Paris là chàng trai đẹp nhất của châu Á khi đó. Zeus bảo, chỉ có người đẹp mới có quyền kết luận ai đẹp nhất.
Ba nữ thần tìm đến Paris. Nữ thần Hera hứa sẽ cho Paris cai quản cả lục địa Á Châu giàu có và rộng lớn, quyền lực và tiền bạc vô kể. Nữ thần Athena thì nói chấm nàng đi, nàng sẽ cho Paris mọi kiến thức, sự khôn ngoan và tính toán, chàng sẽ chiến thắng ở mọi mặt trận. Nữ thần Vệ Nữ thì không biết nói sao vì trong tay chỉ có trai xinh gái đẹp thôi, nên nàng nói, nếu Paris cho ta là đẹp nhất, ta sẽ giới thiệu mối quen với Helen, cô gái đẹp nhất châu Âu cho làm vợ chàng. Paris chọn thần Vệ Nữ, vì lúc đó chàng thấy Vệ Nữ là đẹp nhất, 2 cô kia cũng đẹp nhưng có dấu hiệu của phẫu thuật thẩm mỹ (do có tiền như Hera hay khôn như Aphrodite). Với lại, Paris từ lâu cũng nghe danh Helen và muốn lấy nàng làm vợ.
Phân xử xong, Vệ Nữ giới thiệu cho Paris cách tiếp cận Helen, và quyến rũ Helen bỏ chồng (Menelaus), theo về thành Troy (sách dịch là thành Tơ Roa). Khi Menelaus biết tin, liền dẫn quân từ Hy Lạp sang đánh Troy để giành lại nàng Helen. Chiến tranh giữa Hy Lạp và Troy diễn ra rất lâu, hàng vạn người bị giết hại. Tất cả đều từ quả táo bất hoà của Eris ném ra giữa bàn ngày xưa. Nhưng sau đó, chính tham-sân-si của người thấy nó, mới là nguồn gốc của tai hoạ. Và chúng ta cũng hiểu, trong 1 tập thể, sẽ có 1 ai đó cố tình phá hoại, ném 1 trái táo bất hoà ra, nếu không tỉnh táo mà tranh giành, cuối cùng hậu quả sẽ rất khủng khiếp. Đây cũng là chiêu dùng của nhiều người để phá một sự đoàn kết nào đó, đã là chiêu thì chúng ta nên biết, sẽ hoá giải dễ dàng.
* Những câu chuyện điển tích nổi tiếng sẽ được đăng trên page này cho mọi người nắm, để giao lưu quốc tế dễ dàng hơn. Ví dụ đi ngồi giữa khách sạn 5 sao, giai điệu bản Hành Khúc Thổ Nhĩ Kỳ (Turkish March) vang lên thì mình cũng biết, người ta nói thì mình cũng góp chuyện được. Trà phương Đông hay cà phê phương Tây mình đều rành, rượu ngũ cốc phương Đông hay rượu vang phương Tây mình cũng uống được, để thành công dân toàn cầu. Ngoài ngôn ngữ thì phải có văn hoá sâu nữa, giàu và sang, mặt toát lên nét trí thức, cư xử nhẹ nhàng thì tự động đẹp.


Xưa, có anh trồng nhiều mướp đắng (trái khổ qua) khi ra chợ bán thì ế, trong khi hàng dưa chuột (dưa leo) bên cạnh đông nghẹt. Thấy vậy, trời nha nhem tối thì anh rao dưa chuột đây, hạ giá đây. Người mua về bị lừa, hôm sau lên đối chất thì anh chối nhem nhẻm, thề thốt không có nói như thế. Vì nói dối nên anh mất uy tín, người ta đồn nhau, không ai làm ăn với anh.
Một hôm, trời sắp tối mà sạp anh vẫn đầy mướp đắng, anh rầu rĩ rao lên "dưa chuột đây, hạ giá đây" thì có một bà đi ngang qua, rao "cám gạo đây". Cám gạo giá trị cao, vì vừa có thể nấu rượu, vừa làm thức ăn gia cầm gia súc. Anh nói bây giờ tối rồi, mình đổi hàng cho nhau nhé, bà lấy hết "dưa chuột" của tôi, tôi lấy hết cám gạo của bà. Bà ta đồng ý. Anh ta mừng rỡ vì lừa tiếp được 1 người nữa, quả này lớn, sướng. Đêm về, anh lấy cám ra định nấu rượu thì thấy thực chất là mạt cưa (bột gỗ trong quá trình cưa, không có giá trị mấy, nhìn thoáng qua thì rất giống cám).

Hễ tin người thì sẽ có người tin lại. Hễ tốt với người thì sẽ có người tốt lại. Hễ cho đi thì có người cho lại mình. Cứ lừa người thì chắc chắn có ngày sẽ bị lừa lại. Đó là luật nhân quả. Gieo hạt bưởi thì hái trái bưởi, gieo hạt chanh thì hái trái chanh. Quy luật này bao trùm lên mọi sự vật hiện tượng, giải thích mọi khía cạnh của cuộc sống. Một đời giàu sang phú quý hay bần cùng khổ sở, được tin yêu hay bị khinh bỉ, được quý nhân giúp đỡ hay ta chẳng còn ai… tất cả đều tuỳ thuộc vào "hạt" mà mình đã gieo.
Có điều, nhân - quả không phải lúc nào cũng diễn ra liền liền trước mắt, mà có khi vài tháng, vài năm, thậm chí trời đất lu bu mà quên xử lý, tới đời sau mới nhớ, mới đòi lại. Do không hiểu điều này (người ta chỉ thấy kẻ lọc lừa gian xảo ác vẫn giàu có; còn người lương thiện sao hay bị nghèo khổ), nên nhiều người thiển cận sẽ không tin nhân - quả. Nhưng nếu bạn là người biết là mình chỉ là 1 sinh vật bé nhỏ, sống dưới vòm trời lồng lộng này, cái gì người không biết thì trời đất biết, ngoài trời còn có trời. Cái dối trá mà có được thì chỉ là tạm thời, cái gì từ mồ hôi công sức của mình thì mới giữ được.
Trong Truyện Kiều, nói về quan hệ giữa Mã Giám Sinh và Tú Bà thì Nguyễn Du viết: "Tình cờ chẳng hẹn mà nên. Mạt cưa - mướp đắng đôi bên một phường" là từ chuyện này.
*Nhiều bạn hỏi tui sao không viết về chuyện bị lừa trong làm ăn. Ôi ti tỉ tì ti lần bị lừa, đăng sẽ nghẽn mạng. Xã hội mình từ đói nghèo đi lên, lòng tham chưa kiểm soát tốt, nhiều cám gạo dưa chuột nhưng cũng có đầy mạt cưa mướp đắng. Tui xác định đã ra đời làm ăn là chấp nhận hết, hễ thấy bị lừa thì bye, không đòi bồi thường cũng không kỳ co nói qua nói lại, coi như xoá nháp. Bực bội, giận dữ cũng có, đó là cảm xúc của con người. Nhưng nhanh chóng cho nó chìm xuồng, mượn "chén canh Mạnh Bà" tinh thần để uống phát quên luôn. Cái mất thì cũng đã mất rồi, nghĩ thêm chỉ là cảm giác không tốt, nghĩ về quá khứ xấu thì sẽ thành người tiêu cực, và quan trọng là tốn thời gian.
Có mấy người hỏi, vậy chuyện người lừa tui có trả giá không, bảo tui kể hậu quả đi thì mới tin nhân-quả. Thiệt sự là tui không biết. Một khi xác định quên là quên, không theo dõi nữa, vương vấn thì coi như mình vẫn còn nghĩ tới chuyện cũ. Hoặc tức quá nên muốn chống mắt lên coi "quả báo ra sao", vậy là không sang. Hả hê khi thấy người phạm tội kia trả giá, thấy sướng khi mướp đắng gặp mạt cưa, thì cũng không thể cao quý. Những con người đó, mình có bao giờ giao du với họ nữa đâu. Trong làm ăn, hễ gặp phường mạt cưa mướp đắng thì mình phải chấp nhận, không tốn thời gian vớt vát vài ba đồng, nhanh chóng đóng game over, mở game khác ra chơi. Lo những dưa chuột cám gạo của mình, ai bán mạt cưa mướp đắng kệ họ, đất trời sẽ tự động cân bằng.
Cuộc sống rất tươi đẹp. Người tốt, người tử tế, người có đức tin vẫn rất nhiều. Cá nhân mình thì cố gắng trở thành người sang, người cao quý, đẹp người đẹp nết, ai cũng mến cũng yêu, tự khắc làm ăn thuận lợi.

1. Trong buôn bán thương mại, lịch sử cổ kim đông tây không ai qua Lã Bất Vi, ông là đỉnh của đỉnh. Thời nhỏ, Lã Bất Vi đọc sách rất nhiều, tích luỹ ngôn từ tốt, biết được nhiều trí khôn thiên hạ nên lớn lên vô cùng khôn khéo, ăn nói trác việt. Khác với nhóm chữ nghĩa đa phần không thực tế nên thường nghèo và uất ức với nhóm người giàu trong xã hội, ông lại là người có khả năng thích nghi siêu hạn, có trí óc lại thực tế nên siêu giàu. Một bát cơm trắng to hay 1 cái bánh bao là đủ cho ông trong 1 ngày, ông cho rằng không tốn thời gian ăn trưa để làm nhiều việc hơn. Ngủ, chỉ cần 1 manh vải dưới 1 mái hiên.
Ông đi khắp các vùng và tìm ra sự khác biệt để buôn khi chưa có vốn. Đi và quan sát, nhạy bén phân tích và hành động liền, người có đầu óc - có tư chất nhà buôn có nghĩa như vậy. Ông đến làng muối ven biển đang không có đầu ra, muối chất đống giữa ruộng, cứ vào mùa mưa sẽ trôi hết ra biển, ông bàn với bà con hay là để cho ông mang đi, trả tiền sau. Bà con đồng ý, ông lấy hết muối của họ, đóng bao ghi tên ông và địa chỉ nhà vào, thuê ngựa thồ mang lên miền núi. Người miền núi sau khi mua muối xong, thấy ngựa đẹp nên hỏi, ông bán luôn cả ngựa. Trên núi gỗ tốt, ông thuê người đóng thuyền, đóng quan tài và trong những cỗ quan tài đó, ông bỏ vào dược liệu, trà,....xuôi theo dòng sông, ghé các điểm dân cư dọc bờ sông để bán. Ông trở lại các làng biển, khi xưa ông hứa mua 1 đồng nhưng khi về ông trả 10 đồng, ai cho ông mượn 1 con ngựa thì về ông trả lại 5 con, bà con rất vui vẻ. Ông gầy dựng uy tín tuyệt đối như vậy nên người ta đồn nhau, có gì ế cũng mang đến nhờ ông ra hàng giùm. Ông chở lụa vải ở thành phố đi ngược lên phía nội địa, thu gom sắt chở đến những nước chuẩn bị đánh nhau để họ làm binh khí. Ông nói, kinh doanh thương mại không nên buôn tận gốc, bán tận ngọn vì rất tốn thời gian. Nếu là nhà buôn, hãy thu gom từ các thương lái nhỏ, cho họ tiền lãi hậu hĩnh để họ có động lực làm việc, đi vào mọi ngóc ngách mà tìm nguồn. Câu châm ngôn của ông "hãy trả hoa hồng cho người trung gian thật nhiều!". Ai chỉ cho ông 1 thông tin nhỏ về nơi có nguồn hàng tốt, ông liền lấy vàng bạc châu báu quý giá nhất tặng cho họ ngay, ông gập đầu cung kính biết ơn. Người trỏ đàng đi buôn cho mình, người giúp mình 1 lần đi ra thế giới bên ngoài mở rộng tầm mắt thì vàng bạc bao nhiêu cũng không đủ để báo ơn họ!
Nguyên tắc của ông là đi thật nhiều, ăn bờ ngủ bụi, thấy vùng đó thiếu cái gì thì tìm vùng thừa mà mang sang, ai cần gì thì cung cấp nấy cho họ. Trong xã hội, ai hễ nói "tiền với tôi không quan trọng, mà quan trọng là x y z", thực tế là họ quan tâm tiền, cách nói kia chỉ là sĩ diện thôi, hãy rút tiền rẹt rẹt. Hễ ai đòi đền bù, ông không giải thích nửa lời, đem tiền ra đền bù ngay, người ta cần tiền mới tốn thời gian đến thế, cứ đưa đi tự khắc sẽ xong việc, dành thời gian buôn bán cái khác. Cứ thế mà ông giàu, vô tiền khoáng hậu (nghĩa: trước thì chưa có, sau thì khó xảy ra). Tiếc là lòng tham của ông không có điểm dừng, các giai đoạn sau ông buôn những thứ kinh thiên động địa nên kết cục không tốt, các bạn có thể ra nhà sách tìm mua về đọc thêm. Nhưng cách buôn bán trong giai đoạn đầu của ông, mọi người có thể học tập, khá hay, người ta có thể giàu được từ tay trắng thông qua tư duy buôn bán như vậy. Đọc lại đoạn 2 từ "Ông đi khắp....báo ơn họ".
2. Năm 1990, 4 chàng trai 7x người Hàn Quốc học chung lớp ở trường trung học tỉnh Gyeonggi ngồi cà phê với nhau rồi nảy ra ý định đi Philippines tìm kiếm cơ hội làm ăn. Philippines là hàng xóm của Hàn Quốc nhưng lại là xứ nhiệt đới, có thể cung cấp nhiều thứ Hàn Quốc cần. Từ Seoul bay sang Manila, 4 cậu lại thuê xe đi phía bắc Mindanao, nơi trồng cà phê và ca cao với diện tích lớn, người dân ở đây chỉ biết bán thô chứ không biết chế biến. Lúc đó Mindanao vẫn còn bất ổn, có phiến quân nổi loạn, nguy hiểm nhưng bốn cậu không nề nao núng. Sau chuyến đi, bốn cậu chia nhau ra làm, khai thác yếu tố khác biệt khí hậu giữa Philippines với Hàn Quốc. Một cậu lấy hạt ca cao về làm sô cô la, một cậu nhập cà phê thô về chế biến thành cà phê đặc sản, một cậu quay lại Mindanao làm một nhà máy chế biến trái cây, một cậu mở trường dạy tiếng Anh ở Phi cho người Hàn Quốc. Hiện tại, 4 cậu thanh niên ngày ấy giờ đã trở thành những người đàn ông trung niên, đều có cơ nghiệp rực rỡ. Những hạt cà phê, hạt ca cao rẻ òm ở Mindanao đã trở thành những gói cà phê sang trọng, những thanh sô-cô-la đắt tiền trên kệ sân bay Incheon. Đó là nhà buôn của thời hiện tại.
4 cậu này là ai, cụ thể triển khai thế nào, xem hồi sau sẽ rõ! Chuyện lịch sử về các thương nhân Trung Hoa, thương nhân Hà Lan (chỉ có trong sách cũ và bằng tiếng Anh tiếng Trung chứ không có trên thị trường) cũng sẽ được đăng lần lượt lên page. Mời mọi người đón đọc và lưu lại. Trước khi tui bị Alzheimer và quên hết.
Không đi không biết làm giàu
Không đi không biết ở đâu có tiền!

Theo FB Tony Buổi sáng

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget