Hôm bữa 1 team khóc với tui, nói bị 1 bà chị xinh đẹp lừa trăm triệu. Bà chị này ngon ngọt, nói chị hâm mộ các em, lấy cái gác nhà chị làm kho chứa hàng chứ không cần thuê kho ở thành phố, hàng hoá chị sẽ phụ bán, được cái nào sẽ chuyển vô cho các em ngay. Cả team thấy ngon, ngày chị gọi điện tâm sự cả mấy cuộc, nên tin tưởng rất mực. Xong 1 năm tổng kết, kiểm tra thì thấy tiền còn nợ 100 triệu, hỏi thì chị nói chị bán hết rồi nhưng không biết đã tiêu xài vào việc gì, các em cứ thư thư cho chị, khi nào có chị trả. Rồi 3 năm trôi qua, nhắn tin vẫn cứ thư thư.
Nhiều bạn ra làm ăn nhưng một thời gian thì cụt vốn (quản lý kém thì cái quần cũng cụt chứ không mỗi vốn). Cái này qua thực tế làm ăn cỡ chục năm thì sẽ tự rút ra, hoặc con nhà buôn bán người Hoa chẳng hạn, từ nhỏ theo cha mẹ làm ăn, cha mẹ sẽ chỉ. Trường quản trị kinh doanh, thầy cô có kinh doanh bao giờ đâu, có ôm hàng có áp lực bao giờ đâu mà biết mà chỉ.
Một ví dụ nhỏ là ký gửi hàng, cứ tưởng siêu thị hay cửa hàng ngon mà ký gửi vào, nhưng gặp người có máu tham thì mình sẽ bị chiếm dụng vốn. Họ bán xong rồi nhưng nói dối là chưa, để neo tiền lại. Thể loại văn học này trong xã hội nhiều lắm, không biết được, phải qua thực tế kiểm nghiệm chứ không phải thấy họ đăng bài nói chuyện đạo lý đạo đức mà tưởng họ cũng làm được như họ nói, thật ra đạo lý ấy chỉ là ước mơ của họ thôi. Đụng tới tiền là não họ bật qua chế độ "tham lam mode" và lúc đó, họ chỉ còn nghĩ có mỗi bản thân gia đình họ, còn của người khác thì mặc kệ. Họ được ông bà cha mẹ họ dạy như thế từ nhỏ, cho rằng như vậy là khôn, con nên cư xử vậy với người đời. Đứa tham là do cha mẹ tham mà di truyền lại, chứ gia đình đàng hoàng tử tế, người ta uốn nắn từ bé, không để vậy đâu nhen. Mỗi cha mẹ là 1 tấm gương cho con cháu noi theo (gặp 1 người đàng hoàng tử tế hay tham lam bất nghĩa là biết ngay cha mẹ họ thuộc thể loại văn học gì liền). Bạn nào có con nên sống chính trực tử tế ngay thẳng, đừng di truyền cái này cho tụi nhỏ tội nghiệp, về sau bị xã hội khinh bỉ, ngóc đầu lên không được.
Có cửa hàng không dám bán hết, chừa lại 1 ít bày ra đó, mình đi ngang ghé kiểm thì họ nói chưa bán được, hàng còn đầy kia, cần thì lấy về đi. Họ thao túng tâm lý để mình ngại, không dám ép để đòi nợ. Nếu mình thẳng thừng lấy về thì tình cảm 2 bên cũng tan vỡ. Mấy bà chủ cửa hàng, khi thấy mình tới ôm hàng về là liếc hứ ken két.
Việc ký gửi hàng cũng không tạo áp lực cho đại lý, vì chỉ khi họ ra tiền để nhập rồi thì mới tìm cách đẩy ra để thu tiền về. Còn ký gửi, ra được thì tốt, không thì chẳng sao. Nhưng trong thị trường áp lực lớn, nhiều đối thủ cạnh tranh, họ ký gửi còn mình kêu khách trả trước, ĐL nó hem chịu. Vậy phải làm sao? Cái này tui biết, để chỉ cho.
À thêm vụ tập trung bán cho đại lý chuyên kinh doanh on-line, nhóm này đại đa số là những người khá giả, hoặc đang có việc này làm thêm việc bán hàng cho vui, chứ không có dấn thân hết sức. Thấy mày khởi nghiệp ở nông thôn, tao thích quá nên tao bán giúp, sáng nay ngủ dậy, tao tự dưng thấy hết thích mày rồi. Nghỉ nhen. Tao là nữ hoàng cà giựt cà thọt mày không biết à?
Có chị kéo băng keo rột rẹt cả đêm chồng ngủ không được, chồng chửi rồi chị nghỉ ngang, hàng đang làm để nhà chị ăn, để nhà chị để uống, không bán buôn gì nữa nha mấy em. Rồi chưa kể nhóm này làm tùm lum thứ, cái gì có lãi là làm. Khác với người bán ở dưới phố, họ mở cửa hàng rồi không có nghỉ ngang hông được. Thêm vụ mood (tâm trạng) cứ như là cái quần dây thun lỏng, cứ tụt lên tuột xuống hoài, mình phải truyền cảm hứng cho họ miết. Họ không áp lực cơm áo gạo tiền và không xem đó là việc chính, trong khi doanh nghiệp mình, ngưng bán hàng là chết ngắc.
1. Cách giải quyết ra sao, vui lòng xem hồi sau sẽ rõ. Kinh doanh thương trường là môn tổng hợp của giải toán, logic, khoa học hành vi, tâm lý học. Kinh doanh giống như quánh cờ, nhức đầu nhưng rất thú vị. Thua ván này bày ván khác chơi tiếp.
2. Chỉ phát cho fan cứng ngắc. Cứng ngắc hoặc chết ngắc, chọn cái nào. Lai còm se gộng gãi, giờ tui đi hạc, chiều về tui coi, ai còm lai se sẽ đưa vô fan cứng.
Theo FB Ăn trưa cùng Tony
Đăng nhận xét