Kỳ thi cao khảo (高考) là kỳ thi khốc liệt nhất thế giới, vì nó thay đổi vận mệnh cho bao nhiêu người trẻ. Ngoài 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ Văn (tiếng Trung) và ngoại ngữ, thì học sinh được tự chọn khối xã hội (文科) hoặc tự nhiên (理科). Năm lớp 10 thì học giống nhau hết, nhưng lớp 11 thì bắt đầu phân ban ra, ai theo khối nào thì sẽ tách lớp học chương trình phù hợp. Giáo viên sẽ ghi trên bảng, từ ngày học hôm đó còn cách kỳ thi cao khảo bao nhiêu ngày. Số ngày càng ngắn thì áp lực học càng tăng lên.
Trong điều kiện giáo dục đại trà cho 1 số lượng học sinh rất lớn (mỗi năm có hơn 10 triệu học sinh thi tú tài), cho nên Trung Quốc thường tích hợp môn tiếng Trung vào môn Ngữ Văn, nhằm 2 mục đích là (1) sử dụng ngôn ngữ thành thạo phục vụ công việc sau này, và (2) nuôi dưỡng tâm hồn cho học sinh. Học văn có 2 hướng, một là sử dụng ngôn ngữ tốt phục vụ công việc (bác sĩ cũng phải nói rõ ràng, nhà khoa học cũng phải viết 1 đề cương nghiên cứu logic, nghề gì cũng cần nói đúng, viết đúng), và cái thứ 2 là người có năng khiếu văn chương, thì sẽ nói hay viết hay. Họ có 5 học phần văn bắt buộc trong 3 năm cấp 3, và 1 học phần tự chọn. Có thể tóm tắt các chương trình trong 5 học phần bắt buộc môn Ngữ Văn (tiếng Trung) của họ như sau:
- Văn chương hiện đại
- Văn chương cổ đại
- Thơ hiện đại
- Thơ cổ đại.
- Cách viết tin tức và phóng sự
- Viết bài phát biểu trước đám đông
- Cách viết tin tức và phóng sự
- Đọc và phân tích tiểu thuyết
- Thơ Đường
- Cách viết công trình khoa học, ngôn ngữ khoa học tự nhiên.
- Cách viết tiểu luận, bài báo trong khoa học xã hội
- Phân tích phim truyền hình Trung Quốc kinh điển
- Phân tích phim điện ảnh nước ngoài kinh điển.
Phần tự chọn (1 học phần dành cho người muốn đi sâu vào văn chương hoặc khoa học xã hội sau này):
- Cách viết thơ, bình thơ, cảm thơ.
- Cách viết truyện, bình truyện, cảm truyện.
Khi thi cao khảo ngoài đề thi toàn quốc, thì còn có đề địa phương (một số nơi ra đề riêng như Bắc Kinh, Thiên Tân,....), thường thì khó hơn nên học sinh yếu ở đó có thể đến tỉnh khác thi đề toàn quốc cho dễ. Môn văn ra đề họ không có yêu cầu phân tích tác phẩm cụ thể nào, không có đoán đề hay trúng tủ gì cả. Các tác phẩm học ở trường chỉ là ví dụ minh hoạ cách cảm thụ văn học hoặc cách sử dụng ngôn ngữ. Còn vào kỳ thi, sẽ hoàn toàn là đề mở, tự do nêu ý kiến. Trường Y khoa hay trường kỹ thuật, cũng đều dựa trên học sinh giỏi Toán, Văn, Ngoại Ngữ và điểm ban tự nhiên mà tuyển sinh, trường xịn sau đó còn có vòng gọi điện phỏng vấn để xem tâm lý của cá nhân rồi mới nhận. Họ thường yêu cầu điểm tối thiểu với từng môn, không nhận học sinh học lệch. Người học lệch sẽ méo mó trong tư duy, sau này làm việc không tốt.
Ví dụ về 1 đề thi Ngữ Văn (tiếng Trung) năm nay (họ đưa ra 3-4 chọn lựa).
" Tạp chí Văn học dự định mở chuyên mục mới “Hoa nở trên giấy”. Anh/chị hãy chọn một phân cảnh có liên quan đến hoa lá cỏ trong một tác phẩm Văn học kinh điển nào đó, rồi viết một đoạn văn ngắn dựa trên cảm nhận của bản thân. Yêu cầu: Nêu được tên tác phẩm, phù hợp với nội dung tác phẩm; hợp lý, rõ ràng, ngôn ngữ ngắn gọn, dễ hiểu”.
Hoặc
"Thổi tắt đèn của người khác không làm bạn sáng hơn, cản đường người khác không làm bạn tiến xa hơn. Một bông hoa nở không phải là mùa xuân, trăm bông hoa cùng nở mới là vườn xuân. Nếu trên đời này, chỉ có một loài hoa nở, dù đẹp đến đâu cũng là đơn điệu". Hãy viết một bài Văn dựa trên ngữ liệu trên. Yêu cầu: Thí sinh lựa chọn góc độ phù hợp, chọn dàn ý, thể văn rõ ràng, tự đặt tiêu đề; không được sao chép, không để lộ thông cá nhân, bài viết không dưới 800 từ.
Hoặc
Viết 1 bài thơ hoặc văn diễn cảm chủ đề "Tim đập nhanh như vậy".
Đăng nhận xét