Các nguyên nhân như chi phí nhân tài cao, không thể mở tài khoản ngân hàng ở Hong Kong hoặc không xin được giấy phép kinh doanh…đã khiến các doanh nghiệp trong ngành tiền ảo đang rời khỏi Hong Kong.
Theo báo Liên hợp buổi sáng, sau khi công bố chính sách chấp nhận tài sản ảo vào năm 2022, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) bắt đầu tập trung tổ chức các hoạt động liên quan trong năm nay, các quan chức chính quyền Hong Kong cũng lần lượt đặt nền tảng cho ngành công nghiệp tiền điện tử. Điều này đặt ra câu hỏi: Liệu Trung Quốc có đang ngầm ủng hộ Hong Kong trở thành trung tâm tiền điện tử hay không?
Chương trình vòng tròn tiền tệ (“Vòng tròn tiền tệ” là chỉ vòng tròn hoặc hệ sinh thái tiền kỹ thuật số như bitcoin, ethereum…), bao gồm các nhà giao dịch, nhà đầu tư, thợ đào, nhà phát triển, người ủng hộ cộng đồng tiền kỹ thuật số đã được hình thành. Vòng tròn tiền tệ cũng có thể được sử dụng để mô tả bức tranh tổng thể và hệ sinh thái của ngành tiền kỹ thuật số, liên quan đến các phương diện như giá thị trường của tiền kỹ thuật số, phát triển công nghệ, chính sách và quy định pháp luật. Tuy nhiên, điều bất ngờ là sau hai tháng quảng bá rầm rộ, đã có những người hành nghề từ bỏ cuộc chơi.
Theo báo cáo của Tencent, nhiều nhà sáng lập các sản phẩm ứng dụng thế hệ thứ ba của Internet (Web3) đều quyết định rời khỏi Hong Kong. Một nhà sáng lập nói rằng: “Tôi và đội ngũ của mình đã quyết định đặt nhóm công nghệ cốt lõi ở bên ngoài Hong Kong, chỉ giữ lại một vài nhân viên thị trường ở đây”. Nhà sáng lập này rời Hong Kong do dịch bệnh và quay trở lại Hong Kong vào cuối năm ngoái.
Báo cáo nhấn mạnh, các nguyên nhân như chi phí nhân tài Hong Kong cao, không thể mở tài khoản ngân hàng ở Hong Kong hoặc không xin được giấy phép kinh doanh…, nên các doanh nghiệp trong ngành tiền ảo đang rời khỏi Hong Kong, lần lượt chuyển sang Dubai, Malaysia hoặc Philippines. Những người ở lại Hong Kong vẫn đang nỗ lực để xin các giấy phép liên quan theo yêu cầu.
Giấy phép đắt đỏ, chi phí cao, khó mở tài khoản
Các cơ quan quản lý Hong Kong bắt đầu áp dụng chế độ mới từ tháng 6/2023, một mặt cho phép các nhà đầu tư bán lẻ có thể giao dịch các loại tiền điện tử lớn, chẳng hạn như bitcoin, mặt khác cũng mở rộng cánh cửa xin giấy phép giao dịch tài sản ảo ở Hong Kong. Tuy nhiên, sau ngày 1/6, thị trường lại không xuất hiện sự sôi động náo nhiệt như kỳ vọng, một trong những nguyên nhân chính là chi phí xin giấy phép quá đắt đỏ.
Theo yêu cầu của các cơ quan quản lý Hong Kong, các tổ chức xin giấy phép giao dịch cần phải xây dựng tốt các hệ thống như giao dịch, bảo mật, lưu ký… trước khi nộp đơn. Trong khi đó, chi phí nhân viên và công nghệ cho việc xây dựng những hệ thống này rất cao. Các chuyên gia trong ngành cho biết, trước khi nộp đơn xin phép ở Hong Kong cần phải đầu tư ít nhất khoảng 100 triệu HKD (12,8 triệu USD), hơn nữa đây chỉ là tấm vé để vào cổng.
Điều càng khiến họ lo lắng hơn là ngay cả sau khi xây dựng tốt các hệ thống này thì giấy phép vẫn có thể không được phê duyệt, hoặc được phê duyệt nhưng không có nghiệp vụ, khiến cho hệ thống đầu tư trước đó trở thành vô nghĩa.
Nhìn chung, sàn giao dịch là cơ sở hạ tầng của ngành tiền điện tử, sàn giao dịch càng nhiều thì thị trường mới càng sôi động. Tuy nhiên, với tiêu chuẩn cao hiện nay, tổng cộng mới chỉ có 5 tổ chức công bố kế hoạch nộp đơn xin giấy phép kinh doanh tiền ảo ở Hong Kong.
Mặc dù giấy phép không phải là điều kiện bắt buộc đối với những nhà điều hành Web3 không cần sàn giao dịch, nhưng một trở ngại lớn khác mà các nhà điều hành vòng tròn tiền tệ khác đối mặt là chi phí nhân tài và thuê mặt bằng ở Hong Kong. Một nhà điều hành đã chuyển đến Malaysia cho biết, ở Malaysia chỉ cần 60.000 NDT (khoảng 8.300 USD) là có thể thuê được mặt bằng có diện tích lớn ở trung tâm thành phố, hơn nữa ở địa phương còn có đội ngũ nhân viên công nghệ thông tin giá rẻ. Trong khi đó, ở Hong Kong, lương tháng của một nhân viên công nghệ thông tin bình thường có thể là 30.000 HKD. Nhiều nhóm rời khỏi Hong Kong cho rằng, so với Hong Kong, triển khai các dự án vòng tròn tiền tệ ở Đông Nam Á có lợi thế hơn.
Trở ngại lớn thứ ba là mở tài khoản ngân hàng khó. Nhiều người trong nghề cho biết, chỉ cần nghiệp vụ có liên quan đến vòng tròn tiền tệ thì đều không thể mở tài khoản ngân hàng. Không mở được tài khoản ngân hàng thì không thể sử dụng công ty để vào sổ sách, đương nhiên doanh nghiệp khó có đất sống. Theo một nhà sáng lập, suy cho cùng nguyên nhân là các cơ quan chức năng của chính quyền Hong Kong và doanh nghiệp tách biệt nhau, mặc dù chính quyền Hong Kong muốn nhiều doanh nghiệp đến Hong Kong, nhưng ngân hàng vẫn quan tâm đến kiểm soát rủi ro, từ chối mở tài khoản cho các công ty vòng tròn tiền tệ.
Chính sách của ngân hàng trung ương
Điều làm lụi tàn cơn sốt blockchain của Hong Kong không chỉ là rào cản lớn trong thao tác thực tế, hiệu ứng ngược của các nhà điều hành và thị trường, mà sự thay đổi chính sách của Chính phủ Trung Quốc cũng truyền tín hiệu đến thị trường Hong Kong.
Mặc dù Trung Quốc cấm hoàn toàn giao dịch tiền ảo vào năm 2021, nhưng sự thúc đẩy của Hong Kong và đánh giá tích cực của chính quyền địa phương đối với công nghệ Web3 lại truyền đi tín hiệu tiền ảo vẫn có cơ hội phát triển ở Trung Quốc. Những tín hiệu này cũng đã phát huy tác dụng xúc tác đối với sự bùng nổ của vòng tròn tiền tệ ở Hong Kong. Theo nhà sáng lập quỹ tiền điện tử Hong Kong NDV, chính quyền khóa mới của Hong Kong sẽ đưa trung tâm tiền điện tử quay trở lại phương Đông.
Ông David Qu, chuyên gia kinh tế Trung Quốc, cho rằng không có Thống đốc PBoC nào ủng hộ bitcoin. Các quan chức cấp cao khác của Trung Quốc cũng có thái độ chỉ trích đối với bitcoin, trong khi Chính phủ đang nỗ lực phát triển đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số. Ông Adrian Lai, nhà sáng lập Newman Capital đang quản lý quỹ Web3 trị giá 50 triệu USD ở Hong Kong cho biết, các quan chức Trung Quốc thường có lập trường phản đối bitcoin, hiện nay và trong tương lai gần, Trung Quốc sẽ không nới lỏng lệnh cấm đối với tiền điện tử.
Trong khi đó, Cục trưởng Cục Tài chính Hong Kong Trần Mậu Ba cho biết, trong một sự kiện, hiện nay là cơ hội vàng để phát triển Web3, Hong Kong sẽ sáng tạo và phát triển tài sản ảo ở mức độ lớn nhất.
Rủi ro tiềm ẩn
Đối với Hong Kong, sau 3 năm dịch bệnh, kinh tế phát triển ảm đạm, ngành tài chính có lợi thế truyền thống cũng đối diện với sức ép đến từ lãi suất đồng USD tăng. Chuyển sang chấp nhận tiền điện tử vào thời điểm này có thể thúc đẩy nghiệp vụ tài chính, thu hút nhân tài, đồng thời cũng có thể mang lại niềm tin tăng trưởng mới cho thị trường.
Tuy nhiên, báo cáo ngày 30/6 của tờ The Wall Street Journal nhấn mạnh, ngành này tồn tại nhiều giao dịch không minh bạch, chẳng hạn như rửa tiền, lừa đảo... Báo cáo nhấn mạnh, xuất phát từ đặc trưng không rõ ràng của ngành công nghiệp tiền điện tử, rất khó đạt được sự cân bằng giữa bảo vệ nhà đầu tư và thu hút hoạt động kinh doanh. Nếu chính phủ Trung Quốc cho rằng chính sách thân thiện của Hong Kong đối với tiền điện tử cuối cùng sẽ làm suy yếu năng lực kiểm soát dòng vốn của ngân hàng trung ương, thì ngay cả khi tiền điện tử đạt được thành công ở Hong Kong thì cuối cùng cũng trở thành rắc rối. Đầu năm 2022, Bộ Công an Trung Quốc nhấn mạnh, tiền ảo trở thành kênh rửa tiền mới, đồng thời cho biết các cơ quan công an của Trung Quốc tổng cộng đã phá 259 vụ án liên quan đến loại tội phạm này trong năm 2021, giá trị tiền ảo tịch thu đạt hơn 11 tỷ NDT.
Hiện nay, sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong yêu cầu quy trình xác minh khách hàng KYC (know your customer), yêu cầu người tham gia trình các tài liệu hợp quy chuẩn theo quy định nhưng không giới hạn ở thẻ ID, địa chỉ địa phương... Do đó, điều này sẽ tạo ra các hạn chế đối với người Trung Quốc Đại lục giao dịch tiền điện tử ở Hong Kong. Không có thị trường Trung Quốc Đại lục, tiềm lực của thị trường tiền điện tử Hong Kong cũng sẽ giảm đi rất nhiều. Muốn thực hiện tham vọng trở thành trung tâm tiền ảo, Hong Kong không chỉ cần phải cải thiện sự hỗ trợ chính sách, mà còn cần phải có nhiều nỗ lực hơn nữa trong việc xử lý mối quan hệ giữa giám sát và cho phép, trung ương và địa phương thì mới có thể tăng cường lòng tin của nhà đầu tư.
Theo BNews
Đăng nhận xét