Chông chênh tuổi 25
“Chào dượng
Con là T.A, năm nay 25 tuổi, độ tuổi chông chênh nhất của đời người. Ở lứa tuổi này, người ta mới đủ trưởng thành để biết cuộc đời mình ra sao, nhưng cũng bàng hoàng nhận ra hiện tại có quá nhiều lối rẽ. Rẽ trái, phải hay đi thẳng bây giờ?
Con vốn là một học sinh chuyên Anh ở một trường cấp 3 nổi tiếng, sau đó con vào một ĐH và theo học chuyên ngành ngoại thương. Khi ra trường, con thi đậu vào một chương trình quản trị viên tập sự của một công ty đa quốc gia. Họ cho con 2 năm rèn luyện ở mọi phòng ban, nhằm đào tạo cán bộ quản lý sau này. Họ đào tạo vô cùng tốt, nhiều bài học vô cùng hay. Các sếp đến từ các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh,…với lịch sử cơ chế thị trường hàng trăm năm, nên chiêu trò của họ cũng lắm. Người tiêu dùng một quốc gia nông nghiệp mới đi lên như nước mình, chỉ biết rơi vào vòng xoáy của các chương trình quảng cáo PR hát hò của họ. Chỉ biết dốc hầu bao để mua và mua. Lương tháng của công nhân nhà máy ở mình chỉ có 4-5 triệu chứ sẵn sàng bỏ nửa tháng lương mua mấy sản phẩm công ty con, dù không phải là hàng hoá thiết yếu.
Tình cờ con đọc sách của dượng, cuốn Trên đường băng, đầu tháng 9 năm ngoái. Có một câu dượng viết mà làm con bàng hoàng, đó là sinh viên ngoại thương tức được đào tạo xuất nhập khẩu, ra trường không làm xuất khẩu giúp người dân mình bán hàng Made in Vietnam với giá cao, mà cứ lao vô các phòng marketing các công ty nước ngoài để nhận lương tháng mấy trăm đô. Mà đúng thế thật, con học xuất nhập khẩu, cũng bill tàu, cũng thư tín dụng, cũng vận tải này nọ…nhưng quên hết. Nước mình tới 70% là nông dân, nông sản làm ra cứ đổ đống, hoặc lũ lượt chờ ở cửa khẩu Tân Thanh, điệp khúc được mùa mất giá, vì đầu ra không ổn định. Suy nghĩ điều này khiến con day dứt mãi. Lớp con học xong, các bạn phần lớn đi làm tài chính ngân hàng kiểm toán, marketing, dạy tiếng Anh, đi làm sale cho các hãng tàu, còn lại đi du học lên thạc sĩ. Tụi con được đào tạo để trở thành cán bộ XNK mà sinh viên tốt nghiệp phần lớn làm trái nghề hết dượng ơi. Con thấy thật là lãng phí…
Hai năm qua, con thật sự là trải qua một công việc mà bạn bè thì mơ ước, nhưng con thì thấy thật tẻ nhạt. Hàng ngày lên văn phòng ngồi họp hành với sếp Tây sếp Tàu, các buổi uống rượu trong các khách sạn 5 sao với đối tác với hoá đơn cả chục triệu, các buổi tập huấn ở nước ngoài gọi là team building chứ thật ra là đi du lịch, xài tiền…. Nhiều lúc con nghĩ đến những cô gái chàng trai trong các công xưởng hầm hập nắng, tăng ca ngày đêm, tháng cầm 5 triệu bạc và vui mừng khôn xiết, sao con thấy chạnh lòng. Rồi con đi các tỉnh chơi, thấy bà con hái thanh long cho bò ăn, cà chua đổ đống, điều tiêu xơ xác tiêu điều, cà phê bao bao chất cao ngất…chỉ vì phụ thuộc vài thương lái bán cho các thành phố lớn và xuất tiểu ngạch qua Trung Quốc. Một bác nông dân ở Di Linh nói với con sao mấy cô học cao hiểu rộng, tiếng Tây tiếng Tàu rành rẽ vậy mà không giúp tụi tui xuất khẩu hàng. Tụi tui là nông dân ít chữ, một nắng hai sương, cắm mặt vô đất làm ra những cái này, nhưng giờ không biết bán cho ai. Tụi tui biết là thế giới ngoài kia rộng lớn, người ta mua nhiều, nhưng không dám đi. Tiếng không biết, thủ tục không rành, quê mùa như vậy sao đi được mấy cô ơi…
Sau chuyến đi Di Linh đó, con về suy nghĩ để chọn một lối rẽ khác. Ngày con nhận được thông báo là chương trình tập sự kết thúc, được vô phòng marketing làm với mức lương cao hơn…thì cũng là ngày con thông báo xin nghỉ việc. Mấy sếp ngạc nhiên lắm, vì thấy con đủ năng lực, cống hiến trong 2 năm đó hết mình, đóng góp khá nhiều cho công ty. Các sếp chỉ cho con thấy gương thành đạt của thế hệ các anh chị các khoá trước đang làm cho các tập đoàn đa quốc gia, ai cũng có xe hơi, chung cư cao cấp, ăn mặc sành điệu…Nhưng con không thấy đam mê như vậy nữa. Con muốn xuất khẩu nông sản và giúp bà con nông dân, đồng thời tạo dựng một cơ sở vững chắc để mình nghỉ hưu khi tuổi bước qua 40. Con nghĩ đã đến bên kia con dốc của khả năng lao động, mình nên đầu tư có một mức thu nhập ổn định, chứ tóc bạc rồi mà phải vật lộn với báo cáo, giờ bấm thẻ, ăn trưa vội vã vào làm, chiều tối 9-10h giờ đêm còn ở văn phòng bàn bạc kế hoạch này kế hoạch kia, tung cái này ra tung cái kia ra, rồi đi nhậu đi nhảy với các agency (công ty quảng cáo) nói chuyện ca sĩ diễn viên…sao con thấy mệt quá. Nhường lại cho đàn em nó làm, mình chỉ tham gia quản lý, hoặc khởi nghiệp, hoặc đi dạy, hoặc nghỉ hưu, rong chơi chăm lo gia đình. 20 năm quần quật cho công ty nước ngoài, nghỉ hưu ở tuổi 44-45 là được rồi dượng ơi. Bữa nhậu đó con nói hết tâm tư của mình. Sau khi nghe con nói, ông sếp người Ấn Độ trầm ngâm không nói gì, còn ông sếp Mỹ thì nâng ly lên chúc mừng con, ổng nói đó là sự trưởng thành về tư duy của mày rồi đó. Chỉ có chị sếp người Việt, sau khi uống 1 hồi, chị bắt đầu xỉn và khóc khi con đề cập đến sứ mạng (mission) của cuộc đời. Chị nói chị từng có suy nghĩ như vậy, nhưng vòng xoáy cơm áo gạo tiền không cho phép chị dứt bỏ công việc hiện tại để theo giấc mơ. Chị còn 2 đứa con đang học trường quốc tế với mấy trăm triệu đồng/năm, còn cha mẹ già phải chăm sóc, còn mấy cái chung cư trả góp…Chị không dám khởi nghiệp vì quen với tháp ngà ở đây, giờ lăn lộn từ đầu cũng khó. Và quan trọng, chị không dám từ bỏ thu nhập ổn định hiện tại để mạo hiểm…
Thế là con nghỉ, đi phỏng vấn nhiều nơi, toàn công ty thương mại xuất khẩu nông sản. Con đậu vào một Văn phòng đại diện của nước ngoài ở quận 1, nhưng không làm. Vì làm ở văn phòng trên phố, cái mình biết chỉ là phần ngọn. Con quyết định xuống một tỉnh miền Tây làm cho một công ty xuất khẩu nông sản, bắt đầu từ con số không tròn trĩnh. Ai cũng nói con khùng. Ba mẹ con cũng nghĩ con bị thần kinh nặng. Bạn trai con cũng nói con đi là ảnh bỏ, ảnh không thể rời xa Sài Gòn, ảnh nói đã bỏ quê lên đây học rồi thì có điên mới trở về quê, huống hồ gì đi tỉnh khác. Ảnh nói “có nhà lầu ở quê cũng không bằng ngồi lê ở phố”, dù ngột ngạt chen lấn nhưng mình tranh thủ, chen lấn với người ta, chờ thời. Mấy đứa ở thành phố thật ra cũng là thế hệ thứ 2, thứ 3, ông bà cha mẹ nó ngày xưa cũng lên bon chen, mình giờ cũng bon chen để cho con cái trở thành dân thành phố. Bạn trai con ảnh ra trường 3 năm rồi, lương cũng có mấy triệu, chả có tương lai gì nhưng kiên quyết không đi tỉnh khác hay ra ngoại ô, có đổi công việc cũng xoay vòng ở trung tâm quận 1 để “chờ thời”. Con thì không rõ là thời gì nên quyết tâm đi. Kệ, bỏ hết. Con biết con đường trở thành doanh nhân là con đường cô độc, mấy ai hiểu mình. Con lặng lẽ đón xe xuống dưới đó, thuê nhà gần công ty và bắt đầu một cuộc sống mới.
Hàng ngày, con đọc tài liệu hướng dẫn nông dân trồng xoài, trồng nhãn, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, rau củ quả…. theo tiêu chuẩn GlobalGAP và ký hợp đồng bao tiêu. Con tiếp các đối tác nước ngoài sang mua hàng, dắt nó đi ăn uống, hỏi cho ra lẽ quy chuẩn hàng đủ tiêu chuẩn vô siêu thị Âu Mỹ Nhật Trung Đông. Rồi con làm chứng từ xuất nhập khẩu, lên phòng thương mại xin giấy chứng nhận xuất xứ, giấy khử trùng này nọ. Con tham gia coi việc xử lý sơ chế đóng gói, đã nắm được bí mật vì sao nông sản để cả tháng trên tàu đi sang tới nước ngoài vẫn không bị chín rục hay hư hỏng…Con còn theo cả mấy anh tài xế xe container chở hàng lên cảng Sài gòn để xuất khẩu, ai cũng nhìn con ái ngại vì thân gái dặm trường mà bản lĩnh quá, người ta tưởng con phóng viên không đó dượng. Con lao vô làm thủ tục xuất, rành rẽ 6 câu chỉ trong có 3 tháng thui. Làm việc dưới tỉnh, nhiều lúc cũng buồn, cũng nhớ Sài Gòn quay quắt. Sài Gòn là nơi con học ĐH, đã quá quen thuộc với hàng cây góc phố quán cà phê và bao nhiêu bè bạn. Nhưng con suy nghĩ lại, mình ủ mưu làm một cái gì đó lớn lao, một tập đoàn xuất khẩu nông sản của riêng mình, mình phải bắt đầu từ dưới bưng biền, từ cánh đồng, từ nhà máy, từ một cô công nhân xếp loại đóng gói. Chứ nào có ai làm chủ nhà máy mà bước ra từ bàn phím và cao ốc máy lạnh bao giờ?
Con mới trở về từ một hội chợ nông sản lớn ở châu Âu. Con bận áo dài, đội nón lá, nói tiếng Anh thành thạo và vui vẻ như hình ảnh của Dượng ở London á. Con gặp ai cũng tươi cười, nói “welcome to Vietnam”. Một tuần ở bển, con không nói tiếng Việt luôn, toàn hẹn gặp khách Tây để tiếp thị. Ăn sáng cũng hẹn tiếp khách, sau đó ra gian hàng, ăn trưa cũng hẹn khách, rồi quay lại gian hàng, ăn tối hẹn 2-3 khách luôn. Con về khách sạn lúc 1h đêm, may mà thành phố lớn ở châu Âu 1h sáng cũng như 1h chiều, vẫn nhộn nhịp. Con chốt được 10 hợp đồng, mức cao nhất mà công ty con làm được xưa nay ở một kỳ hội chợ. Tự dưng, con nể mình quá cơ, sao ở đâu ra một đứa con gái vừa giỏi lại vừa xinh đệp (cái này con bị lây từ dượng, dượng cắt đoạn này kẻo con bị ném đá).
Bữa nay con rảnh, đang ngồi quán chờ khách xuống đây ăn trưa, mà khách bị kẹt xe ở cao tốc Trung Lương nên con mới có thời gian viết như vầy á. Nếu có đăng bài con lên thì dượng chỉ viết tắt tên con thôi nhé. Dặn các bạn là nếu có đọc thư này thì hãy như con, hãy xách giỏ tung tẩy ra thế giới như con, hãy giúp bà con nông dân mình bán xoài, vú sữa, thanh long để lấy đô la như con.
Và cuối thư, con xin cám ơn hai cuốn sách và cái page của dượng. Có dượng, con đã tìm đúng mission của cuộc đời mình. Có dượng, tuổi 25 của con đã không còn chông chênh”.