Latest Post

1. Ngày đầu vào lớp môn Triết ở ĐH bên Mỹ, thầy giáo ra đề bài "hãy viết 1 di chúc". Cả nhóm ngơ ngác vì chưa bao giờ nghĩ đến đề tài kỳ quái này. Có sinh viên TQ còn từ chối làm vì sợ xui, nhưng thầy nói "tui đã viết từ năm 20 tuổi, nay đã 70 và vẫn chạy xe đi thỉnh giảng khắp, chưa thấy xui xẻo gì, đời toàn may mắn". Ông nói, các bạn phải nghĩ đến việc viết di chúc cho ngày đó, để tránh mọi rắc rối mình có thể gây ra cho người còn sống, lưu lại tiếng thơm muôn thuở, và trong di chúc ấy, bạn sẽ để lại quà gì cho thế hệ mai sau, hỡi những mái đầu tinh hoa? Cái chết có thể đến bất cứ lúc nào với bất cứ ai, một cách khách quan mà nói, chúng ta không nên sợ hãi mà phải chuẩn bị thật tốt. Ai trong chúng ta, cũng chỉ 100 năm là hữu hạn đời người. Biết mà sống có thành tựu. Biết mà để lại legacy (di sản, không chỉ về vật chất). Đề tài "ngày qua đời" cũng được nhiều nhà tuyển dụng cũng như nhiều ĐH lớn đánh giá sự lựa chọn của các ứng viên, ví dụ câu hỏi "Nếu bạn chỉ còn 24h nữa tồn tại, bạn sẽ làm gì? Nếu chỉ còn 1 ngày nữa là tận thế, bạn sẽ làm gì?". Có năm, đề thi ban Triết của Tú Tài Pháp còn ra câu này cho học sinh toàn nước Pháp tốt nghiệp trung học.

"Nếu chỉ còn một ngày để sống. Người đưa tôi về đến quê nhà. Để tôi thăm làng xưa nguồn cội. Cho tôi mơ, mơ tiếng mẹ cha. Nếu chỉ còn một ngày để sống. Làm sao ta trả ơn cuộc đời. Làm sao ta đền đáp bao người. Nâng ta lên qua bước đời chênh vênh. Nếu chỉ còn một ngày để sống Làm sao ta chuộc hết lỗi lầm. Làm sao ta thanh thản tâm hồn. Xuôi đôi tay đi giữa hừng đông". Bài hát này khi xuất hiện đã gây tiếng vang và được nhiều người yêu mến. Phút cuối, người ta lại mơ về quê nhà, gần cha gần mẹ. Phút cuối, người ta lại muốn trả ơn người. Phút cuối, người ta lại ân hận về những lỗi lầm. Phút cuối, người ta muốn thanh thản về lương tâm, mắt khép, môi cười, đôi tay xếp xuôi mãn nguyện đi về phía mặt trời. Và nhiều người không cần phải chờ phút cuối và tiếc nuối. Họ chọn đi về phía quê hương trong những ngày còn sống. Họ chọn một cuộc đời hào sảng cho đi để không phải nói 2 chữ giá như. Họ không tham lam để không phải chảy nước mắt sám hối vào giây phút sinh ly tử biệt.

2. Người phương Đông thấy cấm kỵ khi nói về cái chết, vì sợ xui. Nhưng vẫn có những người vượt lên sự mê tín ấy một cách khách quan mà đề cập đến nó. Nhiều nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ....cũng thường nói về cái đích cuối cùng của đời mình. Kỳ lạ thay, những người này, lại không có chết sớm (dù họ rất thích uống rượu, hút thuốc, thức khuya, sống không theo trật tự nào). Nguyên nhân chính của sự thọ này chính là, khi con người nhận ra cái mốc cuối là cái chết, sẽ sống rất tử tế và trân quý cuộc đời. Họ quý giá mạng sống và sự trải nghiệm hơn tất cả tiền bạc, của cải, danh vọng.....từ đó khắc chế được lòng tham, sự sân hận, sự mê muội quyền lực và danh tiếng. Ai rồi cũng chết, cái vật chất mình ham muốn tột độ 10 năm trước, giờ nghĩ lại rất buồn cười. Nó có thể chỉ là sự viển vông với người ít tài, hoặc khi đạt được ước mơ cũng là lúc khó thấy chán nản nhất với người có năng lực. Vui chỉ vài giây, rồi lại thấy không thoả mãn nữa. Hạnh phúc, luôn nằm trong quá trình đi tìm kiếm và chinh phục chứ không phải là sở hữu, càng tham của người thì càng thấy vô nghĩa khi đạt được, vì trong thâm tâm mình biết đó không phải của mình. Khi nghĩ đến ngày cuối cuộc đời, người ta cũng sẽ sống tốt hơn, biết ăn uống healthy, biết vận động thể dục thể thao cho cơ thể khoẻ mạnh mà thọ thêm 1 chút, biết cho đi và hào sảng để khi mình lìa đời, trên miệng thế gian còn lại là tiếng thơm. Người ta "vô cùng thương tiếc" một cách thật lòng chứ không phải chỉ là 1 câu sáo rỗng trên cáo phó điếu văn.

"Đường nào dìu tôi đi đến cơn say. Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời. Dù thật lệ rơi, lòng không buồn mấy. Giật mình tỉnh ra, ồ nắng lên rồi!" (Bên Đời Hiu Quạnh-Trịnh Công Sơn). "Thôi thì thôi để mặc mây trôi. Ôm trăng đánh giấc bên đồi dạ lan. Thôi thì thôi, chỉ là phù vân. Thôi thì thôi nhé, có ngần ấy thôi. Mai ta chết dưới cội đào. Khóc ta xin nhỏ lệ vào thiên thu" (Đưa em tìm động hoa vàng, nhạc: Phạm Duy - thơ: Phạm Thiên Thư). Phạm Duy cũng nổi tiếng với bài "Nếu một mai em có qua đời", bạn thử nghe 1 lần với giọng ca Nguyên Thảo, rất hay.

3. Biết một ngày mình sẽ qua đời, thì những ngày còn sống sẽ không lãng phí vô chuyện không đâu, và nhất là, phải sống trung trinh tử tế, lấy nhân cách làm di sản cho con cho cháu cho người thân. Làm sao đó để khi trăm năm, họ nhắc lại tên mình, với sự yêu mến và kính trọng. Câu thành ngữ này bạn có thể in ra để trên bàn làm việc "When you were born, everyone around you was smiling and you were crying. Let's live a meaningful life so when you die, everyone around you is crying while you are smiling" (Khi bạn sinh ra, bạn oa oa cất tiếng khóc chào đời còn mọi người xung quanh cười rạng rỡ nhìn ngắm bạn. Hãy sống sao cho khi bạn qua đời, mọi người nhìn ngắm bạn và khóc thương trong khi bạn thanh thản mỉm cười).

Đoá hoa nào cũng bắt đầu từ hạt giống rồi nẩy mầm, thành cây, thành hoa, rồi trở về với đất. Đến nhân gian một lần, hãy toả hương và rực rỡ.

Ngày 0: Nhận email "Cô ơi, cho con vào thực tập ở resort của cô với. Con thấy mô hình của cô quá hay. Con tốt nghiệp ĐH x hệ chính quy, làm nhiều công ty nhưng không thấy phù hợp. Con nhận ra mission của con là du lịch nên con sẽ theo con đường này. Con sẽ bắt đầu từ vị trí thấp nhất và nhất định con sẽ khởi nghiệp giống như thế ở quê hương, con sẽ làm chủ một resort mang tên mình". Tui thấy khẩu hiệu quá hay nên Ok, và bạn xuống liền đêm đó.

Ngày 1: 10h sáng mới ngủ dậy. Đứng trước gốc cây bâng khuâng, bạn nói cô cho con nghỉ mệt 1 ngày vì jetlag (dù đi xe đò, cùng múi giờ GMT +7, chỉ khác tỉnh, thôi kệ, tụi nhỏ giờ ít thể dục thể thao).

Ngày 2: Ra vô chụp hình mọi góc độ, từ bên nhà hàng tới chú bảo vệ. Tới giờ ăn vô ăn, người ta dọn xong thì sà xuống ăn như chim bồ câu. Ăn xong thì bay lên, cũng như chim bồ câu.

Ăn xong ra đứng gốc cây, nói trời nóng quá. Tui tới hỏi sao không phụ mọi người dọn rửa, bạn nói đang rèn óc quan sát. Tui nghĩ chắc mới làm chưa quen, nên không nói gì. Nhưng các bạn khác thấy khó chịu.

Ngày 3: Ra chụp seo-phi rùi vô ngồi cầm điện thoại nhắn tin liên tục. Xong thì ngồi ôm laptop. Tui tới hỏi thì nói chụp xong phải xử lý hình ảnh và viết thu hoạch. Gửi báo cáo cho ma ma, pa pa và em iu.

Ngày 4: Tui giao việc làm đầu tiên, tập bưng bê phục vụ khu nhà hàng. Ra vô được 10 lần thì nói mỏi, mặt mũi nhăn nhó. Bưng chén nước mắm dầm ớt, vấp dây điện, đổ hết vô người khách. Tui kêu vô họp, khóc nói cô thông cảm, xưa giờ ở nhà, cha mẹ con làm hết, sau này lên ĐH thì sống trọ chung với 1 con bồ xấu xấu cho nó hầu hạ. Con bồ làm hết. Con ân hận lắm, vì giờ nhìn lại, sắp 30 tuổi rồi mà chưa có thành tựu. Con không rõ lý do gì mà con không thành công, cô biết không? Tui lắc đầu, nói để vài ngày làm việc để cô xem đã.

Ngày 5: Bố trí vô phụ bếp. Rửa chén dĩa, mặt mũi nặng nhẹ vì không quen làm. Bếp trưởng lên gặp tui ý kiến, nói hem nhận cậu này. Bể chén hết trơn, lương em không đủ đền.

Ngày 6: Cho ra quầy tiếp tân. Trêu ghẹo bỡn cợt với các bạn nữ, thả thính (động từ mới nghĩa là rải thính dụ cá ăn). Tui mời vô họp, nói 3 cái "con thầy- vợ bạn - gái cơ quan" này đại kỵ, yêu đương chỗ làm việc là tuyệt đối không được vì ảnh hưởng đến năng suất lao động. Tui phân tích một hồi bạn đồng ý, nhưng ra quầy lại tiếp tục chứng minh "mình là một kẻ đào hoa phong lưu đa tình". Khách vô gặp tui ý kiến nói tiếp tân gì nói cười rất to rồi còn ăn xoài xanh trong giờ làm.

Ngày 7: Lên phòng kinh doanh thực tập. Trưởng phòng kêu ghi daily to-do list, ghi được 2 dòng rồi ngáp. Ngồi mở cửa sổ chát zalo, skype, facebook,... Dặn không được làm việc riêng trong giờ làm, bạn dạ.

Cuối giờ chiều, hỏi lại việc trong to-do list vẫn chưa hoàn thành cái nào. Hỏi lý do không làm, bạn im lặng. "Im lặng là đặc sản của em". Trưởng phòng bắt họp tới khuya, kiểm điểm hành vi, hứa không tái phạm. Bạn buồn, đăng stt trên FB mấy câu triết lý "đời là, thành công là, chúng ta phải, chúng ta hãy...".

Ngày 8: Vẫn thực tập phòng kinh doanh. Vẫn không ghi to-do list, nói mới miễn cưỡng ghi, mặt mũi thấy bắt đầu bất mãn. Tiếp tục chờ trưởng phòng ra ngoài là bật cửa sổ chat. Thấy vô thì luống cuống tắt. Giao 10 việc, đọc qua rồi để đó 9, làm 1. Không làm liền, không trả lời liền, không rõ tại sao. Trưởng phòng Kinh doanh lên gặp tui nói trả lại, không nhận.

Các bạn khác vô méc là anh này tò mò kinh khủng. Cứ đu theo hỏi chủ resort này mấy người, bà đó có chồng con thế nào, ông đại gia đó có rót vốn vô đây phải không. Phòng này 2 thằng ở chung phòng chắc là gay, phòng kia 2 con ở chung, chắc les. Phòng 201 bà lớn tuổi ở với thằng kia còn trẻ thì chắc hẳn máy bay và phi công, rình coi thử phải không. Còn 301 thì ông kia già ở với con nhỏ còn trẻ, mặc áo 2 dây đích thị là gái bao. Ánh mắt kỳ thị, soi mói dù người ta có đúng như mình suy diễn không thì không rõ. Mà có đúng thì cũng có ảnh hưởng gì đến mình. Đầu óc nhiều chuyện một cách vô văn hoá, không rõ cần biết các thông tin đó để làm gì, thuộc nhóm đám đông bình dân ưa thọc mạch và buôn chuyện, tui thấy hơi ớn ớn.

Ngày 9: Ít khách. Cả resort kể cả tui là chủ, cùng nhau ra nhổ cỏ, trồng rau, trồng hoa. Bạn ra làm được 1h 30 phút, giải lao 2 lần, xong vô xin phép tui về lại thành phố vì lý do gia đình. Mọi người nói nó làm biếng nên bỏ về chứ gia đình gì. Về vẫn đăng stt là đã thực tập xong, học được rất nhiều, sẽ làm chủ 1 resort lớn và doanh nghiệp tỷ đô trong tương lai.

Kết luận:

Từ lúc bài về resort giữa ruộng đồng của tui đăng lên, cả trăm độc giả trẻ cả nước đến xin thực tập để copy mô hình về triển khai. Ban đầu ai cũng hào hứng và quyết tâm cao độ, nói hay lắm. Nhưng 1 tuần là chạy mất dép hết. Nội dung "that's why you go away" giống tui miêu tả. Để lại đống tài sản như trong hình. Nói gì thì nói, người mà không có thành tựu gì trong đời, ắt phải có cái gì đó trong đầu họ cản trở.

Chủ resort XYZ, Tiền Giang

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget