Tết trùng cửu nói về cơ hội cho một người
Hôm nay là ngày 9 tháng 9 âm lịch, còn gọi là Tết Trùng Cửu (重九) hoặc Tết Trùng Dương (重阳), tiếng Anh là Double Ninth Festival. Đây được xem là ngày của “Lễ tìm cơ hội cho người trẻ” vì nó liên quan đến một điển tích rất nổi tiếng, trí thức các nước phương Đông ai cũng rành. Đó là câu chuyện Thời lai phong tống Đằng Vương Các.
Người tài thì trong thiên hạ nhiều vô kể, nhưng người có được thành tựu, thực hiện được ước mơ thì lại ít ỏi vô cùng. May mắn, phúc phần nhất của 1 đời người chính là cơ hội được trao. Cơ hội không tự đến, ai muốn có thì phải chủ động tạo ra.
Nếu chưa bao giờ hiến máu, hãy hiến (3 ngày sau khi hiến đừng vận động mạnh như đá bóng hay tập gym, sau đó sẽ bình thường trở lại). Hiến máu rất tốt cho cơ thể mình và tạo mình có 1 profile tốt với vũ trụ. Máu bị siêu vi B không hiến được thì mình đi hiến tạng. Người hào sảng phóng khoáng, vô vi với cơ thể sinh học của mình, không tiếc nuối gì thì mọi thứ với họ sẽ rất nhẹ nhàng.
Ngoài hiến máu, hiến tạng, hiến công hiến sức, cái khó nhất của con người là hiến tiền. “Về cơ bản, tuyệt đại đa số con người đều tham, đều muốn tư hữu”– Lão Tử đã nói với học trò như thế, để biết cách điều chỉnh các mối quan hệ nhân sinh.
Do vậy, 1 người đưa tiền cho người khác, không mong hồi đáp, thì đã chiến thắng được lòng tham. Và khi cho đi, họ đã chủ động tạo ra may mắn. May mắn hay cơ hội không có rành rành ra trước mắt, người hẹp hòi ngu muội sẽ mắng ngay, vì chưa thấy gì đã thấy mất tiền trước, ngu và điên mới chịu mất như thế.
Hệ “thấy rồi mới tin” sẽ không có nhiều cơ hội, vì còn chứa trong lòng sự nghi ngờ, cốt yếu là do sợ mất, nên cơ hội tới là chần chừ, sợ hãi, nghĩ đi nghĩ lại và cuối cùng nói thôi.
Còn người thuộc hệ “tin rồi sẽ thấy” thì dại khờ lúc đầu, nhưng hậu vận lại hanh thông. Người ta nói, “thánh nhân đãi kẻ khù khờ”, nhưng người đời dạy khôn nhau chứ không mấy ai dạy khù khờ cả.
Ai hoàn toàn không có cơ hội nào? Người ích kỷ.
Người ích kỷ sẽ luôn đau khổ, vì cứ sợ mất, nhất là tiền bạc, nên người ta không tin tưởng để trao cơ hội. Chưa kể, cơ hội của người khác đều bị họ phá hỏng vì chút tham vặt vãnh, góc nhìn nhỏ hẹp, cái tôi to đùng. Người ích kỷ lại hay đố kỵ, hay ghen ghét, hay tức tối vì thấy người ta hơn.
Người tầm cỡ họ luôn nói với nhau là “Đừng bao giờ đầu tư vào người nghĩ nhiều về chi phí, về tiền bạc”. Vì hễ một người không chịu mất tiền, thì mãi mãi chẳng bao giờ có thể làm ra tiền. Câu cá cũng phải tốn mồi câu. Mồi lớn thì mới câu cá lớn. Không mồi mà đòi có cá thì chỉ là ước mơ.
Nghĩ về được/mất nhiều thì dẫn đến không tin người. Nghĩ về được/mất nhiều thì sẽ không có thời gian nghĩ ra ý tưởng và triển khai để có thành tựu. Và thấy ai chơi không đẹp, ai không dám rút tiền ra thì người ta không muốn kết giao, không muốn đầu tư, không muốn dây vào. Người xài tiền chắc quá thì làm ăn rất khó. Và người thân bạn bè cũng khó mà nhờ cậy khi cần. Họ không muốn cho đi.
Thời lai phong tống Đằng Vương Các
Ngày xưa, có một anh thanh niên mới 15 tuổi tên là Vương Bột, soái ca ngời ngời, thông tuệ, ăn nói xuất sắc, hiểu được những điều phức tạp và biến thành đơn giản, nếu có cơ hội, sẽ cống hiến tốt cho đời. Thế nhưng xuất thân từ dân thường, anh đợi mãi đợi mãi mà vẫn chưa có dịp thi thố tài năng.
Thế rồi 1 bữa nọ, chàng nghe tin là ở Đằng Vương Các có 1 buổi thi làm thơ, từ chỗ chàng đến chỗ đó tới mấy trăm dặm, trong khi chỉ có 2-3 ngày nữa tới bữa thi. Chàng nghĩ thôi, lại vuột mất 1 cơ hội, bỗng dưng có 1 ông già xuất hiện, nói cứ chuẩn bị sửa soạn hành lý và lên thuyền đi, nếu đã tha thiết muốn, muốn đến tột cùng thì “nhân thiên đều giúp”.
Chàng thoạt không tin nhưng nghĩ lại, nếu vẫn có chút không tin như thế thì thành người tầm thường mất. Cứ tin và làm theo đi, bất quá thì tới trễ hoặc quay về thôi. Thế là chàng lên thuyền, ai dè lúc đó có ngọn gió Trùng Cửu nổi lên (ngày 9/9 âm lịch), gió mạnh thổi thuyền đi với tốc độ tàu cao tốc bây giờ. Thế là chàng đến được Đằng Vương Các để thi, vang danh thiên hạ. Vương Bột sau này chết ở Nghệ An (lúc đó nước ta còn Bắc thuộc, anh đi châu Hoan thăm cha và bị đắm thuyền do bão số 7, nha khí tượng dự báo sai).
Người sau dùng câu “Thời lai phong tống Đằng Vương Các” để nói về cơ hội cho người trẻ, “thời lai” là đến thời, “phong tống” là gió hộ tống đi.