Latest Post

1. Ở công ty anh bạn thân của Tony có 2 thế hệ nhân viên. Một là do người quen gửi vô, toàn đoạt giải nhất giải nhì ngáo ngơ toàn quốc dù tốt nghiệp ĐH cả. Anh đào tạo xong, đủ năng lực ở lại làm việc. Hai là thế hệ mới, tức các bạn trẻ tự search thông tin tuyển dụng anh đăng trên mạng, đến kiểm tra IQ, tiếng Anh, năng lực ngôn ngữ, đạt yêu cầu và vào làm. Anh thấy năng suất lao động của thế hệ 2 cao hơn hẳn. Các bạn này đến rất sớm, về rất muộn. Làm mọi thứ không từ việc gì, cái gì cũng cứ vun vút, nhoay nhoáy, ai cũng thích cũng mê. Và 100% đều đã đi làm thêm trong thời sinh viên, nên giỏi giang bản lĩnh, không phải “nhờ người thân trợ giúp” khi ra đời.

Dù vẫn hoàn thành công việc, nhưng nhóm “gửi gắm” không có tinh thần tự giác, có giám sát mới làm, sếp đi công tác thì nhóm này lập tức đi trễ, về sớm, thậm chí “tranh thủ” lý do hỏng xe, kẹt đường, nhức đầu…để trốn ở nhà, hoặc ngồi ở văn phòng chứ chat chit facebook là chủ yếu, dù công ty có thưởng trên thành tích làm việc. Nhóm này do gia đình bao bọc từ nhỏ, vô làm lương bao nhiêu cũng được, có thưởng thì tốt không thưởng chẳng sao, ai kêu làm mới làm không thì ngồi đó. Kêu ghi “to-do list”, họ sẽ rặn mấy tiếng mới có được vài dòng kiểu “gọi điện thoại cho vài người, email cho vài người rồi hết”. Thói quen cha mẹ làm mọi thứ nên tay chân, não bộ đều không động đậy, laptop cũng không không biết phải lau chùi. Anh nói, đây là lần cuối cùng anh nhận đám này vô, mặc kệ bà con ai nói gì thì nói, mình không có nghĩa vụ làm từ thiện với đám bất tài này nữa. Nhìn tụi nó uể oải lừ đừ ngáp miết chỉ muốn phóng phi tiêu vô mặt. Khi phỏng vấn, thấy đứa nào không biết làm việc nhà từ nhỏ thì trường chuyên lớp chọn, thi ĐH 30 điểm đi nữa cũng tuyệt đối không nhận. Vì cha mẹ giành làm hết việc nhà thì sẽ tiếp tục ban bố tình thương, tháng nào cũng gửi tiền chu cấp, làm mất động lực sống hay đam mê của tụi nó. Đi làm cho có gọi là, có chỗ “sáng vác ô đi tối vác về”, công ty không phát triển được với nhân viên kiểu vầy. Nhà cửa xe cộ cha mẹ để lại hoặc mua cho, ngành học cha mẹ chọn, cuộc đời cứ như tầm gửi tầm leo, toàn người khác quyết định hộ. Mà có những ông cha bà mẹ ông anh kỳ cục, cứ can thiệp vào cuộc đời con em mình như thời chiếm hữu nô lệ. “Mày cứ ngồi vào bàn học cho tao, tới giờ ăn tao kêu xuống. Mày học toán lý hóa thi Bách Khoa cho tao. Thi Y dược cho tao. Thi Kinh Tế cho tao. Mày chỉ đi học cho tao, tao nuôi, không cần đi làm thêm”. Cứ toàn “cho tao”, sự ích kỷ dưới tên gọi “tình thương” đã làm mất khả năng ra quyết định/tồn tại của một cá thể sống khác, biến những đứa trẻ bình thường thành tàn tật cả tay chân lẫn trí óc vì cái gì cũng giành làm, giành nghĩ hộ.

Công ty anh tổ chức học tiếng Anh, training, chơi thể dục, thể thao…nhưng chỉ có nhóm thế hệ mới tham gia, nhóm cũ thì “ép tôi học tiếng Anh đi, tôi sẽ học cho. Ép tôi đi tập thể thao đi, tôi sẽ tập cho. Không thì thôi, đừng hòng đây có mặt nhé”. Họ nói, ngày xưa đi học vì bị ép, “tại ổng, tại bả” bắt học. Đến trường vì bị điểm danh, bị thầy cô bắt học chứ không phải vì ham kiến thức. Mục đích là có cái bằng. Đọc sách chỉ vì có đề thi trong đó, chứ sách không liên quan đến thi cử thì đọc chi? Nên đi làm, sếp ép thì làm không thì thôi. Tính tự giác hoàn toàn không có. Làm sếp ở công ty có thể loại nhân viên này mệt lắm, hao hơi tổn tiếng, la hét rầm trời tụi nó mới làm.

Lên chức, nâng lương họ cũng ham nhưng không được cũng chả sao. Cho nghỉ việc thì cũng chả buồn phiền, lại quay về với cha mẹ, “qua nửa đời phiêu bạt, em lại về úp mặt vào ô tô”. Ông cha bà mẹ lại điện thoại khắp các người quen, dáo dác chạy đi xin xỏ người khác, lạy ông đi qua lạy bà đi lại, xin bố thí cho con tôi 1 công việc, tôi già như thế này vẫn phải đi xin việc cho con cho cháu, có khổ thân già tôi không? Nói xong thì òa khóc. Thì trách ai bây giờ?

Mai An Tiêm từng nói 1 câu vô cùng hay là “của biếu là của lo, của cho là của nợ”. Cái gì người khác cho mình sẽ mãi mãi là “của nợ”. Nên TỰ MÌNH làm hết mọi việc, 18 tuổi trở lên mình phải quyết định cuộc đời mình. Gương Mai An Tiêm còn đó. Bị đày ra hoang đảo vẫn sống tốt, sống giàu có huống hồ mình vẫn ở trong thành phố, trong đất liền.

2. Giải pháp căn cơ để giải quyết thất nghiệp của một xã hội

Tony đi dạy cho một lớp CEO khởi nghiệp, điểm chung là đều dưới 30 tuổi và có tính TỰ LẬP từ nhỏ. Như vậy, GỐC của giải quyết vấn đề thất nghiệp/khởi nghiệp chính là tạo sự TỰ LẬP cho các bạn trẻ.

Tony cũng để ý, 100% các bạn tự biết giặt giũ nấu ăn, tự biết lau nhà lau cửa, tự biết sửa xe đạp xe máy và đồ điện trong nhà, thêu thùa may vá, biết làm thêm trong thời gian đi học…dù học chuyên ngành hẹp cách mấy, vẫn tự xin được việc, hoặc tự mở cái gì đó khởi nghiệp. Học dù ở cao đẳng sư phạm miền núi nào đó, dạy giỏi thì các trường dân lập ở Tp HCM vẫn nhận vô làm. Tony có cô bạn tốt nghiệp ngành quản lý thư viện ĐH văn hóa, cô nói lớp cô phần lớn thất nghiệp, trừ những người đi làm thêm trong thời sinh viên. Họ làm quản lý nhà sách, công ty xuất bản, hoặc mở riêng cái gì đó mà không cần đúng chuyên ngành. Có bạn học chuyên ngành còn hẹp hơn, ví dụ bảo tàng học, nhưng trong thời gian đi học rèn giũa Anh Văn, làm các đề tài nghiên cứu khoa học, tham gia các câu lạc bộ đoàn thể này nọ, tham dự các cuộc thi…thì họ vẫn có thể được giữ lại trường, hoặc xin học bổng đi nghiên cứu tiếp, hoặc sẽ có chỗ nhận vô làm, dù ngành khác. Bạn nào cầm bằng giỏi mà không có việc thì chỉ có cái bằng là giỏi, còn người là DỞ, kém cỏi, học vì điểm số chứ không thực lực. Thực lực là phải kiếm được việc, được tiền, dù học piano hay đàn tranh, học vẽ hay học múa, học bất cứ ngành gì….

1. Với các bạn trẻ đã tốt nghiệp mà đang thất nghiệp: Mình phải gạt phăng mọi sự chu cấp của gia đình. Bất tài mới lấy tiền của cha mẹ, mới nhờ cha mẹ bà con quen biết xin việc cho mình. Mình từ chối hết, tự mình kiếm ăn. Lao động chân tay cũng được, có sao, miễn là có tiền. Trí óc mình có, từ từ sẽ đi lên.

2. Học sinh vừa tốt nghiệp trung học: Nếu mình thích học ngành gì, mình kiên quyết bảo vệ và chọn. Nhóm tự lập từ nhỏ đều biết mình thích cái gì, làm tốt cái gì. Còn không biết thích cái gì thì ĐÓ LÀ NHÓM NGÁO NGƠ, học chục cái bằng cũng thất nghiệp. Mình PHẢI vay mượn để học tập từ cha mẹ người khác …chứ không nhận “viện trợ không hoàn lại” nữa. Muốn người khác có lòng tin để đầu tư cho mình, thì mình phải tự tin mình trước. Người tự lập thì sẽ tự tin, tự chủ, tự trọng.

Phải xây dựng ý thức tự trọng đầu tiên của mình, bằng cách “say NO” với tiền của người khác. Tuyệt đối KHÔNG là KHÔNG. Tiền cha tiền mẹ là từ sự lao động của họ, không phải của mình. Chưa có tỷ phú nào đi lên từ việc trúng số. Chúng ta chưa ai ở nhà do ông tổ ông tiên để lại. Lịch sử hàng ngàn năm tây tàu gì cũng vậy, những dinh thự vĩ đại ngày xưa bây giờ đều là viện bảo tàng, dù “đại gia” thời đó đều hồi môn để dành cho con cháu, từ lâu đài Windsor bên Anh, dinh Hòa Thân ở Trung Quốc đến cung điện mùa hè ở Nga… Cứ đời này đời khác, tự dưng con cháu không giữ được nữa. Mình cứ mua cho nó 1 miếng đất, 1 cái nhà, một đống vàng…thì nó sẽ bán vàng để ăn, hết rồi cắt đất bán lần lần, rồi tới bán nhà, rồi rơi vào nghèo khổ rách rưới. Nhưng thế hệ sau đó nữa, thì lại bật dậy được vì ĐƯỢC sống trong nghèo khó.

Cho nên nghèo khó là một cơ hội tuyệt vời. Giàu có là một thách thức để một đứa trẻ thành công. Phải tận dụng cơ hội khó khăn của mình, và vượt sướng, buông bỏ hết những thảm nhung để lăn lê trong cát bụi, để mình có tương lai. Nếu mình lỡ sinh ra trong nhà giàu rồi, gạt hết, tự mình xoay sở, tự mình sinh sống. Ở Tp HCM thì xin cha mẹ đi học ở tỉnh khác, thành phố khác, trừ trường chỉ có ở Tp mới có thì đành chịu, chứ học nông nghiệp hãy về Cần Thơ, học Vật Lý Sinh Học hay Toán thì lên Đà Lạt, học thủy sản ra Nha Trang, học hàng hải ra Hải Phòng, học âm nhạc ra Huế…Thoát ly ra khỏi vỏ bọc của gia đình, để được tự sống. Phải có những buổi sáng thức dậy suy nghĩ hôm nay phải làm sao để có cơm ăn khi cái ví không còn 1 xu, tối nay phải ngủ ở đâu khi tiền nhà chưa đóng, phải xin đi làm thêm ở đâu để có cái đi chơi, để dành…Chính suy nghĩ như vậy sẽ giúp vỏ não mình hằn lên những nếp gấp của sự trưởng thành, của sự tự tin. Chưa có ai nằm ra đường chết đói cả, bạn nên nhớ điều đó. Khi cùng đường, người ta tự nghĩ phải đi ăn cơm từ thiện, vô chùa ăn, ghé bạn mượn tiền, hay xyz…nào đó để tồn tại.

3. Cha mẹ của mọi đứa trẻ phải thương chúng nó bằng phương pháp giáo dục khác. Đến tuổi biết ăn là tự xúc cơm, tự giặt giũ lau nhà, tự học, tự chơi. Ép chúng nó buổi sáng phải thức dậy sớm, lau nhà lau cửa sạch sẽ, dọn dẹp mùng mền chiếu gối, nấu nước nấu mì cho chính nó ăn, không nhịn đói kệ mày. Cuối tuần bắt nó phải quét váng nhện, lau chùi tivi tủ lạnh, chăm sóc cây cảnh thú nuôi, quét sơn, sửa nhà, tham gia các hoạt động ngoài xã hội, tuyệt đối không cho nó ôm laptop hay ipad iphone khi chưa làm xong việc nhà. Nếu trường có tổ chức đi xe buýt đưa đón thì cho chúng nó tự đi với bạn bè, không nên đưa đón, kẹt đường kẹt sá trước cổng trường. Không xin xỏ việc làm cho chúng nó. Không ép chúng nó học ngành mình yêu thích, mình thích thì mình học đi.

4. Cha mẹ LỠ GIÀU CÓ thì hãy cho con cháu mình một môi trường giáo dục tiên tiến đến năm 18 tuổi và hết. Học vì đam mê chứ không phải vì bằng cấp, học nghề cũng được chứ không nhất thiết học chữ. Không ép chúng nó học thêm nếu chúng không thích học, chỉ có những đứa ham mê chữ nghĩa mới cho chúng nó vay tiền học đại học, bắt ra trường trả lại. Tiền tích cóp một đời, hai vợ chồng già xài cho sướng cuộc đời đi. Đi du lịch chỗ này chỗ kia, hoặc đem đi từ thiện để tạo phúc/may mắn cho con cho cháu. Tương lai của tụi nó hãy để tụi nó quyết định, đừng có đu theo hỏi miết. Nó mà về úp mặt vào ô tô, dựa dẫm là mình quánh, mình đuổi đi.

Cứ “cho” riết thì một cục cưng biến thành một cục nợ cho gia đình, một cục…tác của xã hội.

“Qua nửa đời phiêu bạt, em lại về úp mặt vào ô tô. Ơi con ô tô, con ô tô…”

Chị có một đứa con trai, tên A. Con chị từ lớp 1 đến lớp 12 chơi thân với B, một cậu hàng xóm, cùng học chung lớp. Bố B làm sếp cơ quan chị. A và B học rất giỏi, là niềm hãnh diện của chị và bố B mỗi lần họp phụ huynh hay tán gẫu ở cơ quan. Chị luôn xem bảng điểm học bạ của 2 đứa, và lúc nào cũng ép, không được môn nào học dở hơn B và ngược lại, bố B cũng như vậy. Hai đứa trẻ chơi vô tư, nhưng bố mẹ của chúng thì không.

Vừa nhận được điểm thi đại học mới đây, con chị đỗ, còn B trượt. Chị nói tự nhiên trong lòng có cảm giác “con mình thi đậu đại học không vui bằng con hàng xóm thi rớt“, chị mở tiệc khao rất lớn, mời hết thầy cô bạn học về nhà. Mặc dù A phản đối gay gắt tiệc khao này nhưng chị đã quyết, và mời hết cơ quan chị về chơi luôn, đãi 2 suất, trưa và tối. Dĩ nhiên là có mời B và gia đình nhưng họ không đến.

Chị nói tiệc diễn ra hết sức xôm tụ tuy con chị không vui. Cơ quan ai cũng chúc tụng chị, ai nấy hả hê vì bố B vốn là một sếp khó, luôn miệng nói này nói kia trong khi con mình đã trượt đại học, chẳng ra gì. Chị ra chợ cũng vậy, gặp ai cũng kể chuyện thằng A chuẩn bị đi lên Hà Nội, mua cái này cái kia cho nó mang đi. Có lần chị gặp mẹ B cũng ra chợ mua đồ, mẹ B thấy chị liền lấy nón che mặt. Gặp mẹ B, chị hàng thịt cũng hỏi, chị hàng rau cũng hỏi, dù biết mười mươi là B đã trượt, chỉ để cho mẹ B đau đớn hơn.

Khi biết tin B trượt, bố B hoảng loạn, khủng bố tinh thần B gần như mỗi ngày. Bố B lên cơ quan là vô phòng riêng, không nói không cười với ai. Mẹ B thì đóng cửa, không sang giao lưu với hàng xóm. Trong nhà là tiếng chì chiết, tiếng khóc than. Chị nói nội ngoại 2 bên cũng sang, mắng B là đồ vô tích sự, đồ bã đậu, nhục nhã cho dòng họ, và lôi A ra để làm ví dụ. Chị nói cơn bực tức lên tới đỉnh điểm khi mẹ B bảo mày qua nhà thằng A “mà đội quần nó“, mấy người cạnh nhà nghe lén rồi sang kể cho chị nghe. Chị nói lòng chị vui hết biết.

Chuyện không có gì là ầm ĩ nếu không phải cách đây 2 hôm, B ăn cắp mấy triệu đồng trong nhà, và bỏ nhà đi đâu mất. Bố mẹ B đang chạy dáo dác đi tìm nhưng vẫn chưa rõ tung tích. Chị tình cờ đọc được bài viết “cái chết của Chu du” trên TnBS, về thói đố kỵ và cảm thấy mình có lỗi, nên viết thư kể lại cho Tony nghe.

Tony xin phép thưa với chị như thế này. So sánh chưa bao giờ là phương pháp tốt trong giáo dục. Người ta chỉ sử dụng kế “khích tướng” trong trường hợp rất đặc biệt, nếu không sẽ gây tác hại kinh hoàng. Không ai được phép làm tổn thương những đứa trẻ mười mấy tuổi như vậy. Giáo dục với lối so sánh, xếp loại thủ khoa, á khoa, chót bảng là sai, thời phong kiến với lối Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa, giờ văn minh rồi, sao lại vẫn lấy tiêu chuẩn xưa để xếp?

Trong một lớp 40 bạn, cứ cuối tháng cuối năm, giả sử bạn A đứng nhất lớp, bạn Z đứng 40/40, thì sẽ gây ra hiện tượng A bị bệnh chảnh, cảm thấy mình giỏi hơn người, sau này khó thành công, giỏi trong lớp đó chẳng có ý nghĩa gì cả. Còn bạn Z cứ bị xếp 40/40, dần dần sẽ mặc cảm, thấy mình vô dụng và bỏ học. Bạn Tony từ cấp 1, cấp 2, những bạn bị xếp loại như vậy đều bỏ học ở nhà nửa chừng để đi gánh lúa, vì nghĩ là mình không học được. Một giáo dục nhân văn phải XOÁ BỎ ngay hình thức xếp loại này, vì sẽ làm tổn thương các đứa trẻ.

Ở Nhật Bản và Hàn Quốc, mặc dù rất tiên tiến nhưng giáo dục ở đây vẫn bị ảnh hưởng tư tưởng hơn thua của người phương Đông. Nhiều bạn trẻ Hàn Quốc đã phải tự tử vì không chịu nổi áp lực so sánh với bạn bè, theo những tiêu chuẩn thành công gì đó của cha mẹ muốn. Trong khi một đứa trẻ khác nhau là khác nhau, 7 tỷ dân trên quả đất không ai có y hệt dấu vân tay, y hệt cấu trúc gen. Đứa có 2 tỷ nơ-ron thần kinh và đứa chỉ có 1 tỷ, đứa cao đứa thấp, đứa trắng đứa đen. Trời đất đã sinh ra chúng khác nhau, hà cớ gì chỉ lấy một tiêu chuẩn để xếp loại?

B không giải được bài toán đại số đó nhưng nó có giọng hát thiên phú, nó hoàn toàn có thể kiếm tiền từ đó. D không hiểu vì sao phải đạo hàm hay vẽ đồ thị f(x3) nhưng nó có thể chạy 20km không mệt. Thì hãy tôn trọng từng cá thể, vốn sinh ra công bằng dưới trời đất này. Đừng bao giờ so sánh chúng với ai, và chúng ta cũng vậy. Giàu, nghèo, thành đạt, hạnh phúc, …chỉ là những khái niệm ĐỊNH TÍNH, vô tận vô cùng. Tôi có 3 tỷ là giàu nhưng anh kia nói chỉ có 1 trăm triệu là vương giả, năm sau tôi đạt được mức trên và giàu có bây giờ phải 10 tỷ. Khi mới sinh ra, 1 đứa trẻ biết không tè không ị vô quần là thành đạt. Và phấn đấu đua tranh ganh ghét người khác cả đời, đến 90 tuổi mới nhận ra thành đạt cũng chỉ là tự chủ trong tiêu tiểu.

Tôi là Nguyễn văn B, tôi có những giá trị riêng của tôi, “giá trị Nguyễn Văn B”. Cái câu Tony nghe cửa miệng của nhiều người “nhìn lên thì không bằng ai, nhìn xuống cũng không ai bằng mình” là một triết lý hết sức nhảm nhí của người châu Á.

Đường mình mình đi, mắc mớ gì cứ nhìn với ngó?


Có lần Nguyễn Du gặp một cô gái tên Cúc, có nhan sắc và giỏi thơ nhạc hoạ, Cúc lớn tuổi rồi mà vẫn chưa chồng, nên ông ghẹo "Trăm hoa đua nở mùa xuân. Cớ sao cúc lại muộn màng về thu". Ngay lập tức, cô Cúc đáp "Cũng vì tham chút nhuỵ vàng. Cho nên Cúc phải muộn màng về thu". Nguyễn Du im lặng, vì cô gái đã dùng "một chút tham" để giải thích hiện tượng hoa cúc nở vào mùa thu và cũng giải thích cho chính mình. Tham dường như là một đề tài quá lớn cho nhân loại. Theo từ điển thì tham có nghĩa là "muốn có thêm", như tham tiền, tham sắc, tham quyền, tham danh, tham lợi, tham ăn,... Người ta xem "tham" là chân ga để đẩy chiếc xe đi, không có nó, xe không chạy được. Nhưng cũng có một cái chân phanh (chân thắng) để hãm bớt, nếu không sẽ gây tai nạn. Những người ngã ngựa trong nhân loại xưa nay, đều bỏ quên chân phanh này. 

Nguyễn Công Trứ là một trí thức tài năng bậc nhất của lịch sử Việt, gắn liền với những bài thơ chí lớn ngút ngàn và những lần khai hoang lấn biển, lập nên những huyện rộng lớn như Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) hay Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình), những lần công tác ở An Giang hay Quảng Ngãi hay Thừa Thiên Huế, một đời lên voi xuống chó, những lúc hiển hách nhất và những lúc tủi nhục nhất đều nếm trải. Ông viết "Thế thái nhân tình gớm chết thay. Lạt nồng trông chiếc túi vơi đầy. Hễ không điều lợi, khôn thành dại. Ðã có đồng tiền, dở cũng hay!". Ông viết "10 ông đáo tụng đình (tức liên quan pháp luật) thì 8 ông tham tiền, một ông tham sắc, một ông tham danh", nên ông đã từ bỏ tất cả, về quê, cưỡi bò vàng đeo lục lạc, ngất ngưỡng rong chơi mỗi chiều. Quan hệ người-người tan vỡ, cũng đại đa số là do tham. 

“Dò sông dò biển dễ dò, nào ai lấy thước để đo lòng người“. Nhưng thử lấy tiền ra đo, một số lòng người đo được bằng tiền. Nhiều người có thể giữ mình ở mức vài ba triệu, nhưng có thể thay đổi trước vài ba tỷ. Nhưng cũng có kẻ trước tiền bạc không hề gục ngã, vẫn giữ vững giá trị và bản lĩnh của mình. Tiền bạc là chủ đề rất khó, nên các bạn trẻ cần chuẩn bị một thái độ ứng xử phù hợp để có thể bắt nó làm nô lệ, làm phương tiện để mình đạt được mission của cuộc đời. Nếu không, nó sẽ trở thành ông chủ, sai khiến mình, khiến mình khổ miết. Rồi lúc chết đi, mới giở nắp quan tài thều thào nói lời cuối, rằng “ngày xưa tui biết tiền chết không mang theo được như vầy thì tui đã khác. Nói xong đóng nắp quan tài lại rồi chết” (trích tác phẩm “một cái chết dễ thương”-TnBS xuất bản năm 2016).

Mình có một người bạn học chung cấp 1, sau đó chuyển trường. Bẵng bao năm mất liên lạc, bạn ấy tự tìm đến. Lúc đó mình vừa mở công ty. Bạn đến kể chuyện hoàn cảnh phải nghỉ học ra sao. Mình giữ lại nhà chơi, 3 ngày đãi tiệc nhỏ, 5 ngày đãi tiệc lớn, hướng dẫn và cho bạn làm thủ quỹ công ty. Mình đi cả ngày, có một người thân tín quen biết từ lâu giữ tiền giùm thì cũng yên tâm. Đi thu tiền khách hàng, lần nào cũng bình thường, vài ba triệu, bạn đem về đầy đủ. Có lần bạn thu 50 triệu, chiều đó mọi người trong công ty ngồi đợi mãi. Rồi bạn về rất khuya, bảo là bị rớt mất lúc đổ xăng, thề thốt khóc lóc um sùm, viết giấy cam kết sẽ trả lại, và tới giờ không liên hệ lại. Mình mất ngủ cả mấy đêm cân nhắc cách giải quyết, vì biết bạn dùng số tiền đó để đổi lấy xe tay ga bạn hằng ao ước. Cuối cùng thì mình quyết định không làm lớn chuyện, nhắn tin bỏ qua cho bạn ấy luôn, vì giá trị của bạn ấy chỉ là 50 triệu. Đúng mức giá ấy, bạn đã bán mình. May mắn là mình chỉ mất 50 triệu chứ sau này doanh thu công ty lên mấy trăm tỷ, không biết ra sao. Lòng thì rất buồn vì mất bạn hơn là mất tiền, vì tiền thì kiếm lại được dễ hơn. 

Lúc thành lập 30 nhóm tình nguyện "thu mua nông sản miền núi, tập kinh doanh, lãi dùng mua áo ấm cho trẻ em vùng cao", có nhiều chuyện rất vui, vì lòi ra bản chất của rất nhiều người. Có bạn đến với chương trình với tâm rất sáng, vài triệu tiền lãi thì nộp vô nhóm ngay, nhưng thấy lãi 20 triệu trong 1 tuần thì nghĩ khác, vội vã rời nhóm để tự kinh doanh, tự kiếm lợi cho cá nhân mình ngay chứ ngu gì. Có nhóm say tiền nên ban tổ chức nói gì cũng không nghe, yêu cầu công khai tài chính là phớt lờ. Có nhóm kiếm được vài ba chục triệu thì tự ý “cho mỗi bạn 1 cặp vé về quê ăn tết, vì tiền này là công sức của chung”, "ít ra cũng có lợi đôi chút thay vì bỏ tiền túi". Có bạn thì lấy tiền nhận mua nho giùm rồi không chuyển hàng khiến nhóm kia khóc lóc. Dù các hiện tượng này chỉ là cá biệt trong 400 tình nguyện viên vô cùng tử tế, nhưng mới thấy, đụng tới tiền bạc, kẻ kém bản lĩnh chắc chắn thay đổi. Dù hôm trước nghe chuyện, người này sẽ phê bình người kia, nhưng đến khi có chút tiền trong tay, chính mình lại hành xử khác. 

Hàng chục lần cho ai đó mượn tiền, dù chỉ vài ba chục triệu, mình gọi lại thì không nghe máy, nhắn tin không trả lời, một đi không trở lại như dũng sĩ Kinh Kha qua sông Dịch Thủy. Cho mượn thì biết trước là đã mất, nên mình chuẩn bị tinh thần, không bị sốc gì cả. Và may mà mình sản xuất nấm rơm cũng có tiền, nấm rơm cứ tưới nước là “mọc lên như nấm”, chứ làm ăn khó thì cũng đã lao tới nhà chúng nó, sống mái một phen vì cục tiền kia. Sẽ xõa tóc rũ rượi trước thềm, lừng lững vô nhà, mắt trừng trừng đỏ lòm, miệng gầm gừ sùi bọt mép, sẽ ‘you will know my hand’ ngay. Từ đó, ai nhắn tin mượn tiền thì mình đều nói Yes, nhưng cho luôn, ví dụ bạn mượn 100 triệu thì cho quách nó 50 triệu, để giữ tình bạn, chứ mượn xong thì vừa mất tiền, vừa mất bạn. 

Nhiều người nói “nếu tôi trúng số độc đắc, tôi sẽ mua cái này cái kia cho người nghèo..” thì thực tế tới lúc đó mới biết được. Phần lớn lúc trúng xong sẽ suy nghĩ “nó nghèo kệ nó, tiền này của mình” nên sẽ dùng mua nhà mua cửa, đổi xe, đi du lịch,..những cái lợi cho bản thân mình thôi. Có người nói, nếu tôi thành tỷ phú, tôi sẽ vẫn là tôi…thì chỉ khi nào giàu có mới biết được có đúng hay không. Vì nhận thức, suy nghĩ và hành động SẼ THAY ĐỔI khi có tiền trong tay.

Mình có một chị bạn thân, chị có căn nhà ông bà để lại nhưng bị mất hết giấy tờ, giờ muốn có sổ hồng để bán phải truy lục rất khó, chồng chéo mấy chục người thừa kế ở nước ngoài phải từ chối tài sản thông qua hợp pháp hoá lãnh sự nên chị nghĩ chắc không bao giờ được. Chị thuê một ông luật sư, nói anh giúp em, em mà có căn nhà này coi như món tiền trên trời rơi xuống, em sẽ chia cho anh 1/3. Ông luật sư làm 2 năm mới xong giấy tờ. Có sổ hồng trong tay, có người trả giá căn nhà 300 tỷ nên chị thấy tiếc. Gặp mình, chị kể ối cái này dễ ẹt, chị tự làm cũng được, hồi đó chị ngu quá nên mới nhờ luật sư, trường hợp này dễ mà ông luật sư không nói. Chị chỉ đồng ý cho 100 triệu thôi. Ông luật sư này đâm đơn, thắng kiện vì văn tự rõ ràng. Chị gần như hoá điên, lảm nhảm cả ngày, dù ĐƯỢC 200 tỷ trong tay nhưng chị chẳng quan tâm vì mãi nghĩ đến việc đã MẤT 100 tỷ. “Đồng tiền đi liền khúc ruột“, cứ chiều chiều, chị kêu tài xế đánh xe Audi A8 chở chị ra bờ sông, vừa ngồi ăn mắc-ca vừa xoã tóc ngồi khóc đến sưng mắt. Khi hoàng hôn buông tím ngắt trên dòng sông, khi bìm bịp lẻ bạn kêu khắc khoải đến nao lòng, thì chị mới trở về biệt thự, chong đèn trả thù ông luật sư. Chị đã rửa hình của ông ấy ra, soi đèn led, lấy kim chọt, kiểu ếm bùa. Tối chị lấy kim chọt miệng thì sáng mai ông luật sư thức dậy, thấy miệng sưng vù. Tối chị chọt bụng thì ông luật sư đau bụng, chị chọt chân thì ông ấy bị đau chân, có bữa không biết chị chọt chỗ nào mà ông luật sư chỉ còn mạnh toán hoá, còn sinh lý thì yếu thôi là yếu.



Cho 1 đứa trẻ cấp 1 “con tự do làm những gì con thích đi”, thì phần lớn chúng sẽ ôm điện thoại, ipad hoặc truyện tranh hoặc tivi ngay lập tức. Cho 1 học sinh trung học “con thoải mái làm những điều con thích đi” thì chúng sẽ đi chơi game, cà phê, chạy xe máy trên phố la hét, thậm chí hút thuốc và thử những cái chúng tò mò. Cho một sinh viên “hãy làm điều bạn thích” thì đại đa số sẽ chọn yêu đương bồ bịch, nhậu, ngủ, đi chơi, cà phê, mua sắm, lướt mạng,….chứ ít ai chọn ngồi giải những phương trình dài ngoằng, những cuốn giáo trình khô khan, những sách chuyên môn dày cộm, những buổi thiện nguyện vì cộng đồng. Bạn cứ nhớ lại đi, thời đi học, hôm nào được nghỉ vì thầy cô ốm bệnh là cả lớp mừng rỡ, vì được đi chơi!

Với người non nớt, chưa có óc già dặn của sự trưởng thành “hãy làm điều bạn ưa thích” là cái bẫy của sự bất hạnh. Và với người hay nói những câu như “tôi ghét nhất là, tôi chúa ghét…” thì họ chắc chắn là nhóm người hành xử rất cảm tính, để cảm xúc chi phối nhiều. Nay yêu mai ghét, nay thích mai chán, nay ưa mai hết ưa…thì không có sự sâu sắc và đức tin vững vàng (nay tin mai hết tin gọi là mê tín, còn một người có đức tin trọn vẹn sẽ không thay đổi).

Nếu cho một người chỉ làm “những thứ tôi đam mê” thì đời họ sẽ xoay tròn như 1 cái đèn cù quân. Bạn có thể nhìn thấy quanh bạn, rất nhiều người, tuổi đã lớn nhưng chẳng có thành tựu gì như họ muốn, dù họ có năng lực.

Đam mê, với người non nớt, sẽ thay đổi xoành xoạch. Cấp 1 có khi ước mơ làm phi công nhưng lên cấp 2 lại muốn thành diễn viên ca sĩ, lên cấp 3 có khi muốn thành giáo viên giám đốc kỹ sư bác sĩ nhưng cuối cùng lại trở thành anh hùng bàn phím, sống ảo trên mạng bình luận dạo khắp nơi. Thấy người ta nói cái gì hay là mình vội vàng “đam mê”, vài bữa lại hết.

Đam mê là khái niệm chỉ dành cho người có đầu óc rất trưởng thành và nhận thức rất sâu, bản lĩnh rất vững, đức tin rất chân thành (người có tư chất).

Các bạn học sinh sinh viên nên đọc bài viết tuyệt hay này để biết mà chọn bạn mà chơi, khi ra đời thì biết chọn người hùn hạp làm ăn góp vốn cổ phần, về đời sống thì gái biết chọn chồng, trai biết chọn vợ. Lãnh đạo quản lý đọc để biết chọn nhân viên và người kế nghiệp.

PHẨM CHẤT vượt trội của mọi phẩm chất, cái cuối cùng để người ta chọn lựa chính là tính TRÁCH NHIỆM.

Không ai trong chúng ta có thể phủ nhận sự may mắn góp phần lớn trong vận mệnh mỗi người. Bệnh truyền nhiễm trong cơn đại dịch, có người bị lây có người không, dù ở chung với người nhiễm. Trong tích tắc, nhanh hơn hoặc chậm hơn vài giây, mình có thể thoát khỏi một tai nạn. Tình cờ gặp người nào đó, có thể thay đổi cả cuộc đời mình theo một hướng khác tốt đẹp. Có những bạn đến phỏng vấn xin việc, dù kém hơn các ứng viên khác nhưng nhà tuyển dụng nhận vô làm chỉ vì có “ngoại hình ưa nhìn” chứ không phải “đẹp”. Mình ra đời làm ăn, lúc khởi nghiệp không một xu dính túi, may mắn được đối tác cho nợ, khách hàng trả tiền trước...nên mới có vốn xoay sở, mới có cơ ngơi ngày nay. Ba lần bỏ quên Ipad trên xe taxi, 3 lần taxi đến tận nhà trả lại. Hôm đi sân bay, vì chuyến bay nửa đêm buồn ngủ, rớt cái ví toàn bộ tiền bạc giấy tờ, có đứa nhặt lại đi tìm đưa lại cho bằng được. Sự may mắn không phải từ trên trời rơi xuống, mà nó nguyên nhân.

Hồi còn trẻ, mới ra trường, sau khi đi làm 3 năm cho một hãng Nhật, mình bị sa thải vì công ty tái cơ cấu, dẹp ngành kinh doanh đó trên toàn thế giới. Rồi thất nghiệp vạ vật cả năm trời. Tiền bạc giật gấu vá vai. Nhiều lúc bất lực về đường lối mưu sinh, có lúc đang cầm cái ly nước trên tay muốn ném xuống đất cho nó vỡ tan. Người lúc nào cũng bức bối vì không làm ra tiền, không nghĩ ra được cái gì mới để có thể bứt phá. Đầu óc u u mê mê, nhìn thấy người ta có thành tựu này thành tựu kia, lòng buồn hết sức. Tự nhiên không muốn chơi hay muốn nói chuyện với ai. Ai nói gì mình cũng mặc cảm suy diễn và tự ái. Tự giam mình vô cái phòng trọ và máy tính. 

Một buổi tối nọ, vét những đồng cuối cùng, mình vào quán cà phê ở phố Tây ngồi nghe thử Tây nó nói cái gì, sao nước nó giàu có văn minh mấy trăm năm ắt hẳn phải có bí quyết. Bàn bên có 2 ông bà già người Pháp, thấy mình đang ngồi buồn nên ổng bà qua nói chuyện. Nói chuyện 1 hồi, mình mới kể sự tình, nói sao tao không may mắn gì cả. Tao đã thử mọi cách, vô đủ các chùa đền miếu mạo để cầu xin. Rồi cúng sao giải hạn, phong thủy trong nhà, xem bói tử vi...thì cũng kinh qua hết. Thậm chí bước chân phải hay chân trái trước mỗi sáng ra khỏi nhà tao cũng xem. Nhưng kém may mắn vẫn hoàn kém may mắn.

Nghe xong bà cười nói. Nếu mà may mắn chỉ đến từ xin xỏ, giành giật, cúng bái... thì các bộ lạc châu Phi đã phồn vinh hết. Bà nói, tôn giáo của mọi tôn giáo, quy luật của mọi quy luật là CAUSE AND EFFECT. Tức quy luật nguyên nhân-kết quả, hay gọi tắt là Nhân-Quả. Mày đã cho đi cái gì chưa mà đòi may mắn đến? 

Wow, mình bừng tỉnh. Bà nói, 2 vợ chồng tao về hưu từ lúc 50, đi lang thang chơi cho hết 1 đời phong lưu. Sinh ra trên trái đất này, giỏi lắm 100 năm là mày thành đất thành bụi, nên 50 năm đầu mày làm như điên, cho đi thật nhiều...rồi cuối đời còn lại mày hưởng, sung sướng 1 đời người đi. Mình liền hỏi, nhưng tao đâu có tiền mà cho? Bà nói, người cho đi không nghĩ thế. Ví dụ mày nên đi tình nguyện, hiến tạng, đặc biệt là hiến máu nhân đạo, phải thay máu để refresh máu mới. CHO ĐI. ĐÓ LÀ BÍ MẬT CỦA SỰ MAY MẮN. 

Mình chợt nhớ từ nhỏ, mọi người trong gia đình dặn là tuyệt đối không được hiến máu. Máu không được cho ai, “cho đi là mất” mà sao bà này nói ngược vậy. “Cho đi là nhận lại” là một khái niệm quá xa lạ lúc đó. Mới gân cổ lên cãi. Ông già mới từ tốn giải thích, cơ thể mình có khoảng 7.9 lít máu. Khoảng 3 lít nằm trong các mô, tế bào, cơ quan...còn lại là lưu thông theo hệ tuần hoàn, chảy 1 vòng qua tim. Giống như cái bình nước ấy. Mày ù lì, không vận động thì nước sẽ chảy chầm chậm, vận chuyển ô xy đến các tế bào rất ít, không sáng suốt được. Nên mày phải vận động. Thứ 2 là máu là thứ được tạo ra nếu mất đi, nên mày cứ giữ máu cũ miết, thì ùn ứ trong đó. Mày nên thay máu 1 chút, cho đi 200ml hoặc 350ml cứ mỗi 6 tháng, tạo cơ hội cho các tuyến tạo ra máu hoạt động. Máu của mày sẽ đến với  người cần nó, mày đã làm 1 nghĩa cử cao đẹp, một hành động cho đi. Sự "cho đi" có tính tâm linh rất lớn. Mọi sự "cho đi" đều được tích lũy thành năng lượng vô hình. Khi mày cho đi, gương mặt nó sẽ khác. Ánh mắt nó sẽ khác, phong thái, mọi thứ sẽ khác. Và lúc đó, may mắn tự tìm đến với mày. 

Nhưng mình lại hỏi, máu ít sáng tạo, máu lười, máu thụ động...của mình hẻm lẽ chuyển cho người khác? Ông mới cười bảo rằng, cũ là cũ với mày, nhưng với mới với cơ thể mới. Cơ thể con người rất kỳ diệu, nó sẽ tiếp nhận có chọn lọc, cải tạo để hòa hợp. Tony chẳng tin, nói chung là nhát gan, và ích kỷ tiểu nông vẫn còn nặng. Ngu gì cho. Lấy vô không được thì thôi chứ mắc gì cho, cho cho cái con khỉ. Nghĩ đến ống kim đưa vào tay đã sợ. Chích thuốc còn hãi nữa là. Nhưng 1 tháng trôi qua, sự bức bí về mưu kế sinh nhai nó khủng khiếp. Một buổi chiều nọ, buồn quá nên quyết định đi cho máu, xả máu ngu máu xui xẻo cho rồi. Khi đến nơi và nằm trên ghế rồi, mới thấy mình dại. Thế rồi lỡ, tới rồi cũng phải cho chứ hẻm lẽ bỏ về. Đâu phải nhạc sĩ Vũ Hoàng đâu mà "giữa giờ chơi, mang đến lại mang về"? (Chán bác này quá, đã lỡ mang đến thì "chơi" luôn cho nó phóng khoáng chứ "mang về" làm gì). 

Lúc nằm hiến, tay bóp bóp để máu ra mà lòng đau như cắt, suy nghĩ miên man. Xách mấy hộp sữa về, nói đây là lần cuối mình có một hành động dại dột như thế này. Mình sẽ nghĩ là cho máu về rất là mệt, nhưng cũng không cảm thấy gì. Hút 1 lèo hết 5 hộp sữa, rồi cái ngủ. Chờ sáng mai, coi thử may mắn có đến không. Không có là i meo qua ông bà người Pháp chửi. Một thời sửu nhi, non nớt về trí tuệ. Động chút là chửi, không có lợi là chửi. 

Một tuần trôi qua, may mắn không thấy đâu. Đi phỏng vấn công ty nào rớt công ty đó. Mở hộp mail ra thì trường bên Tây gửi thư từ chối, không cho học bổng. Chỉ có một trường bên Hà Lan nói là đang xem xét hồ sơ của mày, mày vui lòng đợi. Đọc cái tự nhiên nảy ra, hay là mình lấy giấy chứng nhận hiến máu (sổ đỏ) scan rồi nộp cho nó. Miếng giấy màu đỏ không có ghi tiếng Anh nên mình phải dịch ra, xong gửi. Nhưng cũng chẳng hy vọng gì. Nhận được thư từ chối miết đã quen rồi. Nhưng câu cú viết ra có vẻ thông minh hơn chút, chắc là do có máu mới lên não. (Giấy chứng nhận hiến máu có màu đỏ, nên mình gọi là sổ đỏ. Ai càng nhiều "sổ đỏ" này thì càng hào sảng, còn nhiều sổ đỏ đất đai, thì càng tham)

Đúng 1 tuần sau, email của trường gửi về, nói tụi tao sau khi cân nhắc, đồng ý cấp cho mày 1 học bổng toàn phần, gồm cả ăn ở, đi lại kể cả vé máy bay từ VN qua, mày lên Sở Tư Pháp làm Lý Lịch Tư Pháp để chuẩn bị xin visa. Ước mơ qua Hà Lan gặp cô gái Hà Lan để "vắt sữa cô ấy" đã trở thành hiện thực....

1. Lớn lên từ văn hoá lúa nước cổ truyền với tâm lý sợ ma và cúng kính rất nhiều, mình đã quá quen với việc cúng. Làm cái gì cũng cúng cũng xin. Nhưng cũng có cái thành, nhiều cái không thành. Sau này mình chuyển qua làm từ thiện, giúp đời, và thấy mọi thứ đều tốt đẹp. Từ đó, đổi nhận thức, thấy việc cúng kính kiểu cũ không phù hợp với cá nhân mình. Ngoại trừ đám giỗ với ý nghĩa là một buổi gặp mặt quây quần của người thân, cúng không quan trọng bằng gặp, chủ yếu để hàn huyên ôn lại sinh thời của cha mẹ ông bà, thường sắp xếp vào ngày phù hợp gần ngày mất nhất của họ chứ không cần phải chính xác 100% vào ngày đó. Còn lại các hình thức cúng kính khác, mình đã bỏ. 
Ngẫm thử xem. Bạn nghĩ là thần thánh sẽ đi ăn mấy con vịt quay heo quay còn nguyên đầu nguyên đuôi rồi mấy lon bia nước ngọt của mình không? Giả sử những người khuất mặt đó là có thật, thì họ cũng cao quý thanh thoát, đâu thể phàm phu tục tử mà xúm xít ngồi ăn những vật chất có thật của mình bày ra rồi "phải trả",  đại loại "ăn rồi thì phải giúp tôi", tư duy trả giá đổi chác rất chợ trời. Nếu cúng kính mà văn minh phồn thịnh thì các bộ lạc ở châu Phi hay trong rừng rậm Amazon đã dẫn đầu thế giới. Các nước Bắc Âu không có cúng kính gì mà vẫn như thiên đường đấy thôi. Họ tin nhau, tin vào có sự sắp đặt của vũ trụ, tin vào nhân-quả. Mọi thứ đều bắt đầu từ những suy nghĩ thiện lành về người khác, những cầu mong thật sự cho người khác được tốt đẹp, những gì mình bỏ ra (tiền bạc, công sức...) để giúp người. Và tự dưng, may mắn! 
Thay vì đốt nhang quá nhiều tạo khói độc hại ra môi trường, chen lấn để cầu xin nguy cơ lây lan bệnh tật, hãy tự mình làm những việc thiện, giúp người. Đó là cách cầu xin may mắn một cách chân thành nhất. Ngày vía thần tài cũng chỉ là do những người bán vàng từ thời kinh thành Thăng Long xưa nghĩ ra, và họ đã cho người nhà làm chim mồi xếp hàng tranh nhau mua, để dụ đám đông thấy ham lợi và lao vào. Ngàn năm vẫn 1 bài đó, nhiều người biết nhưng thấy người ta mua thì cũng mua theo, và chẳng ai thấy may mắn tài lộc gì ngoài việc lỗ ngay sau đó. Nhắc lại, thánh thần, nếu có, cũng không thể ăn những thứ mình cho là ngon, mình cúng thật ra là cho mình ăn mà lại được suy nghĩ là "cho hối lộ thánh thần". Đã là bậc siêu hình rồi mà còn phàm tục ăn ăn uống uống sao đặng, đó chỉ là nhận thức nhất thời thôi. Mà nhận thức thì có thể thay đổi theo hướng tiến bộ, hôm nay mình bỏ ý nghĩ và cách làm, quan niệm của hôm qua. 
Thế hệ trẻ cần phải nghĩ khác, làm khác. Hiến máu, hiến tạng, quyên góp tiền gửi đồng bào vùng sâu, mua bồn nước tặng đồng bào vùng cao, mua hạt giống tặng nhà nông nghèo, mua nông sản gửi các bếp ăn các bệnh viện đa khoa tỉnh, không nói điểm xấu của người khác, không ganh tỵ sân si vì người khác hơn mình, người khác có mà mình không có.... thì đã thực hiện được "là một người tốt" rồi. 
Cho đi, đúng người hay không đúng người không quan trọng, vì ranh giới mong manh, nay đúng mai sai, quan trọng là mình đã cho đi. Chẳng cần phải cúng sao giải hạn, những vị tinh tú trên trời chẳng thể xuống ăn mấy cái thực phẩm và cho mình thoát hạn. Vận mệnh mỗi người là do người đó tự tạo ra. Nghĩ thiện, làm thiện thì may mắn, hạnh phúc, phồn thịnh, văn minh, sang trọng. 
2. Mọi tôn giáo, cuối cùng cũng giống nhau. Đó là chỗ dựa cho đức tin vào chính thiện lương của lòng mình. Mình lương thiện, và người khác cũng thế. Có thể có lúc họ vì cám dỗ vì tiền hay quyền lực hay tình cảm mà cư xử chưa phải, nhưng rồi họ vẫn sẽ nhận ra và thiện lương về sau. 
Khoan nói người đời, bàn về người khác. Giả sử họ xấu thì họ cũng đã chấp nhận đánh đổi trả giá vận mệnh của họ rồi. Còn họ tốt, thiện thì họ hưởng. Cho đi, đúng người hay không đúng người không quan trọng, quan trọng là mình đã cho đi. Họ nhận xong rồi vứt, hoặc xài hoang phí hay chửi mình thậm tệ cũng được, đã cho là chuyển quyền sở hữu rồi, không quan tâm nữa. Việc "đúng người đúng chỗ" là cái vô chừng, mình nghĩ đúng thì chưa chắc đã đúng và ngược lại. Cứ mạnh dạn rút bớt sự sở hữu cá nhân của mình cho người khác, để bản thân mình có 1 thói quen CHO ĐI. 
Mình tự sửa mình trước. Đừng sợ ma nữa, đó là những tâm lý rất cũ kỹ khiến mình không dám đi đâu xa, không hội nhập được, không làm ăn được, cứ sợ sợ riết cái gan mình nó teo lại, uổng phí 1 đời. Giả sử có ma thật, thì họ cũng chẳng giết mình (ma giết người là chưa có tiền lệ, chỉ có người hại người), mình có đóng kín cửa thì con ma vẫn bay vào được, mình trùm chăn trùm mền thì nó vẫn mò tới nằm cạnh. Mình tắt nước thì nó bật, mình bật đèn thì nó tắt, nó vô hình mà, chặn thế nào được? Nên cứ giúp người, có khi ma nó còn quay lại giúp mình, vô nhà tắm chưa kịp bật nước nó đã bật giúp cho! Kệ nó, enjoy thôi! Oai phong lẫm liệt dũng cảm can trường cho ma nó sợ mình đi. 
Năm nay, thay vì bỏ tiền ra cúng sao giải hạn, hãy ghé bệnh viện gửi số tiền đó cho bếp ăn từ thiện.Đừng có sợ người ta ăn chặn, cứ nghĩ tiêu cực vậy rồi nó chặn đứng mọi ý nghĩ thiện trong lòng mình. Chưa gì đã nghĩ ác về người khác sao được. Cứ cho đi. Còn họ nếu sai thì họ tự nhận hậu quả. Mình cho, là quên. 
Cứ 6 tháng 1 năm, "cúng" 1 ít máu của mình cho y học. Máu nhiễm siêu vi B thì ghé hiến tạng, chẳng may qua đời thì y học có cái để giúp người. Hoặc gửi tiền cho trại trẻ mồ côi, rút tiền cho người tàn tật trong xã hội, họ không lành lặn để làm tiền như mình. 
Không cần cúng kính cầu xin ông thần ông Bụt nào giúp mình, mình hoàn toàn có thể trở thành những ông Bụt giữa đời thường nếu mạnh dạn DÁM MẤT, tức bớt cái mình sở hữu. Không dám cho đi là do mình còn quá THAM đấy thôi. Mình không may mắn, có cuộc sống như ý là do mình ích kỷ đấy thôi!
CÁC BẠN NÊN NHỚ, ĐẠO TRỜI LÀ BÙ VÔ CHỖ THIẾU (GIÚP NGƯỜI CÓ ÍT CƠ HỘI,  ÍT TIỀN, ÍT SỨC HAY ÍT TRÍ). NÊN MÌNH CHỌN CÁCH SỐNG SAO ĐÓ MÀ BÙ VÔ CHỖ THIẾU TỨC ĐÃ THUẬN THIÊN, TỰ KHẮC MÌNH SẼ ĐƯỢC MỌI THỨ.

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget