Có lần Nguyễn Du gặp một cô gái tên Cúc, có nhan sắc và giỏi thơ nhạc hoạ, Cúc lớn tuổi rồi mà vẫn chưa chồng, nên ông ghẹo "Trăm hoa đua nở mùa xuân. Cớ sao cúc lại muộn màng về thu". Ngay lập tức, cô Cúc đáp "Cũng vì tham chút nhuỵ vàng. Cho nên Cúc phải muộn màng về thu". Nguyễn Du im lặng, vì cô gái đã dùng "một chút tham" để giải thích hiện tượng hoa cúc nở vào mùa thu và cũng giải thích cho chính mình. Tham dường như là một đề tài quá lớn cho nhân loại. Theo từ điển thì tham có nghĩa là "muốn có thêm", như tham tiền, tham sắc, tham quyền, tham danh, tham lợi, tham ăn,... Người ta xem "tham" là chân ga để đẩy chiếc xe đi, không có nó, xe không chạy được. Nhưng cũng có một cái chân phanh (chân thắng) để hãm bớt, nếu không sẽ gây tai nạn. Những người ngã ngựa trong nhân loại xưa nay, đều bỏ quên chân phanh này.
Nguyễn Công Trứ là một trí thức tài năng bậc nhất của lịch sử Việt, gắn liền với những bài thơ chí lớn ngút ngàn và những lần khai hoang lấn biển, lập nên những huyện rộng lớn như Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) hay Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình), những lần công tác ở An Giang hay Quảng Ngãi hay Thừa Thiên Huế, một đời lên voi xuống chó, những lúc hiển hách nhất và những lúc tủi nhục nhất đều nếm trải. Ông viết "Thế thái nhân tình gớm chết thay. Lạt nồng trông chiếc túi vơi đầy. Hễ không điều lợi, khôn thành dại. Ðã có đồng tiền, dở cũng hay!". Ông viết "10 ông đáo tụng đình (tức liên quan pháp luật) thì 8 ông tham tiền, một ông tham sắc, một ông tham danh", nên ông đã từ bỏ tất cả, về quê, cưỡi bò vàng đeo lục lạc, ngất ngưỡng rong chơi mỗi chiều. Quan hệ người-người tan vỡ, cũng đại đa số là do tham.
“Dò sông dò biển dễ dò, nào ai lấy thước để đo lòng người“. Nhưng thử lấy tiền ra đo, một số lòng người đo được bằng tiền. Nhiều người có thể giữ mình ở mức vài ba triệu, nhưng có thể thay đổi trước vài ba tỷ. Nhưng cũng có kẻ trước tiền bạc không hề gục ngã, vẫn giữ vững giá trị và bản lĩnh của mình. Tiền bạc là chủ đề rất khó, nên các bạn trẻ cần chuẩn bị một thái độ ứng xử phù hợp để có thể bắt nó làm nô lệ, làm phương tiện để mình đạt được mission của cuộc đời. Nếu không, nó sẽ trở thành ông chủ, sai khiến mình, khiến mình khổ miết. Rồi lúc chết đi, mới giở nắp quan tài thều thào nói lời cuối, rằng “ngày xưa tui biết tiền chết không mang theo được như vầy thì tui đã khác. Nói xong đóng nắp quan tài lại rồi chết” (trích tác phẩm “một cái chết dễ thương”-TnBS xuất bản năm 2016).
Mình có một người bạn học chung cấp 1, sau đó chuyển trường. Bẵng bao năm mất liên lạc, bạn ấy tự tìm đến. Lúc đó mình vừa mở công ty. Bạn đến kể chuyện hoàn cảnh phải nghỉ học ra sao. Mình giữ lại nhà chơi, 3 ngày đãi tiệc nhỏ, 5 ngày đãi tiệc lớn, hướng dẫn và cho bạn làm thủ quỹ công ty. Mình đi cả ngày, có một người thân tín quen biết từ lâu giữ tiền giùm thì cũng yên tâm. Đi thu tiền khách hàng, lần nào cũng bình thường, vài ba triệu, bạn đem về đầy đủ. Có lần bạn thu 50 triệu, chiều đó mọi người trong công ty ngồi đợi mãi. Rồi bạn về rất khuya, bảo là bị rớt mất lúc đổ xăng, thề thốt khóc lóc um sùm, viết giấy cam kết sẽ trả lại, và tới giờ không liên hệ lại. Mình mất ngủ cả mấy đêm cân nhắc cách giải quyết, vì biết bạn dùng số tiền đó để đổi lấy xe tay ga bạn hằng ao ước. Cuối cùng thì mình quyết định không làm lớn chuyện, nhắn tin bỏ qua cho bạn ấy luôn, vì giá trị của bạn ấy chỉ là 50 triệu. Đúng mức giá ấy, bạn đã bán mình. May mắn là mình chỉ mất 50 triệu chứ sau này doanh thu công ty lên mấy trăm tỷ, không biết ra sao. Lòng thì rất buồn vì mất bạn hơn là mất tiền, vì tiền thì kiếm lại được dễ hơn.Lúc thành lập 30 nhóm tình nguyện "thu mua nông sản miền núi, tập kinh doanh, lãi dùng mua áo ấm cho trẻ em vùng cao", có nhiều chuyện rất vui, vì lòi ra bản chất của rất nhiều người. Có bạn đến với chương trình với tâm rất sáng, vài triệu tiền lãi thì nộp vô nhóm ngay, nhưng thấy lãi 20 triệu trong 1 tuần thì nghĩ khác, vội vã rời nhóm để tự kinh doanh, tự kiếm lợi cho cá nhân mình ngay chứ ngu gì. Có nhóm say tiền nên ban tổ chức nói gì cũng không nghe, yêu cầu công khai tài chính là phớt lờ. Có nhóm kiếm được vài ba chục triệu thì tự ý “cho mỗi bạn 1 cặp vé về quê ăn tết, vì tiền này là công sức của chung”, "ít ra cũng có lợi đôi chút thay vì bỏ tiền túi". Có bạn thì lấy tiền nhận mua nho giùm rồi không chuyển hàng khiến nhóm kia khóc lóc. Dù các hiện tượng này chỉ là cá biệt trong 400 tình nguyện viên vô cùng tử tế, nhưng mới thấy, đụng tới tiền bạc, kẻ kém bản lĩnh chắc chắn thay đổi. Dù hôm trước nghe chuyện, người này sẽ phê bình người kia, nhưng đến khi có chút tiền trong tay, chính mình lại hành xử khác.
Hàng chục lần cho ai đó mượn tiền, dù chỉ vài ba chục triệu, mình gọi lại thì không nghe máy, nhắn tin không trả lời, một đi không trở lại như dũng sĩ Kinh Kha qua sông Dịch Thủy. Cho mượn thì biết trước là đã mất, nên mình chuẩn bị tinh thần, không bị sốc gì cả. Và may mà mình sản xuất nấm rơm cũng có tiền, nấm rơm cứ tưới nước là “mọc lên như nấm”, chứ làm ăn khó thì cũng đã lao tới nhà chúng nó, sống mái một phen vì cục tiền kia. Sẽ xõa tóc rũ rượi trước thềm, lừng lững vô nhà, mắt trừng trừng đỏ lòm, miệng gầm gừ sùi bọt mép, sẽ ‘you will know my hand’ ngay. Từ đó, ai nhắn tin mượn tiền thì mình đều nói Yes, nhưng cho luôn, ví dụ bạn mượn 100 triệu thì cho quách nó 50 triệu, để giữ tình bạn, chứ mượn xong thì vừa mất tiền, vừa mất bạn.
Nhiều người nói “nếu tôi trúng số độc đắc, tôi sẽ mua cái này cái kia cho người nghèo..” thì thực tế tới lúc đó mới biết được. Phần lớn lúc trúng xong sẽ suy nghĩ “nó nghèo kệ nó, tiền này của mình” nên sẽ dùng mua nhà mua cửa, đổi xe, đi du lịch,..những cái lợi cho bản thân mình thôi. Có người nói, nếu tôi thành tỷ phú, tôi sẽ vẫn là tôi…thì chỉ khi nào giàu có mới biết được có đúng hay không. Vì nhận thức, suy nghĩ và hành động SẼ THAY ĐỔI khi có tiền trong tay.
Mình có một chị bạn thân, chị có căn nhà ông bà để lại nhưng bị mất hết giấy tờ, giờ muốn có sổ hồng để bán phải truy lục rất khó, chồng chéo mấy chục người thừa kế ở nước ngoài phải từ chối tài sản thông qua hợp pháp hoá lãnh sự nên chị nghĩ chắc không bao giờ được. Chị thuê một ông luật sư, nói anh giúp em, em mà có căn nhà này coi như món tiền trên trời rơi xuống, em sẽ chia cho anh 1/3. Ông luật sư làm 2 năm mới xong giấy tờ. Có sổ hồng trong tay, có người trả giá căn nhà 300 tỷ nên chị thấy tiếc. Gặp mình, chị kể ối cái này dễ ẹt, chị tự làm cũng được, hồi đó chị ngu quá nên mới nhờ luật sư, trường hợp này dễ mà ông luật sư không nói. Chị chỉ đồng ý cho 100 triệu thôi. Ông luật sư này đâm đơn, thắng kiện vì văn tự rõ ràng. Chị gần như hoá điên, lảm nhảm cả ngày, dù ĐƯỢC 200 tỷ trong tay nhưng chị chẳng quan tâm vì mãi nghĩ đến việc đã MẤT 100 tỷ. “Đồng tiền đi liền khúc ruột“, cứ chiều chiều, chị kêu tài xế đánh xe Audi A8 chở chị ra bờ sông, vừa ngồi ăn mắc-ca vừa xoã tóc ngồi khóc đến sưng mắt. Khi hoàng hôn buông tím ngắt trên dòng sông, khi bìm bịp lẻ bạn kêu khắc khoải đến nao lòng, thì chị mới trở về biệt thự, chong đèn trả thù ông luật sư. Chị đã rửa hình của ông ấy ra, soi đèn led, lấy kim chọt, kiểu ếm bùa. Tối chị lấy kim chọt miệng thì sáng mai ông luật sư thức dậy, thấy miệng sưng vù. Tối chị chọt bụng thì ông luật sư đau bụng, chị chọt chân thì ông ấy bị đau chân, có bữa không biết chị chọt chỗ nào mà ông luật sư chỉ còn mạnh toán hoá, còn sinh lý thì yếu thôi là yếu.
1. Trong một giai đoạn lịch sử, sẽ xuất hiện những nhân vật có cá tính cực mạnh, chí cực lớn, đưa nền kinh tế đất nước đó lên 1 tầm cao, người ta gọi nhà tư bản dân tộc, trên mức doanh nhân. Thiếu họ, đất nước đó sẽ mãi trong bẫy thu nhập trung bình. Nước nào càng nhiều người có tầm vóc lớn thì nước đó càng nhanh chóng phát triển về kinh tế, kéo theo xã hội phát triển văn minh.
Ở châu Á trong lịch sử cận đại, chỉ có vài dân tộc có được điều này là Nhật, Hàn, Trung-Đài-Hongkong, Singapore, Qatar, UAE, Israel, Brunei, Malaysia. Các nước còn lại thoát nghèo được nhưng mãi không giàu. Bỏ xe đạp qua xe máy thì dễ, nhưng bỏ xe máy lên xe hơi thì chỉ một tỷ lệ nhỏ trong dân chúng thôi.
Nguyên nhân là do người an phận và nghĩ nhỏ ở các nước này quá đông, cùng nhau trò chuyện mỗi ngày những cái lặt vặt là kéo nhau xuống. Mọi thứ bắt nguồn từ văn hoá, đa phần xuất phát từ nông dân nghèo mấy ngàn năm nên cũng khó thay đổi đầu óc một sớm một chiều. Cha mẹ ông bà hướng dẫn con cháu họ nghĩ nhỏ, thầy cô cũng đào tạo theo hướng nghĩ nhỏ, an toàn, ăn chắc mặc bền (vì bản thân họ cũng thế). ĐH thì đào tạo theo hướng xin việc hoặc mưu sinh qua ngày nên khó đào tạo ra nhóm các nhà tư bản dân tộc như các nước đã tạo ra kỳ tích. Ví dụ như ở Philippines, khi đi học, thầy cô dạy “học tiếng Anh thật tốt vào để xin qua Mỹ qua Úc qua Canada làm, nếu không qua nổi mấy nước đó thì đi xin việc ở các nước khác, bản thân tôi (giáo viên, giáo sư) cũng dở nên phải ở đây, chứ có cơ hội là đi liền”. Cha mẹ ông bà không khuyến khích con mình đứng ra sản xuất kinh doanh gì, vì “nhức đầu mệt mỏi” (trừ cộng đồng người Hoa). Các trường dạy tiếng Anh ở Philippines nhiều nhưng chẳng có người gốc Phi nào là chủ cả, toàn là người từ Hàn, Nhật, Trung, Đài, Úc….sang mở. Nền giáo dục Phi (nhà trường lẫn gia đình) đều hướng đến việc đào tạo ra ca sĩ, giúp việc, thầy giáo tiếng Anh, y tá, công nhân,….để xuất khẩu lao động khắp thế giới, mỗi năm gửi về dăm ba chục tỷ đô la Mỹ mà đã cho là lớn lắm. Nguồn thu từ xuất khẩu lao động không bền vững vì họ không ưng là đuổi về nước, cá nằm trên thớt. Dân chúng thì mỗi việc dồn về vùng Metro Manila để kiếm việc làm, khiến giao thông khu này tắc nghẽn.
Ngược lại, giáo dục Hàn hay Israel thì hướng đến việc tạo ra các ông chủ bà chủ, họ nhập khẩu lao động từ các nước khác về, giao việc để tạo ra trăm tỷ, ngàn tỷ đô la cho nước họ. Cùng xuất phát điểm nghèo như nhau vào thập niên 50, cùng mở cửa thị trường tự do và là đồng minh thân thiết của châu Âu, Hoa Kỳ, nhưng Hàn Quốc (dân số 51 triệu) có tổng tài sản 1700 tỷ đô (GDP 2018) so với vỏn vẹn có 330 tỷ đô la Mỹ của 110 triệu người Philippines. Rất nhiều tập đoàn nhà máy Hàn Quốc ở Philippines và rất nhiều người Philippines đang làm thuê ở Hàn Quốc còn người Hàn Quốc thì làm chủ ở Philippines. Cốt lõi của sự phát triển kinh tế là do con người.
Nhà tư bản dân tộc là một khái niệm rất hay, nếu bạn trẻ nào có đầu óc tốt, có cá tính mạnh, có chí lớn…thì có thể mơ đến. Làm lớn để phụng sự quê hương, giúp đỡ muôn người (chứ không chỉ đem lại lợi ích cho cá nhân mình, gia đình mình) thì mới được gọi danh xưng này. Họ phải bỏ cái tôi cá nhân và đầu óc vặt vãnh để có thể làm cùng nhau. Không cổ phần, hùn vốn hùn trí thì không thể có doanh nghiệp lớn.
2. Một người, khi nghĩ khác và làm khác, sẽ có lời ong tiếng ve, tiếng chì tiếng bấc từ cộng đồng, từ những người vô danh hoặc không có thành tựu. Nếu còn để tâm đến họ là mình còn rất dở. Kệ họ. Sư tử không thể vì tiếng bàn tán tư vấn khuyên răn của con ong con ve mà điều chỉnh, cầu thị cho giống mấy con côn trùng. Con ong con ve tầm mắt chỉ có thế, khác nó là nó chê. Mình nghe theo, điều chỉnh theo mấy con đó thì không còn là sư tử nữa. Nếu đã chọn về quê hoặc 1 nơi xa xôi hẻo lánh nào đó để sản xuất khởi nghiệp, thì xách giỏ lên đường, nói phát làm luôn. Mình âm thầm làm, không hỏi ý kiến bất cứ ai. Ai nói khó, khuyên ngưng, bàn ra… là mình đứng dậy về liền. Cha mẹ mình mà bày mình cái nhỏ hay cái an toàn ổn định thì xin phép không nghe, đời họ nghèo khó vậy đủ rồi, thương thì thương nhưng tự sắp xếp đời mình, nghe theo họ rồi nghèo y chang họ. Hoặc có chút xíu xiu đã dừng cuộc chơi, chẳng có thành tựu gì thì phí một lần được sống.
Còn bạn bè hay người ngoài, do mình không kín miệng mà BỊ họ khuyên đấy thôi. Bạn bè là để đàn đúm lúc rảnh rỗi chứ có phải cổ đông đối tác đâu mà bàn chuyện cơ mật làm ăn, say sorry chuyển đề tài khác liền. Bất cứ ai không hỏi mà tò mò lao vô khuyên bảo, thì do sợ mình thành công. Họ có nhà máy xí nghiệp công ty trăm nhân sự doanh thu ngàn tỷ thì may ra còn để ý 1 chút, còn nếu họ chẳng có gì thì tư duy họ đã sai be bét rồi, cần gì nghe theo người không có gì trong tay? Nhóm người này thì dư thời gian và ưa khuyên răn lắm, càng kém hiểu biết thì càng ham khuyên, cốt để có chút giá trị. Họ nghĩ ai cũng như họ, họ không làm được thì cũng muốn chẳng ai làm được. Những người bàn lui đều có tâm thức như thế cả, có thể với vỏ bọc nguỵ ngôn là “tao thương nên khuyên mày đừng làm”.
3. Mình cứ son sắt sắt son. Âm thầm xách giỏ về nước về quê, triển khai nhà xưởng, bắt đầu bằng cái chảo rang ở 1 làng quê hẻo lánh như hàng ngàn bạn hiện nay. Nếu làm công ăn lương, về nước mà cũng đi xin việc ở Sài Gòn Hà Nội thì ở bển làm thuê luôn cho rồi, chứ về nước chi cạnh tranh việc làm với người trong nước. Về là triển khai chí lớn, giúp đỡ muôn người.
Cứ việc mình mình làm thôi. Ngày bận áo công nhân đeo găng tay vô sản xuất, đêm trang điểm lộng lẫy ngồi hát múa live stream bán hàng. Cứ không phạm pháp là mình làm, ai khinh bỉ kệ họ chứ, họ là ai trong cuộc đời này đâu. Mình tự sản xuất, tự bán hàng….cho đến khi tích luỹ vốn kha khá, nhân sự đông đông thì chia việc ra mà triển. Thành tựu sẽ phân loại người, không cần nói.
Hiện có rất nhiều bạn trẻ đầy khát vọng. Nhưng để làm được, thì bản thân mỗi người đầu tiên phải là người thích nghi tốt, nếm mật nằm gai vẫn vui vẻ, chịu cực chịu bất lợi cũng không bỏ cuộc, và bắt đầu khởi nghiệp từ những nơi xa xôi, mở giang sơn rồi mở rộng lãnh thổ (ngày nay, giang sơn là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lớn và lãnh thổ chính là thị trường mà công ty đó có được). Và phải có chí lớn, khi có chí lớn, người ta sẽ hành xử rất khác, suy nghĩ rất khác, không chấp nhận sự vụn vặt, chút danh lợi con con. Và khi có chí lớn, người ta không dành thời gian đôi co tranh biện với con ong con ve.
4. Không có ai trong số những nhà tư bản dân tộc nước ta và trên thế giới bắt đầu sự nghiệp bằng việc ngồi văn phòng máy lạnh ở Sài Gòn, Hà Nội, Seoul, Tokyo, Băng Cốc…Thú vui thị thành, việc gặp gỡ giao lưu trò chuyện với những người đang quyết chí bám trụ ở phố sẽ giết chết ý chí và tầm lớn của 1 sư tử. Họ sẽ rủ mình mua đất phân lô mua nhà chung cư để đầu cơ chờ giá lên kiếm dăm ba tỷ đồng tiền lời, rồi mua xe mua cộ khoe nhau, rồi mua quần áo, coi phim, vô mấy chỗ shopping malls để ăn uống, đi nhảy, học thạc sĩ này nọ ban đêm, thấy học hoài mà chẳng thấy triển cái gì. Loài người đâu có cần thêm thạc sĩ hay tiến sĩ nữa, chúng ta cần người nghĩ và làm ra cái mới. Thành phố cũng đâu có thiếu người nữa, mình kéo lên đó ở thì chật chội thêm. Mở DN ở Hà Nội Sài Gòn thì chỉ là tranh giành 1 phần miếng bánh vốn đã quá nhiều người tranh ăn. Những làng quê, những tỉnh xa đang thiếu người mở doanh nghiệp. Những nơi đó cần mình hơn.
Các thú vui của thị dân sẽ khiến đầu óc một người trẻ mê muội vô cái tham nhỏ, không làm được cái lớn, vì nghĩ vậy là tiện nghi, sung sướng, cơ hội, thành đạt. Người có trí mà gói gọn cuộc đời trong giấc mơ 1 vợ 2 con 3 lầu 4 bánh thì chỉ tốt chỉ lợi cho cá nhân họ chứ không tốt cho đất nước. Ước mơ cá nhân nho nhỏ thì chẳng sai, những đâu có gì để khen? Họ có thêm vợ – thêm con – thêm nhà – thêm xe thì người khác trong xã hội được gì? Chẳng có gì cả. Trời đất sinh ra loài người, chỉ cho 5-10% dân số có trí, có năng lực học hành hơn người, lại đi nghĩ nhỏ, đắm say tư hữu. Hoặc lười biếng sợ cực không chịu làm, hoặc sợ mất mà không dám triển khai. Ông trời trên cao cũng chép miệng mà tiếc, biết vậy xưa không cho nó tài trí làm gì.
Các nhà tư bản dân tộc trên khắp thế giới có một khởi đầu giống nhau. Họ đều bắt đầu từ một xưởng mì tôm, một xưởng gỗ, một lò rang cà phê, một gara xe hơi, một lò ấp trứng…ở một địa phương nào đó. Và hiện nay, có rất nhiều bạn ở lứa tuổi 9x đang lấm lem dầu mỡ ở các góc bếp, vài người trong số họ sẽ trở thành những nhà tư bản dân tộc trong tương lai.
SẼ CÓ NHỮNG 9X ĐANG ĐỌC NHỮNG DÒNG NÀY, NGHĨ LỚN, CỔ PHẦN VỚI NHAU LÀM THÀNH NHỮNG TẬP ĐOÀN LỚN.
Daewoo (Đại Vũ) từng là tập đoàn lớn thứ 2 của Hàn Quốc chỉ sau Hyundai (sau là LG và Samsung, số liệu năm 1997). Từ một cậu bé bán báo để học xong trung học và ĐH, sự thông minh thiên phú cộng thêm sự lanh lợi đường phố (street-smart) giúp Kim Woo Choong, người sáng lập tập đoàn, có được cơ ngơi như thế. Dù vừa học vừa làm, ông chăm chỉ và nhận được học bổng cao học ở Anh sau khi tốt nghiệp ĐH. Năm 1964, khi đáp chuyến bay sang Anh du học, ông transit (đổi máy bay) ở Sài Gòn và xuống chợ Bến Thành coi ngó, ông phát hiện ở VN vải đẹp và rẻ, người ngoại quốc mua rất nhiều, ông nói, học ĐH vậy là đủ, ông không học cao học nữa, phí thời gian, phải triển khai thành tựu thôi, phải làm thôi. Thế là ông khăn gói kéo vali về Hàn Quốc khởi nghiệp, bất chấp ý kiến của mọi người.
Mày mò kiếm vốn thông qua mua ít vải về bán lại kiếm lời, 3 năm sau ông mới tích luỹ đủ 5000 đô để bắt đầu một xưởng may nhỏ. Ông nắm bắt được chính sách của Hàn Quốc lúc đó là doanh nghiệp có hợp đồng xuất khẩu sẽ được vay ưu đãi không lãi suất, ông bắt đầu gây dựng nên tập đoàn công nghiệp khổng lồ, hoạt động trong các lĩnh vực từ ô tô, điện tử đến dịch vụ tài chính và xây dựng. Ông đi như con thoi đến các thị trường để chào hàng, tiếp xúc gặp gỡ các siêu thị ở Mỹ, châu Âu để đưa hàng hoá vào. Lý giải về sự tăng trưởng thần tốc của Daewoo, ông Kim Woo Choong cho biết: “Chúng tôi đã làm việc nhiều hơn bất kỳ công ty nào khác. Thay vì làm việc từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều, chúng tôi làm từ 5 giờ sáng đến 9 giờ tối. Nếu cố gắng làm việc chăm chỉ, thành tựu đạt được chẳng có gì đáng ngạc nhiên".
Năm 1989, ông Kim xuất bản cuốn sách nhằm khơi dậy những ước mơ tươi sáng cho một thế hệ người Hàn Quốc trẻ với tựa đề “Thế giới rộng lớn và có nhiều việc phải làm”, phiên bản tiếng Anh là “Every Street is Paved With Gold”. Cuốn sách đã đưa Daewoo đến gần với thế giới hơn, lúc này cả thế giới biết đến thương hiệu Daewoo và thương hiệu cá nhân của ông Kim Woo Choong. Nhưng ai ngờ đây cũng là tai họa cho ông và công ty, khi sự kiêu hãnh cá nhân được ca tụng quá mức ở khắp thế giới, người trẻ khắp nơi tôn sùng ông như là thần tượng, ông nói gì cũng thấy hay, cũng ghi chép lại và ông bắt đầu cho rằng mình nghĩ gì cũng đúng. Sự ảo tưởng do người khác ca ngợi đã đưa bản thân ông vào vòng lao lý và tập đoàn Daewoo nổi tiếng phá sản.
Năm 1997, khủng hoảng tài chính châu Á nổ ra, các tập đoàn buộc phải sa thải phần lớn nhân viên và thu hẹp hoạt động, siết chặt chi phí thì công ty Daewoo vẫn bình thân. Nhân viên tiếp tục tuyển dụng mới, các sếp vẫn thu nhập cao, lương thưởng tốt,... Tất cả các nhà quản trị lúc đó đã phải ngồi dò từng khoản chi phí không cất thiết để cắt giảm thì ông tiến hành cho Daewoo mở rộng quy mô, sáp nhập thêm nhiều doanh nghiệp mới, mở thêm nhiều mảng mới. Ông cho rằng doanh nghiệp mình phải đặt người lao động lên hàng đầu, phải giữ nhân tài, không để họ thiệt thòi. Ông chỉ trích các doanh nghiệp khác cắt giảm nhân sự hay cắt giảm lương thưởng là không nhân văn, là ác. Nhưng ai biết được, ác đúng chỗ luôn là thiện và thiện không đúng chỗ, lại là ác. Khổ trước thì sướng sau, sướng trước thì khổ sau. Cho con mình sung sướng lúc nhỏ thì lúc lớn nó sẽ khổ, vì không làm ra tiền và không thích nghi với sự khó khăn, không có năng lực làm ra thành tựu. Những con cháu ông Kim là những rich kids, được ăn học ở các nền giáo dục hiện đại ở Mỹ và châu Âu, nhưng khi đưa vô Daewoo làm thì góp phần làm DN này sụp đổ nhanh hơn, quen sướng nên không thực tế. Ông "thiện" không đúng chỗ đã khiến 320 ngàn nhân viên mất việc vì không giữ nổi doanh nghiệp cho họ làm việc.
Sự kiêu ngạo và chủ quan của ông Kim và gia đình đã khiến Daewoo phớt lờ những dấu hiệu cảnh báo và tiếp tục bành trướng giữa bối cảnh cuộc khủng hoảng rất phức tạp đang diễn ra. Năm 1998, Daewoo bổ sung thêm 14 công ty con mới, các dự án bất động sản mới vào danh sách 275 công ty con hiện có của mình bằng cách vay nợ. Lịch sử Đông Tây Kim Cổ xưa nay, cứ vay tiền mà mua đất mua thêm tài sản vì lòng tham thì trước sau gì cũng lên đường. Năm 1999, Daewoo không thể trả nợ cho các chủ nợ Hàn Quốc lẫn nước ngoài. Trước áp lực nợ nần, ông Kim Woo Choong phải dẹp bỏ sự hãnh tiến mà chạy trốn lánh nợ. Hãng Daewoo với các công ty con được các doanh nghiệp khác mua lại, ví dụ mảng xe hơi thì do GM (General Motors của Mỹ và Tata của Ấn Độ) sáp nhập. Daewoo sụp đổ và thương hiệu này dần biến mất khỏi mặt đất. Tháng 6 năm 2005, trên chuyến bay số 734 của hãng Asiana khởi hành từ Hà Nội đi Seoul, khoang doanh nhân có một vị khách đặc biệt, đó chính là Kim Woo Chong. Ông về nước để chịu tội sau nhiều năm lẩn trốn ở nhiều nước, và sau đó được ân xá. Năm 2019, người đàn ông tạo cảm hứng mạnh mẽ nhất cho giới doanh nhân Hàn Quốc và giới trẻ thế giới qua đời, để lại những bài học lớn cho hậu thế.
Câu chuyện của Daewoo cùng cuộc hành trình từ “công thần” đến “tội đồ” của Kim Woo Choong có lẽ là lời cảnh tỉnh rõ ràng nhất cho giới lãnh đạo doanh nghiệp. Đó là bài học về mô hình kinh doanh không bền vững dựa vào vay nợ quá mức chi trả, sự yếu kém trong quản lý tài chính và cái tôi cá nhân không cởi mở và đón nhận sự thay đổi. Khi phát hiện có những tế bào ung thư, cần cắt bỏ ngay thay vì chần chừ dẫn đến di căn toàn thân.
Cuộc đời và sự nghiệp của ông luôn là đề tài thảo luận của sinh viên ngành quản lý khắp thế giới. Ông chính là nguồn cảm hứng nhưng cũng là tấm gương để tự soi mình, tránh vết xe đổ trong quản lý kinh tế. Nhưng câu chuyện cá nhân ông trong giai đoạn đầu, từ bàn tay trắng mà có thành tựu nhờ ý chí mạnh mẽ thì rất nên học hỏi.
1. Chuyện vui trong giáo trình ĐH Thanh Hoa (TQ)
Có lần, một ông giám đốc một công ty Trung Quốc đi đàm phán với một công ty của Mỹ. Bên Mỹ giới thiệu “Tôi là John, tiến sĩ kinh tế học, rất hân hạnh được gặp ông”. Ông Trung Quốc nghe vậy tự ái. Trí khôn châu Á 6000 năm khiến ông ứng đối lại ngay, ông nói “Tôi là Bành Tử Cung, tôi là bố của 2 tiến sĩ”. Phái đoàn Trung Quốc lúc đó vỗ tay vang dội, vì đã “cho đối tác 1 bàn thua trông thấy”, vì con tôi là tiến sĩ, mà tôi thì là bố nó, thì ở vị thế cao hơn, đại loại "mày cũng chỉ vai vế là con tao thôi nhé". Nhưng ông John mới cười đáp lại là “vậy thì 2 đứa con ông có cùng học vị với tôi”. Thật ra, người phương Tây họ không quan trọng các quan hệ gia đình chằng chịt nho giáo như ta, họ chỉ quan tâm từng cá nhân, nên cách hiểu 2 bên là khác nhau. Những câu như "đến bố tôi cũng không làm được nữa là" thì người phương Tây họ không hiểu, vì ông bố không biết làm nhưng ông con biết, ông bố bất tài nhưng ông con có tài và ngược lại, giỏi nói giỏi, dở nói dở, mắc gì sợ. Họ khách quan và xét cá nhân chứ không vì quan hệ thân tộc. Ai có tội thì trị tội chứ không có tru di tam tộc cửu tộc tào lao. Tự dưng có đứa cháu nào đó làm sai, mình đang ngồi ăn cơm ở quê thì bị lôi đi. Rồi nào cha ăn mặn con khát nước, mắc mớ gì khát, ổng ăn mặn thì ổng khát chứ tui ăn nhạt, không liên quan gì. Ai tu người đó hưởng chứ làm gì có chuyện tu giùm, ai tử tế cho đi thì hưởng chứ làm gì có chuyện người khác tạo phúc đức cho mình được. Ai chăm chỉ học hành thì thông thái, ai thể thao thể dục nhiều thì khoẻ mạnh, và ngược lại.
Ngày xưa ở phương Đông, cha mẹ, vua chua có quyền định đoạt con cái, thần dân. "Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung. Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu”. Vua kêu chết, hẻm chết là không trung. Cha kêu chết, không chết là bất hiếu. Nhiều khái niệm do các triều đình phong kiến đặt hàng các triết gia như Khổng Tử, Mạnh Tử, Trang Tử, Tuân Tử,....dùng lời lẽ hay ho mà viết thành “sách có câu, sách có câu…” nhằm quản lý xã hội dễ dàng theo ý họ. “Tứ đức” là cái khá hay nhưng lại thêm cái “tam tòng”, “trinh tiết”, khiến phụ nữ ở các nước này sống một cuộc đời rất tội nghiệp mà họ không hề hay biết. Sau này, tư tưởng này còn di chứng lại khá nặng nề, khiến người phương Đông nói chung sống một cuộc đời từ lúc sinh ra cho đến mất đi, luôn than vãn “đời là bể khổ”. Sức sáng tạo cũng kém hơn. Nguyên nhân chính là văn hoá gia tộc “live for others”, tức sống cho người khác. Cho mà không quên. Tự nhiên thương quá thương, cái đòi hy sinh cả cuộc đời cho 1 cá thể độc lập khác, rồi bắt mang ơn, bắt nhớ về. Nó quên ơn là khóc, bứt tóc móc mắt, hờn dỗi, trách móc…”biết vậy ngày xưa tao đã bóp mũi mày chết". Nghe kém văn minh làm sao.
Nho giáo quan niệm đẻ con ra, con cái là tài sản. Họ có quyền định đoạt tất cả. Những khái niệm như “phận làm con áo không qua khỏi đầu, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư”….Khi người cha người mẹ vắng mặt, người anh có quyền này với khái niệm “quyền huynh thế phụ” tức, quyền của anh như quyền của cha. Với người châu Á, cha mẹ có vị trí vô cùng lớn. Bố mẹ ông bà rất thiêng liêng, đụng đến là không thể. Mắng chửi nhau, cũng lôi bố mẹ ông bà ra nói. Với người phương Tây, ai sai người đó chịu trách nhiệm. Muốn thì chửi thẳng vào mặt từng cá nhân, không chửi cha mẹ người đó, fax you, không fax your mother, bà mẹ liên quan gì mà được fax?
2. Chuyện cho cơ hội
Rồi internet ra đời, giới trẻ thì luôn luôn tiếp thu cái mới, dẫn đến xung đột giữa các thế hệ ở các nước châu Á diễn ra gay gắt. Nên người lớn ở châu Á phải điều chỉnh lại, cho phù hợp. Tiếp thu có chọn lọc. Bảo tồn cũng có chọn lọc. Cái gì hay thì giữ, cũ quá, lạc hậu quá thì bỏ. Nắm được các quan niệm mới để không phải tự mình chuốc lấy phiền não vì nói “con cái không nghe”. Thủ cựu, khư khư cái tào lao thì ai nghe?
Có lần mình cho một bạn cơ hội việc làm tốt ở công ty. Bạn từ chối vì đi du học, sau đó đưa đứa em ruột vào. Nói đây là đứa em, cùng là anh em nên nó giỏi lắm, giỏi thì đến phỏng vấn lại từ đầu, nhé! Anh giỏi chứ em dở như hạch và ngược lại cũng là chuyện bình thường. Có bạn than thở phải đi làm để nuôi em, dù đứa em đã học năm 3 ĐH. Vì lỡ ngày xưa lấy tiền cha mẹ đi học, nên ra trường 1 cái là bị cha mẹ bàn giao đứa em. Trong khi lẽ ra, 18 tuổi là đứa em nên quyết định, học gì, làm gì, ở đâu. Các lựa chọn cá nhân, personal choices, là của riêng người ta, phải tôn trọng. 18 tuổi là có CMND, chứng minh là nhân dân rồi, là công dân, đủ các quyền từ bầu cử đến kết hôn, thì nó đã là 1 cái cây độc lập, một sinh vật trưởng thành. Mắc mớ gì tha mồi về cho ăn nữa?
Cái mình nghĩ là tốt cho họ, chắc gì thật sự tốt cho họ? Trí khôn của mình là bao, đã đi qua được bao nhiêu ngóc ngách của cuộc đời mà đòi tư vấn người khác? Giỏi lắm mình quen được 1000 người, thành công thất bại của tập hợp 1000 người đó mình rút ra, là quá bé so với 7 tỷ nhân loại ngoài kia, “mẫu thử bé quá không có tính đại diện” (xác suất thống kê học nêu rõ). Ngày xưa chỉ quanh quẩn trong làng nó khác. Giờ thế giới phẳng, một cánh bướm đập ở bên kia đại dương cũng có thể gây bão bên này. Để tự mỗi cá nhân quyết định vận mệnh của họ.
3. Chuyện dắt theo
Có lần 1 bạn nọ hẹn mình đi cà phê bàn công chuyện, tới nơi thấy 3 đứa nữa, hỏi ai thì nói “dắt theo đứa em, con bạn, nhỏ bồ…” để học hỏi. Mình bảo thôi các bạn đi về đi. TỰ ĐỘNG DẮT THEO NGƯỜI KHÁC LÀ PHẢI HỎI Ý KIẾN CỦA NGƯỜI CHUẨN BỊ GẶP, TUYỆT ĐỐI KHÔNG DẮT THEO CHO VUI, rất tào lao. Mình chợt nhớ chuyện Tấm Cám, tới đoạn Tấm chết, bà dì ghẻ đưa Cám vô làm hoàng hậu, nói với ông vua: vua ơi, con chị nó leo cây cau, nó rớt xuống chết rồi, tui dắt con em tới đền cho vua nè. Ông vua hồi xưa thì ngây ngô đồng ý chứ bây giờ dễ gì. Ổng có yêu con Cám đâu. Nó có đẹp như chị nó hem? Chị ngã em nâng gì đó thì kệ tụi mày chứ tự nhiên “con chị chết bắt tao lấy con em”, "tao không lấy, I'm sorry, mời về".
Mỗi người lo việc của mình. Anh em, con cái…trên 18 tuổi, hãy để cho họ tự quyết. Mình CHỈ GIỚI THIỆU THÔNG TIN, CƠ HỘI. Ví dụ có cuốn sách đó, có fanpage đó, có cơ hội việc làm hay du học đó…Còn quyết định đọc hay không, đi hay không, làm thế nào để đi được…thì phải tự tìm hiểu, tự tìm kiếm thông tin, TỰ NÓ QUYẾT ĐỊNH. Thể loại mà cha mẹ, anh chị “cho học gì học đó, bảo gì nghe đó” thì thua. Đâu phải con Cám đâu mà ngày xưa lẽo đẽo theo mẹ nói gì cũng "vâng ạ". Mình nói vậy nè “Cám không yêu vua, hem thích cung đấu. Cuộc đời này là của riêng Cám. Cám lấy ai kệ Cám, nhá”. Cha mẹ anh chị mà cơ cấu việc làm gì đó cho mình là gạt đi, tự mình lo, mình mà theo sự sắp xếp của họ là mình bất tài vô dụng. Thân ai nấy lo, đời ai người đó tự kiến thiết. Chưa thấy ai trên đời thừa hưởng gia tài hay bố mẹ xin việc cho mà tài giỏi hết, chưa thấy! Có tài là tự làm chớ của người khác đưa thì không có gì đáng nói.
Mẹ ép quá thì Cám luyện ai-eo, tự xin học bổng rồi thay đồ đi du học.