Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã phát hành sổ tay trực
tuyến để hướng dẫn các ngân hàng trung ương cách tạo ra các loại tiền kỹ thuật
số của ngân hàng trung ương.
Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết
sự phát triển của các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) có
khả năng thay thế tiền mặt, mặc dù việc áp dụng rộng rãi sẽ mất thời gian.
Xuất hiện tại Lễ hội FinTech Singapore hôm 15/11, giám đốc IMF
đã tán dương lợi ích của tiền kỹ thuật số, nói rằng tiền loại này có thể thúc
đẩy “tài chính mang tính hòa nhập.”
“Tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương có thể thay thế tiền
mặt, vốn rất tốn kém khi phân phối ở các nền kinh tế quốc đảo. CBDC có thể mang
lại khả năng phục hồi ở các nền kinh tế phát triển hơn. Và cũng có thể cải
thiện khả năng tiếp cận tài chính ở những nơi có ít người sở hữu tài khoản ngân
hàng,” bà Georgieva cho biết trong một bài diễn văn. “CBDC sẽ cung cấp một giải
pháp thay thế an toàn có chi phí thấp cho tiền mặt. Các đồng tiền này cũng sẽ
cung cấp cầu nối giữa các nguồn tiền tư nhân và thước đo để đo lường giá trị
của các nguồn tiền này, giống như tiền mặt ngày nay mà chúng ta có thể rút từ
ngân hàng của mình.”
Bà Georgieva tin rằng trí tuệ nhân tạo có thể đóng một vai trò
không thể thiếu trong việc nâng cao lợi thế của tiền kỹ thuật số, chẳng hạn như
cung cấp điểm tín dụng chính xác, cung cấp trợ giúp được thiết kế phù hợp với
từng cá nhân, và tránh những thành kiến để ngăn chặn sự bất bình đẳng.
Nhận xét của bà được đưa ra cùng ngày IMF xuất bản một báo cáo
đề ra “hướng dẫn ban đầu” cho các nhà hoạch định chính sách về việc nghiên cứu,
thiết kế, và khai triển CBDC. Bài viết nêu rõ rằng những loại tiền kỹ thuật số
này có thể cải thiện hệ thống thanh toán nếu các chính phủ tạo ra CBDC “một
cách thích hợp.”
Các tác giả của bài báo cho biết: “Do sự phức tạp và tính mới mẻ
liên quan, các nhà hoạch định chính sách cần khám phá CBDC một cách cẩn trọng
và có hệ thống.”
Năm ngoái, IMF cũng đã công bố một báo cáo toàn diện trích dẫn
mức độ quan tâm “chưa từng có” của quốc tế đối với CBDC. Báo cáo của IMF năm
2022 nhấn mạnh cuộc khảo sát của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế hồi năm 2022, qua
đó xác nhận rằng 93% ngân hàng trung ương đang nghiên cứu CBDC, với việc đưa
tài chính mang tính hòa nhập vào các nền kinh tế mới nổi và thu nhập thấp là
“mục tiêu chính sách chính.”
Trên toàn cầu, các chính phủ và ngân hàng trung ương đã bắt đầu
thử nghiệm hoặc nghiên cứu việc số hóa tiền tệ của họ. Theo công cụ theo dõi
CBDC của Hội đồng Đại Tây Dương, cho đến nay, gần chục quốc gia đã ra mắt CBDC
và 100 quốc gia đang trong giai đoạn thử nghiệm, phát triển, hoặc nghiên cứu.
Bất chấp sự phản đối rộng rãi của công chúng, bà Georgieva
khuyến khích các chính phủ “tiếp tục chuẩn bị khai triển CBDC và các nền tảng
thanh toán liên quan trong tương lai.”
Sự phản đối ở Hoa Thịnh Đốn
Tại Hạ viện Hoa Kỳ do Đảng Cộng Hòa lãnh đạo, ngày càng có nhiều
phản ứng chống lại CBDC.
Ví dụ, Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện gần đây đã thông qua Đạo
luật Chống Nhà nước Giám sát CBDC (HR 5403), một dự luật hạn chế Hệ thống Dự
trữ Liên bang phát hành CBDC trực tiếp hoặc gián tiếp đối với các cá nhân.
Dân biểu Tom Emmer (Cộng Hòa-Minnesota), tác giả của đạo luật,
đã lên trình bày hôm 20/09 tại phòng họp Hạ viện để thu thập sự ủng hộ đối với
dự luật.
Ông nói: “Nói tóm lại, tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương
là loại tiền có thể lập trình do chính phủ kiểm soát, nếu không được thiết kế
để mô phỏng tiền mặt, thì có thể cung cấp cho chính phủ liên bang khả năng giám
sát và hạn chế các giao dịch của người Mỹ.”
Dự luật của vị dân biểu là Phó Lãnh đạo Đa số Hạ viện này có 60
nhà đồng bảo trợ đến từ Đảng Cộng Hòa.
Mùa xuân vừa qua, ông Emmer đã cáo buộc Tổng thống Joe Biden và
chính phủ của ông đang cố gắng tạo ra một đồng USD kỹ thuật số theo “kiểu độc
tài” và “giám sát” thông qua các sắc lệnh.
“Hậu quả của việc chúng ta làm sai là quá nghiêm trọng,” ông nói
với các phóng viên hồi tháng Hai. “Chính phủ ông Biden hiện đang mong muốn tạo
ra một đồng USD kỹ thuật số theo kiểu độc tài, giám sát thông qua một sắc
lệnh.”
Những người khác cũng bày tỏ lo ngại rằng đồng USD kỹ thuật số
có thể đe dọa đến quyền riêng tư của người Mỹ.
Trong nhiều bài diễn văn năm nay, Thống đốc Fed Michelle Bowman
tiết lộ rằng bà nghĩ việc áp dụng đồng USD kỹ thuật số “có thể gây ra những rủi
ro và đánh đổi đáng kể cho hệ thống tài chính.”
Bà Bowman nói tại Hội nghị bàn tròn của Chương trình Hệ thống
Tài chính Quốc tế (PIFS) tại Trường Luật Harvard hồi tháng trước (10/2023):
“Những rủi ro và sự đánh đổi này bao gồm những hậu quả tiềm ẩn không lường
trước được đối với hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ và những lo ngại đáng kể về quyền
riêng tư của người tiêu dùng.”
Hệ
thống dự trữ Liên bang đã tuyên bố rằng họ vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu
CBDC.
Ông
Michael S. Barr, phó chủ tịch giám sát của Fed, đã nói với các nhà lập pháp
trong phiên điều trần của Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện hôm 15/11 rằng ngân
hàng trung ương chưa “đưa ra bất kỳ quyết định nào” về việc phát hành CBDC bán
lẻ.
“Nếu
chúng tôi muốn có một khuyến nghị như vậy, thì chúng tôi sẽ đến gặp Quốc hội và
cơ quan hành pháp để yêu cầu sự cho phép của các vị để tiến hành,” ông Barr
nói. “Chúng tôi đang tiến hành nghiên cứu căn bản để cố gắng tìm hiểu công nghệ
và bảo đảm rằng chúng ta sẽ kiểm soát công nghệ này.”
Mối
quan tâm khác nhau
Mùa
xuân vừa qua, Viện Cato đã công bố kết quả khảo sát quốc gia CBDC năm 2023. Họ
phát hiện ra rằng chỉ có 16% người Mỹ ủng hộ việc áp dụng CBDC, trong khi 34%
phản đối việc Fed phát hành một đồng USD kỹ thuật số. Cuộc thăm dò cũng đã tiết
lộ rằng 76% số người được hỏi lo ngại về những rủi ro có thể xảy ra hơn là lợi
ích tiềm năng.
Đối với
các quốc gia đã khai triển CBDC, các chính phủ đã nản lòng vì mức sử dụng thấp.
Hồi
tháng 10/2021, Ngân hàng Trung ương Nigeria đã ra mắt đồng Naira, CBDC đầu tiên
của châu Phi. Nghiên cứu của IMF đã phát hiện ra rằng 98.5% ví kỹ thuật số
eNaira không được sử dụng, khiến chính phủ Nigeria phải thiết kế lại tiền tệ và
thực hiện các điều chỉnh để thúc đẩy việc áp dụng nhiều hơn, chẳng hạn như xóa
bỏ các hạn chế truy cập và giảm giá cho dịch vụ taxi. Các quan chức cũng hạn
chế rút tiền mặt để tạo điều kiện cho việc sử dụng CBDC nhiều hơn.
Người
tiêu dùng Trung Quốc cũng không hào hứng với đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, mặc
dù chính quyền đang tăng cường sự hiện diện của loại tiền này trong các giao
dịch trong nước và xuyên biên giới. Trung Quốc đã sử dụng nhiều chiến lược khác
nhau để thúc đẩy việc áp dụng, từ tung ra xổ số đến gây áp lực buộc các thương
gia phải chấp nhận đồng nhân dân tệ kỹ thuật số.
Người
ta đã ước tính rằng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số chiếm 0.2% nguồn cung tiền của
quốc gia.
Tuy
nhiên, các quan chức Trung Quốc đang tăng cường đầu tư vào đồng nhân dân tệ kỹ
thuật số, nhấn mạnh rằng “các tính năng có thể lập trình” của CBDC có thể cải
thiện hiệu quả của các công cụ chính sách tiền tệ mà Ngân hàng Nhân dân Trung
Quốc sử dụng.
Ông Lục
Lỗi (Lu Lei), phó giám đốc Cục Quản lý Ngoại hối Quốc gia Trung Quốc (SAFE),
nói tại một diễn đàn hồi tháng trước rằng các nhà hoạch định chính sách có thể
thử nghiệm các tính năng khác nhau để quản lý nền kinh tế vĩ mô. Điều này có
thể bao gồm việc lập trình tiền để có ngày hết hạn, hạn chế sử dụng tiền kỹ
thuật số chỉ trong các giao dịch cụ thể, và thay đổi tỷ giá CBDC.
Tháng
trước, công ty dầu khí PetroChina đã thanh toán giao dịch dầu thô quốc tế đầu
tiên trên thế giới bằng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số. Công ty đã mua 1 triệu
thùng dầu thô trên Sở Giao dịch Dầu mỏ và Khí đốt tự nhiên Thượng Hải bằng
e-CNY.
Trong
khi đó, một số quốc gia lớn đã khởi xướng các dự án thí điểm CBDC trong năm
nay, bao gồm Nga, Nhật Bản, Singapore, Thụy Sĩ, và Ấn Độ.
Theo Epoch Times
Đăng nhận xét