MỘT SỐ QUY ĐỊNH PHÁP LÝ VỀ THỪA KẾ



BÀI I : PHÂN TÍCH VÀ LUẬN GIẢI

 

Thừa kế là một trong những giao dịch dân sự phổ biến và cũng là một trong những quan hệ pháp luật thường xảy ra nhiều tranh chấp nhất. Trong một số Bài viết trước, khi đưa ra Ví dụ có liên quan đến thừa kế, nhiều Bà con có đặt câu hỏi thêm các vấn đề có liên quan đến loại giao dịch này; Và để cho nhiều Người có thể tiếp cận, nên Tác giả quyết định viết một Bài độc lập về lĩnh vực này. Cũng xin lưu ý đến Bà con rằng: Chế định thừa kế là một Định chế pháp lý khá phức tạp, có nhiều vấn đề lằng nhằng, rối rắm. Do đó, ở đây, Tác giả chỉ xin phép, trình bày một số nội dung cơ bản và quan trọng nhất của loại giao dịch này.

 

I. Bản chất của Thừa kế

 

Thừa kế là một giao dịch dân sự về việc định đoạt tài sản - Dịch chuyển tài sản từ Người chết cho những Người còn sống, sau khi Người để lại tài sản qua đời! Như vậy, Thừa kế là câu chuyện liên quan đến Tài sản - Là Di sản do Người chết để lại.

Trong giao dịch về Thừa kế, có 02 loại Chủ thể: Chủ thể để lại di sản thừa kế; Và Chủ thể nhận (Được hưởng) di sản thừa kế.

Cần lưu ý rằng: Chủ thể để lại di sản thừa kế chỉ có thể là Cá nhân. Nhưng Chủ thể được nhận di sản thừa kế thì có thể là Cá nhân, cũng có thể là Tổ chức.

 

Ví dụ 1: Ông A trước khi chết có lập Di chúc để lại tài sản của mình cho Công ty B. Do đó, khi Ông A qua đời, Công ty B sẽ được quyền nhận di sản do Ông A để lại. Tuy nhiên Công ty X, không được quyền để thừa kế tài sản của mình cho bất kỳ ai. Vì khái niệm "Chết" và "Để lại di sản" chỉ áp dụng cho Cá nhân.

 

II. Các phương thức về Thừa kế

 

Có 02 phương thức để lại cũng như được hưởng di sản thừa kế, đó là: Thừa kế theo Di chúc và Thừa kế theo pháp luật.

Thừa kế theo Di chúc, hiểu nôm na là việc thừa kế theo ý nguyện của Người chết lúc họ đang còn sống. Và nếu Di chúc được lập hợp pháp thì, việc thừa kế theo Di chúc sẽ được ưu tiên áp dụng trước.

Như vậy, chỉ khi nào Chủ thể không để lại Di chúc, Di chúc không hợp pháp hoặc Di chúc không định đoạt hết tài sản, thì lúc đó mới áp dụng phân chia thừa kế theo pháp luật.

 

Ví dụ 2: Ông A có 03 căn nhà. Trước khi qua đời, Ông A có lập Di chúc với nội dung để lại căn nhà thứ nhất cho Người con út. Và Di chúc không nhắc gì đến 2 căn nhà còn lại. Ví dụ Ông A có 6 Người con (Vợ đã mất từ lâu). Theo đó, khi Ông A chết, căn nhà thứ nhất sẽ được chia cho Cậu con út theo nội dung Di chúc. 02 căn nhà còn lại, không được nhắc đến trong Di chúc, sẽ được chia đều cho 6 Người con (Có cả phần của Cậu con út). Tức là, không phải vì Cậu út đã nhận một căn nhà, thì không được thừa kế theo pháp luật nữa. Đây là 02 vấn đề khác nhau.

 

III. Di chúc hợp pháp

 

Một Di chúc được coi là hợp pháp, nghĩa rằng nó có hiệu lực thi hành, phải thỏa mãn đầy đủ các điều kiện sau đây:

1. Người lập di chúc, vào thời điểm lập di chúc phải trong tình trạng minh mẫn, sáng suốt - Nghĩa rằng nếu khi lập Di chúc mà đã quá cao tuổi, rồi lúc nhớ, lúc quên, không còn minh mẫn thì Di chúc đó không có giá trị.

2. Người lập Di chúc hoàn toàn tự nguyện - Nghĩa rằng họ không bị lừa dối, cưỡng ép hay đe dọa. Nếu vi phạm điều này, Di chúc không có giá trị.

3. Nội dung Di chúc không vi phạm điều cấm pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Ví dụ: Nếu Ông A qua đời, lập Di chúc để lại vài khẩu súng quân dụng cho đứa cháu, thì không có giá trị. Vì đây là vũ khí cấm Người dân sở hữu.

4. Di chúc phải được lập thành văn bản (Có thể công chứng hoặc không cần). Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt, khi tính mạng bị đe dọa, không thể lập Di chúc bằng văn bản, thì có thể lập Di chúc miệng - Sau 03 tháng kể từ thời điểm Di ngôn miệng, mà Người này vẫn còn sống minh mẫn, sáng suốt, thì Di chúc miệng xem như bị hủy bỏ, không có giá trị.

 

Lưu ý: Một Người khi đang sống, họ có quyền lập cả trăm cái Di chúc. Và nếu những Di chúc đó mâu thuẫn với nhau. Thì Di chúc sau cùng là Di chúc có giá trị thi hành.

 

Ví dụ 3: Ông A có một căn nhà. Năm 2002, Ông A lập Di chúc, có Công chứng hẳn hoi, để lại căn nhà cho Anh con cả. Đến năm 2010, Ông A lập Di chúc để lại căn nhà này cho Anh con út. Năm 2015, Ông A qua đời, thì Di chúc năm 2010, có giá trị thi hành. Bà con lưu ý vấn đề này nhé, nên không phải cứ cầm tờ gì chúc có Công chứng là yên tâm đâu!!!

 

IV. Những Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung Di chúc

 

Đây là vấn đề mà nhiều Bạn thắc mắc nhất: Đã lập Di chúc, lại còn sinh ra những Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung Di chúc, vậy lập Di chúc làm gì???!! Thực ra đây chính là điểm Công bằng của pháp luật, nhằm bảo vệ một phần những lợi ích cho một số Người nhất định.

Pháp luật quy định, những Người sau đây sẽ được hưởng một phần di sản do Người chết để lại, trong trường hợp Họ không được Người lập Di chúc cho hưởng Di sản hoặc cho hưởng, nhưng ít hơn phần Họ đáng ra được hưởng; Bao gồm:

1. Con chưa đủ 18 tuổi.

2. Cha mẹ của Người để lại Di sản.

3. Vợ hoặc Chồng của Người để lại Di sản.

4. Con đã đủ 18 tuổi, nhưng không có khả năng lao động (Do tàn tật......).

Như vậy, đối với Con đã đủ 18 tuổi và có khả năng lao động, thì không thuộc diện được hưởng Di sản không phụ thuộc vào nội dung Di chúc.

 Về giá trị Di sản được nhận của những Người này là bằng 2/3 một suất thừa kế theo pháp luật. Đoạn này hơi lằng nhằng, Tác giả sẽ ví dụ cho mọi Người dễ hiểu:

 

Ví dụ 4: Ông A có một khối tài sản riêng là 4 tỷ đồng. Ông A có vợ là Bà B, và 7 Người con (Cha mẹ Ông A đã chết). Trong đó Người con thứ 7 mới 15 tuổi. Những Người con khác đã trên 18 tuổi, và có khả năng lao động. Ông A lập Di chúc, để lại toàn bộ tài sản 4 tỷ này, cho Người con cả. Khi Ông A qua đời, di sản được chia như sau:

- Về nguyên tắc, Ông A có Di chúc, nên việc Di chúc sẽ được ưu tiên áp dụng. Tuy nhiên trong trường hợp này, có 02 Người được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung Di chúc: Vợ Ông A; Và Người con út chưa đủ 18 tuổi.

- Giả định, lúc đầu Ông A không có Di chúc, thì có 8 Người thuộc hàng thừa kế thứ nhất sẽ được hưởng Di sản của Ông A. 4 tỷ chia đều cho 8 Người, tức là mỗi Người 500 triệu.

- Theo đó, Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung Di chúc được hưởng thừa kế mức bằng 2/3 suất thừa kế theo pháp luật, tức là 2/3 của 500 triệu = 333 triệu.

- Tóm lại, Bà Vợ được 333 triệu; Đứa con út được 333 triệu. Còn bao nhiêu thuộc về Anh con cả. Những Người con còn lại không được gì!

 

V. Các hàng thừa kế theo pháp luật

 

Khi Người để lại Di sản không lập Di chúc, Di chúc không hợp pháp hoặc Di chúc không định đoạt hết tài sản, thì tài sản không có Di chúc sẽ được chia đều cho những Người thuộc cùng một nhóm hàng thừa kế, theo thứ tự ưu tiên sau:

 

1. Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

2. Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

3. Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Lưu ý: Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn bất kỳ ai ở hàng thừa kế trước do đã chết hoặc không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

 

VI. Thừa kế thế vị

 

Ví dụ 5: Ông A có 2 Người con là B và C. Anh B có 1 Người Con là F. Năm 2005, Anh B chết. Năm 2008 Ông A chết không để lại Di chúc. Những Người được hưởng thừa kế theo pháp luật của Ông A là B và C. Nhưng vì B đã chết trước đó, nên F là con B, sẽ được thay cha mình hưởng phần Di sản từ Ông nội của mình.

 

Như vậy, Thừa kế thế vị là: Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.

 

Lưu ý: Thừa kế thế vị không áp dụng trong trường hợp thừa kế theo Di chúc. Ví dụ: Ông A có tài sản 2 tỷ. Ông A có 3 Người con là B, C, D. Năm 2005, Ông A lập Di chúc để lại toàn bộ tài sản cho B. Năm 2007, Anh B chết. Năm 2008, Ông A chết. Di chúc của Ông A coi như vô giá trị, vì Anh B đã chết trước đó, con của Anh B không được thế vị cha mình để hưởng Di sản theo di chúc đó. Như vậy, 02 tỷ này sẽ được chia theo pháp luật cho 03 Người con, Anh B đã chết trước đó, nên con Anh B sẽ được thế vị cha mình hưởng phần di sản theo pháp luật. Đừng thắc mắc đoạn này: Con Anh B không được thế vị Di chúc, nếu thế vị Di chúc thì đã ôm trọn 02 tỷ, Vì Ông A Di chúc để hết cho B. Nhưng con B lại được thế vị theo pháp luật, vì lúc này, chia theo pháp luật, là chia đều cho 3 Người con, tức là 02 tỷ chia 03, tầm khoảng 700 triệu. Con Anh B sẽ được phần 700 triệu này thay cha mình.

 

VII. Thừa kế giữa Con nuôi và Cha mẹ nuôi

 

Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau như con đẻ và cha mẹ đẻ.

Ví dụ: Ông A có 02 Người con đẻ, và 01 Người con nuôi. Giả định, Ông A chết không để lại Di chúc, thì 03 Người con này, được hưởng thừa kế bằng nhau. Hiểu nôm na là không phân biệt Con nuôi hay đẻ.

 

VIII. Thừa kế giữa Con riêng và Cha dượng, mẹ kế

 

Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau. Nghĩa rằng không phân biệt Con chung hay riêng. Lưu ý là giữa họ phải có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng, thì mới được áp dụng quy định này.

........................

Công đoạn cuối cùng, của việc dịch chuyển tài sản từ Người chết sang cho Người sống, đó là Thủ tục khai nhận di sản - Bắt buộc áp dụng đối với tài sản phải đăng ký như Nhà cửa, xe cộ, hoặc tài sản gửi trong Ngân hàng.... (Còn đối với những tài sản khác, như vàng bạc, đá quý, tiền mặt, thì có thể chia nhau ngay mà không cần làm thủ tục khai nhận di sản). Khai nhận di sản là một thủ tục Dân sự - Hành chính; Bà con có thể thực hiện thủ tục này tại Văn phòng/Phòng Công chứng hoặc Ủy ban nhân dân cấp Xã. Sau khi hoàn tất thủ tục khai nhận di sản thừa kế, thì tiến hành đăng ký sang tên tại Cơ quan có thẩm quyền - Hiểu nôm na, gần giống với thủ tục đăng ký sang tên khi Bà con mua Nhà cửa, xe cộ.....

 

BÀI 2: DI CHÚC HỢP PHÁP

 

Trong Bài viết này, Tác giả sẽ trình bày cụ thể thêm một số vấn đề pháp lý về Di chúc đặc biệt là về khía cạnh hình thức của Di chúc, di chúc về tài sản chung của Vợ chồng. Riêng những nội dung, mà Tác giả đã trình bày trong Bài về Thừa kế nêu trên, xin phép không nhắc lại ở đây.

 

I. HIỂU VỀ BẢN CHẤT CỦA DI CHÚC

 

Bộ luật Dân sự hiện hành quy định: "Di chúc là sự thể hiện ý chí của Cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho Người khác sau khi chết". Trước hết, ở đây Chúng ta cần lưu ý rằng: Luật chỉ quy định là "Chuyển tài sản" mà không hề nói là "Chuyển quyền sở hữu tài sản" - Trong khi đây là những khái niệm không đồng nhất.

 

Như vậy, khi lập Di chúc, Chủ sở hữu có thể xác định là Chuyển quyền sở hữu tài sản: Tức là chuyển toàn bộ 3 quyền của một Chủ sở hữu, gồm: Quyền chiếm hữu, Quyền sử dụng và Quyền định đoạt. Tuy nhiên, Người lập Di chúc cũng có thể chỉ chuyển quyền sử dụng (Quyền hưởng dụng) mà không hề chuyển quyền sở hữu.

 

Ví dụ 1: Ông A có một căn nhà thuộc quyền sở hữu của mình. Ông A lập di chúc với nội dung: Khi Ông A chết, căn nhà được để lại cho Ông B, hoặc có thể ghi đầy đủ hơn: Khi Ông A chết, căn nhà thuộc quyền sở hữu của Ông B. Như vậy trong trường hợp này, khi Ông A chết, Ông B được toàn quyền định đoạt căn nhà, muốn tặng cho, trao đổi, mua bán gì tùy ý.

 

Ví dụ 2: Ông A có một căn nhà thuộc quyền sở hữu của mình. Ông A lập di chúc với nội dung: "Khi Ông A chết, Ông B sẽ được quyền sử dụng trong vòng 20 năm, khi kết thúc thời hạn 20 năm, Chị D sẽ được quyền sở hữu ngôi nhà này". Như vậy, trong trường hợp này, khi Ông A chết, Ông B chỉ được sử dụng ngôi nhà này, mà không được tặng cho, mua bán trao đổi như Ví dụ 1. Hay nói cách khác, ở đây Ông A chỉ chuyển quyền sử dụng căn nhà, mà không chuyển quyền sở hữu cho Ông B.

Do đó, ở đây Bà con phải nắm rõ một vấn đề: Nếu như trong Hợp đồng mua bán, thì chắc chắn đó là giao dịch chuyển quyền sở hữu; Trong Hợp đồng cho thuê, thì chắc chắn đó là giao dịch chuyển quyền sử dụng; Thì đối với Di chúc, đó có thể là giao dịch chuyển quyền sở hữu, cũng có thể chỉ là chuyển quyền sử dụng - Cho nên để tránh tranh chấp về sau, trong Di chúc cần thể hiện rõ, đó là chuyển quyền sở hữu, hay chỉ chuyển quyền sử dụng, hay chỉ dùng vào việc thờ cúng!

 

II. DI CHÚC HỢP PHÁP

 

Một Di chúc được xem là Hợp pháp, khi tổng thể các yếu tố cấu thành, thiết lập nên Di chúc là Hợp pháp, bao gồm: Chủ thể, Ý chí, Nội dung, Hình thức - Đều Hợp pháp. Nghĩa rằng, chỉ cần có một yếu tố không hợp pháp, Di chúc sẽ vô giá trị.

 

1. Điều kiện về Chủ thể

Chỉ có Cá nhân mới được lập Di chúc. Tổ chức không có quyền này. Trước đây, Bộ luật Dân sự 2005 có quy định về Di chúc chung của Vợ chồng. Nhưng Bộ luật Dân sự 2015, không còn quy định. Do vậy, Di chúc chung của Vợ chồng hiện nay là một dấu hỏi về tính pháp lý, bởi sự bỏ ngõ của Luật.

 

Cá nhân lập Di chúc phải là Người đủ từ 18 tuổi trở đi và phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Nghĩa rằng Người bị bệnh tâm thần (Mất năng lực hành vi) thì không được lập Di chúc.

 

Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể lập Di chúc nếu được Cha mẹ hoặc Người giám hộ đồng ý. Như vậy, Người chưa đủ 15 tuổi không được lập Di chúc.

 

2. Điều kiện về Ý chí của Người lập Di chúc

Người lập Di chúc phải trong trạng thái minh mẫn sáng suốt, không bị lừa dối, ép buộc hay đe dọa. Nghĩa rằng khi đang say rượu, say các chất kích thích khác, tinh thần không tỉnh táo, thì không được lập Di chúc. Người lập Di chúc phải hoàn toàn tự nguyện.

 

Nếu bị cưỡng ép, lừa dối hay đe dọa thì Di chúc không có giá trị pháp lý.

Một trong những tranh chấp thường xảy ra đối với điều kiện này, đó là Bên không đồng ý với nội dung di chúc, sẽ đưa ra lý do là vào thời điểm lập di chúc, Người lập di chúc đã già, bị lẫn, không còn minh mẫn, bởi nguyên nhân tuổi cao, bị tai biến..... Để yêu cầu Tòa án tuyên di chúc vô hiệu. Cho nên, để tránh tình huống này, trước khi lập di chúc, Người lập di chúc cần tiến hành khám sức khỏe về y tế, trong đó phải có nội dung khám về sức khỏe của bộ não, để chứng minh rằng, rất minh mẫn vào thời điểm lập di chúc.

 

3. Điều kiện về Nội dung

Nội dung di chúc phải không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Ví dụ, một Ông lập Di chúc để lại Cô bồ nhí của mình cho Thằng bạn, thì Di chúc này đương nhiên không có giá trị pháp lý.

 

4. Điều kiện về Hình thức

Di chúc có thể được lập dưới nhiều hình thức khác nhau: Ví dụ Di chúc Miệng; Di chúc bằng Văn bản; Di chúc có Công chứng, chứng thực - Với những lưu ý sau đây:

- Trường hợp Di chúc bắt buộc phải công chứng, chứng thực: Thông thường Di chúc không nhất thiết phải công chứng, chứng thực vẫn có giá trị. Tuy nhiên, đối với Người không biết chữ hoặc Người có hạn chế về thể chất (Mù, điếc....), thì Di chúc bắt buộc phải có công chứng, chứng thực mới có giá trị.

- Di chúc bằng Văn bản không có Người làm chứng: Người lập Di chúc tự viết, tự ký vẫn có hiệu lực pháp lý, nếu đáp ứng đủ cả ba điều kiện nêu trên về Chủ thể, ý chí và nội dung.

- Di chúc bằng Văn bản có Người làm chứng: Luật đôi khi quy định khá khó hiểu, trường hợp Người lập Di chúc tự viết, tự ký vẫn có hiệu lực pháp lý mà không cần Người làm chứng! Nhưng nếu đã có Người làm chứng thì phải có ít nhất 2 Người làm chứng mới có giá trị; Tức 01 Người làm chứng thì không được. Lưu ý: Người được thừa kế không được là Người làm chứng. Người chưa đủ 18 tuổi cũng không được làm chứng.

- Di chúc Miệng: Khi tính mạng của Người để lại Di sản bị đe dọa (Hấp hối), không thể lập Di chúc bằng văn bản, thì có thể lập Di chúc miệng - Sau 03 tháng kể từ thời điểm Di ngôn miệng, mà Người này vẫn còn sống minh mẫn, sáng suốt, thì Di chúc miệng xem như bị hủy bỏ, không có giá trị. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất 2 Người làm chứng và ngay sau khi Người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, Người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng. Lưu ý, ở đây là Chứng thực chữ ký của Người làm chứng, không phải Công chứng nội dung Di chúc miệng.

 

III. DI CHÚC BỊ THẤT LẠC, HƯ HỎNG

 

Kể từ thời điểm Người lập Di chúc chết, nếu:

(1) Bản di chúc bị thất lạc; Hoặc Bản di chúc bị hư hại, nhàu nát, cũ hỏng đến mức không thể hiện được đầy đủ ý chí của người lập di chúc và cũng không có bằng chứng nào chứng minh được ý nguyện đích thực của Người lập di chúc; Thì trong trường hợp này coi như không có di chúc; Đồng thời áp dụng các quy định về thừa kế theo pháp luật để chia di sản.

(2) Sau khi chia Di sản thừa kế theo pháp luật: Trong vòng 10 năm đối với Động sản, 30 năm đối với Bất động sản - Tính từ ngày Người để lại di sản chết - Mà Di chúc bị thất lạc được tìm thấy, thì phải chia lại Di sản theo Di chúc, khi Người được thừa kế theo Di chúc có yêu cầu. Như vậy trong trường hợp này, trước đó Ai lỡ được nhận Di sản theo pháp luật, mà giờ theo Di chúc được tìm thấy, không được hưởng, thì phải trả lại Di sản cho Người được thừa kế theo Di chúc. Nếu tài sản không còn, thì phải trả theo giá trị.

 

IV. THỜI ĐIỂM DI CHÚC CÓ HIỆU LỰC

 

Đây là một nội dung siêu quan trọng - Mà Bà con phải lưu ý, tránh bị vỡ mộng, ôm trái đắng, nhất là những Người tình trẻ.

Theo đó - Di chúc, chỉ phát sinh hiệu lực, khi và chỉ khi: Người lập di chúc đã qua đời. Nghĩa rằng, khi Người lập di chúc còn sống, thì di chúc đã lập đó, chưa có giá trị pháp lý gì cả, cho dù di chúc đã được công chứng - Nhớ kỹ điều này.

Quan trọng hơn, Người lập di chúc có quyền thay đổi, hủy bỏ nội dung di chúc đã lập, bao gồm cả di chúc đã công chứng, vào bất kỳ lúc nào - Và khi có nhiều di chúc, nhưng có mâu thuẫn về cùng một vấn đề, thì di chúc lập sau có giá trị thi hành hơn di chúc đã lập trước đó.

 

Ví dụ 3: Ông A có mấy Cô bồ nhí, Cô nào cũng eo éo đòi quyền thừa kế. Ông A bèn tới phòng công chứng lập cho mỗi Cô một cái di chúc, rằng thì mà là: Trừ cái điếu cày ra, khi Ông chết sẽ để lại hết tài sản cho Em nọ, Em kia..... Mấy cô bồ cầm tờ di chúc, sướng rên, thề sống chết vì A, bởi cứ nghĩ đã có di chúc, lại còn có dấu công chứng đỏ choét nữa, ngon rồi..... Nhưng đời không như mơ, khi A chết, các Cô cầm tờ di chúc ra để yêu cầu chia thừa kế, thì mới biết rằng, Ông A đã lập một di chúc khác sau đó, và di chúc này không thể hiện nội dung để lại di sản cho mấy Cô bồ. Thế thì sao - Còn sao nữa, mấy tờ di chúc của các Cô bồ đang cầm, chỉ là tờ giấy lộn. Vì như trên đã nêu, nếu có nhiều di chúc, mà các di chúc có nội dung mâu thuẫn nhau về cùng một vấn đề, thì di chúc sau, có giá trị thi hành, vì nó thể hiện ý chí cuối cùng của Người để lại di chúc. Thế nên - Hôm trước, có một Em xinh tươi lên báo khoe rằng đã được Đại gia lập di chúc để thừa kế gia sản, hi vọng Em đó đọc được nội dung này, để được thông não và sáng sủa cái con Người ra.

 

V. DI CHÚC ĐỊNH ĐOẠT TÀI SẢN CHUNG CỦA VỢ CHỒNG

 

[Lưu ý: Thế nào là tài sản riêng, chung của Vợ chồng, thì Tác giả đã có phân tích và luận giải trong một Bài viết khác trên Trang, nên xin phép không nhắc lại ở đây.]

Về bản chất, di chúc là việc định đoạt tài sản - Do đó, Người lập di chúc chỉ có quyền định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu của mình. Vì vậy, đối với tài sản chung của Vợ chồng, thì mỗi Người vợ hoặc Chồng, chỉ được quyền định đoạt phần tài sản của mình, mà không có quyền di chúc về toàn bộ tài sản, trừ khi Vợ chồng cùng lập di chúc chung.

 

Ví dụ 4: Ông A và Bà B là vợ chồng, cả hai có một tài sản chung là 1000 mét vuông đất. Theo đó, khi Ông A lập di chúc, thì chỉ được định đoạt phần 500 mét vuông đất của mình, chứ không thể định đoạt cả 1000 mét vuông đất, vì 500 mét vuông còn lại là của Bà B. Trường hợp, Ông A lập di chúc định đoạt toàn bộ cả 1000 mét vuông đất - Nếu có tranh chấp, di chúc sẽ bị vô hiệu một phần, tức chỉ có giá trị với 500 mét vuông của Ông A, vô hiệu đối với 500 mét vuông của Bà B.

Bà con lưu ý điểm này, để tránh tranh chấp - Nhiều gia đình theo chế độ Phụ hệ, nên Vợ luôn nghe theo chồng, khi Ông lập di chúc, Bà cứ nói: Thôi Ông cứ lập đi, Ông quyết thế nào thì Tôi nghe thế. Nhưng lắt léo ở chổ, di chúc chỉ mình Ông lập và ký tên, rủi Bà chết trước, nếu có tranh chấp thì di chúc Ông lập bị vô hiệu một phần. Bởi không có chứng cứ pháp lý gì khẳng định, chứng minh cho việc Bà cũng đồng thuận với ý của Ông. Do đó, để cho chắc chắn, cứ mỗi Ông, Bà lập một di chúc riêng, trong đó chỉ định đoạt phần của mình mà thôi.

----------

Nói tóm lại

- Di chúc được coi là Hợp pháp, khi đáp ứng đầy đủ các Điều kiện hợp pháp về năng lực Chủ thể lập Di chúc, về Ý chí vào thời điểm lập Di chúc, về Nội dung Di chúc và Hình thức Di chúc phải phù hợp với từng trường hợp nêu trên

- Mà nếu thiếu một trong các yếu tố đó, Di chúc sẽ bị Vô hiệu, không có giá trị thi hành!

 

Viết tại Sài Gòn, ngày 04/11/2022


BÀI 3: NHỮNG NGƯỜI THỪA KẾ KHÔNG PHỤ THUỘC VÀO NỘI DUNG DI CHÚC

 

Trong những Bài viết trước, Tác giả đã dẫn chiếu và phân tích đến Bà con, rằng - Theo quy định của Luật dân sự - Có 02 phương thức để lại/định đoạt di sản thừa kế (Tài sản của Người chết để lại), đó là: (i) Thừa kế theo Di chúc; Và (ii) Thừa kế theo Pháp luật. Thừa kế theo Di chúc, hiểu nôm na là việc định đoạt di sản thừa kế theo ý nguyện của Người chết (Người có tài sản để thừa kế) lúc Họ đang còn sống. Và nếu Di chúc được lập hợp pháp thì việc thừa kế theo Di chúc sẽ được ưu tiên áp dụng hơn so với so với các quy định về thừa kế theo Pháp luật.

 

Như vậy, chỉ khi nào Chủ thể không để lại Di chúc hoặc Di chúc được lập không hợp pháp (Bị lừa dối, cưỡng ép, đe dọa, lập trong trạng thái không minh mẫn….) hoặc Di chúc không định đoạt hết tài sản, thì lúc đó mới áp dụng phân chia thừa kế theo Pháp luật đối với tài sản là di sản không được định đoạt theo Di chúc. Khoa học pháp lý, gọi những quy định về thừa kế theo Pháp luật, là những quy phạm bổ khuyết/dự phòng, mang tính chất dự bị, phòng khi không có Di chúc thì mới áp dụng để điều chỉnh quan hệ pháp luật về thừa kế.

 

MẶC DÙ VẬY - Việc định đoạt di sản thừa kế theo Di chúc, không phải vì thế được tự do không giới hạn, mà có ngoại lệ nhất định. Nghĩa rằng, pháp luật có một sự can thiệp trong chừng mực, nhằm hạn chế quyền tự do định đoạt của Người để lại tài sản/di sản, thông qua quy dịnh về việc có một số Cá nhân đặc biệt, được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung Di chúc. Lưu ý ngay rằng: Chỉ một số cá nhân đặc biệt, trong những hoàn cảnh đặc biệt, thì mới thuộc trường hợp ngoại lệ đặc biệt này.

Đây là vấn đề mà nhiều Bà con thắc mắc nhất: Đã lập Di chúc, lại còn sinh ra những Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung Di chúc - Vậy lập Di chúc làm gì?! Thực ra đó chính là điểm công bằng của pháp luật, nhằm bảo vệ một phần những lợi ích cho một số Người yếu thế nhất định, có mối quan hệ gắn bó mật thiết, mà vốn dĩ nếu còn sống, Người để lại di sản phải có trách nhiệm trong việc nuôi dưỡng, đùm bọc, bảo vệ. Sẽ thật là vô lý, nếu Ông X trước khi qua đời lập di chúc để lại hết toàn bộ tài sản riêng của mình cho Người tình, trong khi Cha mẹ già, Con thơ lại không có gì để trang trải cuộc sống….

 

Trên cơ sở đó - Pháp luật quy định, những Người sau đây sẽ được hưởng một phần di sản do Người chết để lại, trong trường hợp Họ không được Người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc cho hưởng, nhưng ít hơn phần Họ đáng ra được hưởng; Bao gồm:

 

1. Con chưa đủ 18 tuổi.

2. Cha mẹ của Người để lại Di sản.

3. Vợ hoặc Chồng (Chưa ly hôn trước khi chết) của Người để lại Di sản.

4. Con đã đủ 18 tuổi, nhưng không có khả năng lao động (Do tàn tật......).

 

Như vậy, đối với Con đã đủ 18 tuổi và có khả năng lao động, thì không thuộc diện được hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung Di chúc. Hay Anh chị em ruột thịt, Cô chú bác, Cậu dì ruột thịt cũng KHÔNG bao giờ thuộc diện hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung Di chúc.

 

Về giá trị di sản được nhận – Mỗi Người vừa nêu chỉ được nhận thừa kế bằng 2/3 một suất thừa kế theo Pháp luật. Đoạn này hơi lằng nhằng, Tác giả sẽ ví dụ cho Bà con dễ hiểu:

 

Ví dụ 1: Ông A có một khối tài sản riêng là 4 tỷ đồng. Ông A có vợ là Bà B, và 7 Người con (Cha mẹ Ông A đã chết). Trong đó Người con thứ 7 mới 15 tuổi. Những Người con khác đã trên 18 tuổi có khả năng lao động, thu nhập. Ông A lập Di chúc, để lại toàn bộ tài sản 4 tỷ này cho Người con cả. Khi Ông A qua đời, di sản được chia như sau: Về nguyên tắc, Ông A có Di chúc, nên Di chúc sẽ được ưu tiên áp dụng. Tuy nhiên trong trường hợp này, có 02 Người được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung Di chúc: Vợ Ông A; Và Người con út chưa đủ 18 tuổi. Giả định, lúc đầu Ông A không có Di chúc, thì có 8 Người thuộc hàng thừa kế thứ nhất sẽ được hưởng Di sản của Ông A. 4 tỷ chia đều cho 8 Người, tức là mỗi Người 500 triệu (Mỗi suất thừa kế theo pháp luật có giá trị 500 triệu). Theo đó, Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung Di chúc được hưởng thừa kế mức bằng 2/3 suất thừa kế theo pháp luật, tức là 2/3 của 500 triệu = 333 triệu. Đáp án: Bà Vợ được 333 triệu; Người con út được 333 triệu. Còn bao nhiêu thuộc về Anh con cả. Những Người con còn lại không được gì.

 

Ví dụ 2: Ông A có một khối tài sản riêng là 4 tỷ đồng. Ông A có vợ là Bà B, và 7 Người con (Cha mẹ Ông A đã chết). Trong đó Người con thứ 7 mới 15 tuổi. Những Người con khác đã trên 18 tuổi có khả năng lao động, thu nhập. Ông A lập Di chúc, để lại tài sản 4 tỷ này cho Người con cả 3,8 tỷ, cho Người vợ 100 triệu, cho Người con út 100 triệu. Trong tình huống này, mặc dù Ông A có để lại di sản theo di chúc cho Vợ và Con út, nhưng giá trị mà họ được nhận là quá ít so với phần đáng ra Họ được nhận theo quy định về Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung Di chúc là 333 triệu như ví dụ vừa nêu. Nên Họ sẽ được lấy thêm từ Người con cả là 233 triệu, để cho đủ 333 triệu. Đáp án vẫn là: Bà Vợ được 333 triệu; Người con út được 333 triệu. Còn bao nhiêu thuộc về Anh con cả. Những Người con còn lại không được gì.

 

Ví dụ 3: Ông A có một khối tài sản riêng là 4 tỷ đồng. Ông A có vợ là Bà B, và 7 Người con (Cha mẹ Ông A đã chết). Trong đó Người con thứ 7 mới 15 tuổi. Những Người con khác đã trên 18 tuổi có khả năng lao động, thu nhập. Ông A lập Di chúc, để lại tài sản 4 tỷ này cho Người con cả 2 tỷ, cho Người vợ 1,5 tỷ, Người con út 500 triệu. Trong trường hợp này, di sản thừa kế của Ông A sẽ được chia theo Di chúc, mà không có ngoại lệ như ví dụ trên. Vì vốn dĩ có 02 Người mà pháp luật quy định được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung Di chúc, thì đã được hưởng di sản thừa kế theo Di chúc với giá trị lớn hơn so với phần Họ được nhận theo quy định về Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung Di chúc là 333 triệu như ví dụ vừa nêu. Nên không còn xuất hiện Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung Di chúc trong ví dụ này. Đáp án: Bà Vợ được 1,5 tỷ; Người con út được 500 triệu; Người con cả 2 tỷ. Những Người con còn lại không được gì.

 

Từ những phân tích và luận giải trên – Bà con ta cần phải hiểu rằng: Chỉ một số ít Người yếu thế nhất định, có mối quan hệ gắn bó mật thiết, mà vốn dĩ nếu còn sống, Người để lại di sản phải có trách nhiệm trong việc nuôi dưỡng, đùm bọc, bảo vệ, thì mới thuộc diện được hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung Di chúc. Vì thế cho dù Người để lại di sản đã lập Di chúc để lại hết di sản cho Người khác, mà không để lại di sản cho Họ hoặc có Di chúc để lại cho Họ mà quá ít, thì những Người này (Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung Di chúc), vẫn sẽ được hưởng một phần di sản thừa kế mà không phụ thuộc vào nội dung Di chúc đã lập đó. Đương nhiên, nếu Người để lại di sản có lập Di chúc để lại di sản cho Họ (Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung Di chúc), mà phần di sản theo Di chúc này lớn hơn phần thừa kế không phụ thuộc vào nội dung Di chúc, lúc đó Di chúc sẽ được ưu tiên áp dụng. Hay nói cách khác, lúc này pháp luật không cần xuất hiện để bảo vệ Họ nữa, vì Người để lại di sản đã lập Di chúc bảo vệ tốt hơn quyền lợi của Họ rồi. 


BÀI 4: QUYỀN THỪA KẾ CỦA “CON TRONG GIÁ THÚ”/“CON NGOÀI GIÁ THÚ”/CON NUÔI

 

Để cho dễ hình dung - Bà con ta hãy bắt đầu bằng một ví dụ: Năm 2000, Ông A kết hôn hợp pháp với Bà B, có một Con chung là C (Sinh năm 2001). Năm 2010, Ông A quan hệ ngoài luồng với Bà D, Có một con rơi là E (Sinh năm 2012). Năm 2015, Ông A nhận G (Sinh năm 2014) là một Người cháu làm con nuôi (Vì Cha mẹ Người cháu không may qua đời). Năm 2020, Ông A chết để lại khối tài sản RIÊNG là 08 tỷ đồng. Để cho bớt rối rắm và lằng nhằng, Chúng ta giả định Cha mẹ của Ông A đã mất từ lâu.

 

Con trong giá thú là ngôn ngữ bình dân, Bà con ta hay dùng để chỉ Con của những Người có quan hệ hôn nhân hợp pháp, tức hôn nhân được pháp luật thừa nhận – Trái ngược với đó, là Con ngoài giá thú, dùng để chỉ Con của những Người không có quan hệ hôn nhân hợp pháp, tức hôn nhân không được pháp luật thừa nhận (Phân tích sâu hơn một chút, thì thuật ngữ “Con ngoài giá thú”, với hàm ý kỳ thị, thường được dùng để chỉ Con của một Người đang có hôn nhân hợp pháp, với một Người không phải đang là Vợ/Chồng của mình, tức Con rơi, Con ngoài luồng).

 

Đầu tiên – Cần khẳng định rõ ràng ngay rằng: Khi quy định về quyền thừa kế, pháp luật KHÔNG hề có sự phân biệt giữa “Con trong giá thú” với “Con ngoài giá thú” đối với Cha mẹ đẻ của mình. Nghĩa rằng, quyền thừa kế của những Người con này là hoàn toàn như nhau/giống nhau. Chẳng hạn như ví dụ trên, nếu Ông A không để lại di chúc, thì C (Người con trong giá thú) và E (Người con rơi), đều là hàng thừa kế thứ nhất theo pháp luật của Ông A, và đều được chia phần bằng nhau (Mỗi Người 02 tỷ đồng).

 

Đến đây, một số “Chính thất” sẽ cảm thấy ấm ức, rằng tại sao “Đứa con hoang” của “Tiểu tam” kia lại cũng được hưởng phần thừa kế như Con của mình – Pháp luật gì kỳ cục vậy?! Thực ra, sự ấm ức đó, không phải vô lý dưới góc độ tâm lý xã hội - Nhưng triết học pháp lý quan niệm rằng, chỉ có khái niệm hôn nhân hợp pháp/hôn nhân bất hợp pháp, chứ KHÔNG thể có khái niệm Con hợp pháp/Con bất hợp pháp. Bởi mỗi Đứa trẻ sinh ra trên đời này, dù trong bất cứ trong bối cảnh nào, thì đó vẫn luôn là một “Con Người”, tự thân Đứa trẻ đó KHÔNG có bất kỳ một lỗi lầm nào trong cái ngày chào đời, Đứa trẻ đó cũng chưa bao giờ có cơ hội được quyền lựa chọn hoàn cảnh mình sinh ra, vì thế KHÔNG ai có quyền bắt Đứa trẻ phải chịu trách nhiệm thay cho lỗi lầm của Người nào, càng không thể tước bỏ những quyền bình đẳng về pháp luật của Nó so với những Đứa trẻ khác.

 

Do đó, “Chính thất” có ấm ức thì cũng phải chịu. Như ví dụ trên, ngay cả khi Ông A có lập di chúc để lại hết tài sản cho Vợ và Con trong giá thú (Là B và C), mà không để lại cho E phần nào, thì E vẫn là Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc, vì vào thời điểm Ông A chết, E chưa được 18 tuối (Bà con nào chưa đọc Bài về Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc, có thể vào trang để tìm đọc).

 

Lưu ý: Ở đây chỉ có E là Người thừa kế theo pháp luật của Ông A, còn Mẹ của E thì không, vì Bà không phải Vợ hợp pháp. Nhưng Bà B lại là Người thừa kế theo pháp luật của Ông A, vì là Vợ hợp pháp. Tất nhiên, E chỉ có quyền thừa kế theo pháp luật từ Ông A, mà không phải từ Bà B (Vợ hợp pháp của Ông A), vì không có mối liên hệ nào ở đây cả. Hiểu nôm na, có sự phân biệt giữa “Chính thất” và “Tiểu tam”, nhưng không có sự phân biệt Con đẻ do “Chính thất” hay “Tiểu tam” sinh ra. Tất nhiên, Chúng ta đang nói đến thừa kế theo pháp luật, còn theo Di chúc, thì “Của Ông, Ông muốn di nguyện cho Ai là quyền của Ông”!

 

Tiếp nữa - Khi quy định về quyền thừa kế, pháp luật KHÔNG hề có sự phân biệt giữa Con đẻ và Con nuôi. Tất nhiên Con nuôi phải là Con nuôi thỏa mãn quy định của pháp luật về xác lập Con nuôi, còn việc chỉ nhận vơ, tầm phào như Cha đỡ đầu, Mẹ bồng bế thì không được tính. Nghĩa rằng, quyền thừa kế của những Người con này là như nhau/giống nhau. Chẳng hạn như ví dụ trên, nếu Ông A không để lại di chúc, thì G (Người con nuôi), sẽ thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo pháp luật của Ông A, và đều được chia phần bằng với C (Người con trong giá thú) và E (Người con rơi). Thậm chí, ngay cả khi Ông A có lập di chúc để lại hết tài sản cho một Người nào đó, mà không để lại cho E phần nào, thì E vẫn là Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc, vì vào thời điểm Ông A chết, E chưa được 18 tuối.

 

Ngoài ra cũng cần lưu ý thêm rằng, quyền thừa kế mà Chúng ta đang nói đến là quyền thừa kế hai chiều, tức Cha/Mẹ cũng có quyền hưởng thừa kế di sản do Con ngoài giá thú/Con nuôi để lại, nếu như Con chết trước (Tất nhiên Con trong giá thú cũng hoàn toàn giống vậy). Riêng quyền thừa kế giữa “Con ghẻ” với “Bố dượng”/“Mẹ kế” có phần khác biệt, nên Tác giả sẽ phân tích nó trong một Bài viết tới đây. 


BÀI 5: DI CHÚC CHUNG CỦA VỢ CHỒNG - TRANH CÃI VÀ BẤT CẬP!

 

Khác với Bộ luật dân sự năm 2005, thì Bộ luật dân sự năm 2015 (Có hiệu lực từ ngày 01/01/2017) đã bỏ và không còn điều luật nào quy định về Di chúc chung của vợ chồng. Điều này đã dẫn đến tranh cãi lớn trong Giới nghiên cứu luật học và những Người thực thi pháp luật rằng: Kể từ ngày Bộ luật dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành, thì Vợ chồng có còn được lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung của Vợ chồng sau khi qua đời hay không?!

 

Không ít Nhà nghiên cứu luật học thực sự có chuyên môn và tiếng tăm, là các Viện sĩ, Giáo sư, Tiến sĩ luật đã công khai ý kiến phản biện cho rằng: Việc Bộ luật dân sự năm 2015 bỏ quy định về Di chúc chung của vợ chồng là không hợp tình, hợp lý. Sau nhiều phân tích, viện dẫn, những Nhà nghiên cứu này đã đi đến kết luận: Bộ luật dân sự năm 2015 bỏ quy định về Di chúc chung của vợ chồng - Nhưng cũng không hề có điều luật nào cấm Vợ chồng được lập di chúc chung - Do đó, Vợ chồng vẫn có quyền lập di chúc chung kể từ 01/01/2017.

 

Giả định rằng: Ý kiến vừa nêu của các Chuyên gia là đúng hoặc không sai về mặt lý luận, lý thuyết và khoa học nghiên cứu. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành ý kiến vừa nêu sẽ đưa lại rất nhiều "bối rối" cho tất cả các Bên có liên quan, vì sẽ "không biết đường nào mà lần". Có nghĩa rằng, việc Bộ luật dân sự năm 2015 không quy định nhưng cũng không cấm Vợ chồng lập di chúc chung, sẽ khiến cho nhiều vấn đề rơi vào "bế tắc" nếu Vợ chồng vẫn muốn lập di chúc chung. Nổi cộm, những vấn đề lớn sau đây:

 

1. Thời điểm có hiệu lực của di chúc chung?

Bộ luật dân sự 2015 quy định: Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế (Là thời điểm người có tài sản (Người lập di chúc) chết). Vậy di chúc chung của vợ chồng sẽ có hiệu lực từ thời điểm nào, nếu như Vợ chồng không chết cùng thời điểm, tức có Người chết trước, Người chết sau? Lúc đó - Di chúc sẽ phát sinh hiệu lực một phần ngay khi Người vợ hoặc Người chồng chết? Hay phải đợi đến khi Người sau cùng chết, thì di chúc mới phát sinh hiệu lực toàn bộ? Bộ luật dân sự 2005 đã hết hiệu lực, quy định theo hướng là "Di chúc chung của vợ, chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết", còn Bộ luật dân sự 2015 không quy định, nên Chúng ta không có câu trả lời.

 

Đây là một vấn đề cực kỳ phức tạp vì nó liên quan đến thời điểm mở thủ tục thừa kế và khai nhận di sản thừa kế. Có không ít Nhà nghiên cứu luật học cho rằng, vì Bộ luật dân sự 2015 không quy định, nên sẽ áp dụng tương tự quy định về hiệu lực của di chúc cá nhân. Có nghĩa rằng, dù là di chúc chung, nhưng nếu một Người chết trước, thì di chúc sẽ phát sinh hiệu lực một phần đối với Người đã chết này, đồng nghĩa có thể chia thừa kế di sản của Người đã chết đó. Nhưng Họ quên mất rằng, nếu như vậy, thì Người vợ hoặc Chồng còn sống, chính là Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc, tức Người này sẽ được thừa kế một phần tương đương với 2/3 suất thừa kế theo pháp luật. Và khi đem chia di sản theo kiểu như vậy, cũng đồng nghĩa "phá nát" cái mục đích lập Di chúc chung ban đầu.

 

2. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung?

Sau khi Vợ chồng đã lập di chúc chung, nếu vào thời điểm cả 02 Vợ chồng đang còn sống, mà 01 trong 02 Người (Tức Vợ hoặc Chồng) muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung đã lập thì có cần phải có sự đồng ý của Người còn lại hay không? Nếu Người còn lại không đồng ý, thì Người vợ hoặc Chồng có được sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình hay không? Bộ luật dân sự 2005 đã hết hiệu lực, quy định theo hướng là không được, còn Bộ luật dân sự 2015 không quy định, nên Chúng ta không có câu trả lời.

 

Sau khi Vợ chồng đã lập di chúc chung, nếu một Người đã chết thì Người còn lại có được sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình hay không? Bộ luật dân sự 2005 đã hết hiệu lực, quy định theo hướng là được, nhưng Bộ luật dân sự 2015 không quy định, nên Chúng ta không có câu trả lời.

 

Từ những luận chứng nêu trên: Rõ ràng - Bộ luật dân sự năm 2015 bỏ đi định chế về Di chúc chung của vợ chồng, khiến cho nhiều vấn đề quan trọng và phức tạp không có câu trả lời, không có phương hướng để giải quyết. Đúng là bỏ không có nghĩa là cấm, những việc "bỏ" đó đã để lại một khoảng trống pháp lý mênh mông quá lớn. Và đó chính là ngọn nguồn của những tranh chấp về thừa kế, mà những tranh chấp đó rất khó hoặc không thể giải quyết được nhanh chóng thậm chí rơi vào bế tắc, bởi sự "bỏ ngỏ" của Văn bản pháp luật thực định...... 

Luật sư Đặng Bá Kỹ

Đăng nhận xét

[blogger]

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget